Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo lần thứ hai liên quan tới dự án đô thị gần 2.000 ha bị bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Ngày 16/4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan tới dự án đô thị gần 2.000 ha bị bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội kiểm tra và xử lý vụ việc này.
Trước đó, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội kiểm tra và xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến vấn đề trên.
Theo phản ánh, lý do được các chủ đầu tư đưa ra để không triển khai dự án đô thị tại huyện Mê Linh là điều chỉnh lại quy hoạch khi chuyển huyện này từ tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội hơn 10 năm trước. Việc sáp nhập về Hà Nội đã gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng dự án.
Song thực tế, các dự án này "đắp chiếu" là do thị trường bất động sản đóng băng sau thời gian sốt nóng. Số dự án này từng gây sốt trên thị trường bất động sản, nhưng sau ngày sáp nhập về Thủ đô, các dự án nhà ở tại huyện Mê Linh vẫn là những khu đất trống. Phần lớn các dự án đã huy động vốn từ khi chưa giải phóng mặt bằng, có dự án đã bán, thu tiền 100% giá trị lô đất.
Trước thực tế này, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, chỉ đạo và xử lý tình trạng khu đô thị bị bỏ hoang.
Trước đó, hồi giữa tháng 3, HĐND TP.Hà Nội đưa ra kết quả giám sát trên địa bàn huyện Mê Linh. Theo đó có khoảng 50 dự án bất động sản quy mô tới 10 - 100 ha, tổng diện tích là gần 2.000 ha nhưng hơn chục năm nay vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí lớn tài nguyên trong khi người dân không có đất sản xuất.
Điển hình là Dự án khu đô thị mới AIC Mê Linh, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh do công ty Bất động sản AIC làm chủ đầu tư, diện tích 94,32 ha; đã giải phóng mặt bằng được khoảng 80%, đầu tư thi công một số hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, kể từ khi được giao đất đến nay đã hơn 10 năm nhưng dự án vẫn “án binh bất động”. Đối với phần chưa giải phóng mặt bằng, người dân vẫn canh tác trồng hoa.
Năm 2008, ghi nhận giá đất ở Mê Linh lên đỉnh khi huyện này sáp nhập về Hà Nội. Thời điểm đó giới đầu tư đã đổ xô về đây mua đất để đầu tư dự án khiến Mê Linh xuất hiện cơn “sốt đất”. Khi ấy, Mê Linh được coi là điểm nóng trên thị trường bất động sản Hà Nội. Giá đất có lúc đạt ngưỡng 18 – 22 triệu đồng/m2, tăng 80 – 90% so với mức 2 – 3 triệu đồng/m2 trước đó.
Vậy nhưng sau cơn “sốt” năm đó, thị trường bất động sản Mê Linh gần như đóng băng.
Các dự án không triển khai được đành rơi vào tình trạng hoang hóa, một lượng vốn khổng lồ của giới đầu tư bị chôn vùi. Gần chục năm trời, Mê Linh không có những công trình hay khu đô thị nào mọc lên như những tên gọi mà các nhà đầu tư đặt cho trước đó.
Ngoài dự án đô thị tại Mê Linh, hàng loạt khu đô thị mới được phê duyệt ồ ạt ở các cửa ngõ Thủ đô như Đan Phượng, Hoài Đức... sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội đến nay cũng trong cảnh dở dang.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/2000-ha-dat-me-linh-bi-bo-hoang-thu-tuong-chi-dao-lan-thu-hai-a430257.html