2019: Nên dành nguồn lực thanh tra, kiểm toán doanh nghiệp FDI và hoạt động quản lý đất công

(Pháp lý) - Bên cạnh kế hoạch trọng tâm 2019 sẽ thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa DNNN, thoái vốn…, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước nên dành nguồn lực thanh tra, kiểm toán những vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chuyển giá, thi hành nhiệm vụ thuế và hoạt động quản lý, sử dụng đất công để ngăn chặn thất thoát tài sản của Nhà nước.

Sẽ thanh tra, kiểm toán hàng loạt lĩnh vực “nóng”

Trong cuộc trao đổi với báo chí về kế hoạch kiểm toán năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thông tin, kế hoạch kiểm toán trọng tâm nhất là kiểm toán sử dụng đất đai đối với doanh nghiệp trong và sau cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán quỹ phát triển doanh nghiệp. Theo ông Phớc, dự kiến tháng 2/2019, cùng với hai kế hoạch kiểm toán nêu trên, Kiểm toán Nhà nước sẽ hoàn thành kiểm toán quyết toán ngân sách 2017, nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách và hoàn thiện chính sách quản lý đất đai, tiến tới việc sửa đổi Luật Đất đai, cũng như tăng cường quản lý đất đai.

 Thanh tra Chính phủ nên dành nguồn lực thanh tra những vấn đề liên quan đến vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI
Thanh tra Chính phủ nên dành nguồn lực thanh tra những vấn đề liên quan đến vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI)

Theo báo cáo kiểm toán về công tác quản lý thu, chống thất thu thuế của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới công bố cho biết: kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính trong lĩnh vực đất đai thường chiếm khoảng 30% trong kiến nghị tăng thu ngân sách hàng năm. Trong báo cáo, KTNN chỉ rõ những sai phạm trong việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch chung; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… đặc biệt việc xác định giá đất còn nhiều sai sót gây thất thoát Ngân sách Nhà nước.

Đối với ngành Thanh tra, theo kế hoạch năm 2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) sẽ thanh tra việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bao gồm sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn… tại Bộ GTVT và Bộ Xây dựng. Đồng thời, TTCP quyết định sẽ thanh tra việc quản lý tài sản công và nhà đất tại Bộ Tài chính sau hàng loạt các vấn đề “nóng bỏng” về quản lý nhà, đất công thời gian vừa qua. Việc thanh tra thực hiện pháp luật về quản lý đất đai và đầu tư xây dựng tại UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế... cũng sẽ được TTCP tiến hành trong năm 2019.

Bên cạnh đó, TTCP sẽ tăng cường thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực, tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành.

Nên dành nguồn lực thanh tra, kiểm toán các doanh nghiệp FDI và hoạt động quản lý đất công

Trong cuộc trao đổi với Phóng viên Pháp lý xung quanh kế hoạch thanh tra năm 2019 của ngành TTCP, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài kế hoạch đã định khung, TTCP nên dành nguồn lực thanh tra các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong vấn đề chuyển giá, thi hành nhiệm vụ thuế.

Ông Hiếu nói: “Trước tiên, sổ sách tất cả công ty vốn nước ngoài phải được thanh tra cẩn trọng để phát hiện ra những trường hợp chuyển giá. Mục đích của vấn đề điều tra về chuyển giá nhằm chống thất thu thuế. Nếu để xảy ra hiện tượng này, rất nhiều nguồn lợi của các công ty con trong nước hoặc công ty con của các nhà đầu tư nước ngoài, làm mất nguồn thu thuế của Chính phủ”. Để thực hiện việc thanh tra các doanh nghiệp FDI được chính xác và minh bạch, ông Hiếu cho rằng, TTCP cần có những quy định cụ thể về vấn đề kiểm soát chuyển giao và tăng cường năng lực kiểm tra về nhiệm vụ thuế, các chính sách thực hiện các nhiệm vụ thuế của các doanh nghiệp FDI.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu)

Bên cạnh việc dành nguồn lực thanh tra các doanh nghiệp FDI, ông Hiếu cho rằng cũng cần dành nguồn lực cho việc thanh tra các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, đồng thời tiếp tục thanh tra làm rõ hơn nữa những vụ đầu tư gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước khiến dư luận sục sôi trong nhiều năm qua như vụ khu đô thị Thủ Thiêm, vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn... Trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm, ông Hiếu chỉ rõ, TTCP cần phải rà soát công tác đấu thầu thuốc để tránh gây lãng phí, thất thoát. Một số hãng bảo hiểm có hiện tượng bị lạm dụng để trục lợi cũng là vấn đề vị chuyên gia kinh tế cho rằng cần được TTCP quan tâm.

Đối với ngành Kiểm toán, ngoài kế hoạch và định hướng năm 2019, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính kiến nghị, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung vào công tác quản lí đất công hiện nay. Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: “Một thời gian dài vừa qua chúng ta buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát các hoạt động sử dụng cũng như cổ phần hóa đất công. Vì thế, dẫn đến tình trạng đất công bị một số địa phương, cá nhân lợi dụng hợp thức hóa trở thành đất tư, phục vụ lợi ích nhóm hoặc cá nhân. Thực tế nhức nhối này đã gây thiệt hại nghiêm trọng ngân sách nhà nước”.

PGS.TS. Đinh TrọngThịnh dẫn chứng: “Qua việc kiểm tra, kiểm soát về quản lý đất đai năm 2018, cơ quan kiểm toán cũng như các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND địa phương mới nhận thấy chênh lệch về giá trị đất đai, đặc biệt là đất công bị lợi dụng nhiều nhất, bị sử dụng lãng phí nhất và là mảnh đất màu mỡ cho tham ô, tham nhũng”. Để việc kiểm toán trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là đất công được thực hiện hiệu quả, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, luật pháp cần phải có thay đổi về quy định sử dụng đất công, trong đó, phải quy định đối tượng được ra quyết định sử dụng đất công. Cụ thể: “Ai là người được phép thế chấp hoặc cho phép cho thuê, bán các tài sản công cần phải được quy định rõ ràng, minh bạch; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu của các địa phương, doanh nghiệp có đất công cần phải đề cao hơn nữa, phải quy được trách nhiệm cho người đứng đầu khi việc sử dụng đất công hoặc việc cổ phần hóa đất công hoặc đổi đất công lấy cơ sở hạ tầng xảy ra sai phạm”.

 PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh)

Nói về công tác thanh tra đối với đất công, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ, việc thanh tra, kiểm tra, quản lý đất công thời gian qua còn tồn tại nhiều vấn đề, do đó việc kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động sử dụng đất đai nói chung, đặc biệt là vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, hoạt động đầu tư, đổi đất công lấy cơ sở hạ tầng,… cần được tiến hành một cách khẩn trương, kiên quyết để có thể phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi đất công không được sử dụng hợp lý, gây lãng phí hoặc đã được mua bán dưới những hình thức khác làm thiệt hại ngân sách nhà nước.

Đánh giá về việc cơ quan kiểm toán nhà nước quyết định kiểm tra một cách toàn diện, đồng bộ, chặt chẽ tài sản công, cụ thể là đất đai trong năm 2019, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là một điểm mới “rất đáng nói” bởi đất công đang gây nên thất thoát và tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa vấn đề quản lý tài sản công và đất công, việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát phải được các cơ quan coi đó là một công việc thường xuyên và liên tục, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.

Năm 2018, TTCP đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra ở nhiều lĩnh vực gây "nóng" dư luận. Một trong những giao dịch “đình đám” được tiến hành thanh tra trong năm 2018 là thương vụ MobiFone mua AVG với kết luận hàng loạt vi phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan như: MobiFone, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ,.... Trong năm 2018, TTCP cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm khi tài sản Nhà nước bị bán rẻ.


Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2018, cơ quan này đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, có vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan TP. Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật. Tiếp đó là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội (nay là Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội) đã được KTNN phát hiện trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng.

Đình Nguyễn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin