12 kỳ Đại hội và những dấu ấn quan trọng (Phần 3)

20/07/2019 10:27

(Pháp lý) - LTS: Trong 2 kỳ Pháp lý phát hành tháng 6, Ban Biên tập đã đăng tải những dấu ấn quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam qua 11 kỳ Đại hội (từ Đại hội I đến Đại hội XI). Trong từng giai đoạn phát triển, Hội ngày càng mở rộng quy mô phát triển tổ chức và không ngừng nỗ lực hoạt động, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối nội và đối ngoại.

Đặc biệt trong hai nhiệm kỳ gần đây và đặc biệt từ năm 2014 đến nay (nhiệm kỳ XII), Hội đã phát triển toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp vì dân, vì công lý, vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Kỳ này, Ban Biên tập trân trọng đăng tải tiếp những dấu ấn quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam trong nhiệm kỳ XII (từ năm 2014 đến nay).

Giai đoạn phát triển toàn diện, nỗ lực hoạt động vì dân, vì công lý, vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Đại hội XII Hội Luật gia Việt Nam diễn ra vào tháng 9/2014. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2014-2019 gồm 111 Ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Quyền – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội (khóa XI) được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (khóa XII).

Tổng số Hội viên Hội Luật gia Việt Nam hiện nay là hơn 63.000 Hội viên, trong đó số Hội viên được kết nạp mới trong giai đoạn 2014 - 2019 là hơn 19.000 Hội viên. Cùng với việc tăng cường về số lượng, các cấp Hội cũng quan tâm đến bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng hội viên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội.

Trong giai đoạn 2014 - 2019, trên cơ sở bám sát và thực hiện nghiêm các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ được thể hiện trong Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị, Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư; ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nước..., Hội Luật gia Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tham gia xây dựng chính sách pháp luật có chất lượng hiệu quả

Từ sau Đại hội XII đến nay, công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật của Trung ương Hội và các cấp Hội địa phương được được triển khai thường xuyên, sâu rộng, có chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, thời kỳ này, Hội Luật gia Việt Nam vinh dự được Quốc hội khóa XIII giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Luật Trưng cầu ý dân. Ngày 25/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân với tỷ lệ nhất trí cao (với 426/435 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 86,23% tổng số Đại biểu Quốc hội).

 Chủ tịch HLGVN Nguyễn Văn Quyền trình bày tờ trình Luật Trưng cầu ý dân trước Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch HLGVN Nguyễn Văn Quyền trình bày tờ trình Luật Trưng cầu ý dân trước Quốc hội khóa XIII.)

Đại diện Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập 29 dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong đó có các dự án Luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Cạnh tranh, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Kiểm toán Nhà nước…

Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội đã tổ chức được 99 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học góp ý kiến vào các chương trình, dự án, dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định quan trọng. Ở địa phương, các cấp Hội Luật gia đã tích cực tham gia các hoạt động theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương Hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn này, các cấp Hội địa phương (số liệu của 50 tỉnh, thành Hội) đã tham gia góp ý kiến xây dựng vào hơn 80.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật (nhiệm kỳ trước là 43.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật) và đã tham gia rà soát hơn 27.000 văn bản pháp luật hiện hành, phát hiện những bất cập và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

 Quang cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc HLGVN lần thứ XII (tháng 9/2014)  (nguồn ảnh: tư liệu HLGVN)
Quang cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc HLGVN lần thứ XII (tháng 9/2014)  (nguồn ảnh: tư liệu HLGVN))

Hơn 500.000 vụ việc được tư vấn và trợ giúp pháp lý

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tiếp tục được các cấp Hội chủ động triển khai thường xuyên và hiệu quả. Các trung tâm tư vấn pháp luật tiếp tục được củng cố, kiện toàn và thành lập mới.

Các trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, thu hút được một số nguồn lực tài chính và phối hợp với các tỉnh, thành Hội tổ chức có hiệu quả một số chương trình, đề án. Trong khuôn khổ dự án ADDA, Trung tâm TVPL cho người nghèo và phát triển cộng đồng đã phối hợp với Hội Luật gia Lào cai, Sơn La và Lai Châu tiến hành 606 cuộc tư vấn tại các thôn bản cho 26.270 lượt người; đã mở 30 lớp tập huấn cho 1.252 các trưởng thôn bản và nhiều lớp tập huấn cho 1.251 tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật; đã in và phát hành 42.000 tờ rơi và 15.600 cuốn sách cẩm nang tuyên truyền pháp luật tới một số thôn bản vùng thực hiện dự án. Trung tâm TVPL tại thành phố Hồ Chí Minh đã tư vấn cho 1.220 lượt người dân, tổ chức; tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại, cử luật gia, luật sư tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền lợi cho 480 lượt người dân và đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý qua điện thoại cho hàng nghìn lượt người dân, doanh nghiệp. Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mạng lưới tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng” do quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF) tài trợ; Trung tâm cũng đã mở đường dây 18001029 tư vấn pháp luật miễn phí cho người nhiễm HIV và đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao trong cả nước. Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng thực hiện dự án “Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những người mới chấp hành xong hình phạt tù” do Quỹ JIFF hỗ trợ. Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên đã thực hiện TVPL cho hơn 700 phụ nữ và các cháu chưa thành niên các vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Ở địa phương, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau như...

Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành hội, trong giai đoạn này, các trung tâm tư vấn pháp luật của các địa phương đã thực hiện tư vấn pháp luật được gần 400.000 vụ việc và trợ giúp pháp lý được hơn 107.000 vụ việc.

Nhiều tỉnh, thành Hội phát huy vai trò, trách nhiệm là thành viên của Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc UBND tỉnh trong việc tư vấn giúp chính quyền giải quyết nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; tham gia các cuộc đối thoại với công dân do UBND tỉnh tổ chức. Nhiều ý kiến của Hội Luật gia đã được các cơ quan ghi nhận và đánh giá cao. Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành Hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp hội đã thực hiện tư vấn giải quyết khiếu nại được gần 27.500 vụ việc.

Tham gia thực hiện hòa giải thành hơn 100.000 các tranh chấp và tham gia vào hơn 16.000 đoàn giám sát

Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 01 ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Đại diện của Hội luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao với vai trò là trưởng đoàn và thành viên các đoàn giám sát liên ngành theo chương trình, kế hoạch đề ra. Trong đó, có 2 vụ việc (vụ khiếu nại của bà Trần Thị Kim Tân ở Thái Bình, và vụ khiếu nại của ông Lê Văn Chung ở Thanh Hóa) đã được Hội Luật gia Việt Nam chủ động đề xuất và được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa vào Chương trình giám sát, đồng thời giao cho Hội làm nòng cốt trong quá trình giám sát. Những kiến nghị qua 2 cuộc giám sát này được các cơ quan chức năng đồng tình chấp nhận và xử lý theo hướng đề xuất của Đoàn giám sát. Hiện nay, Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phối hợp số 02 ngày 11 tháng 10 năm 2018 và Hội cũng đã lựa chọn một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài được dư luận quan tâm để báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa vào kế hoạch tổ chức giám sát tại cơ sở trong năm 2019.
Hội còn tham gia công tác hòa giải ở cơ sở góp phần thiết thực vào việc giải quyết thành công nhiều vụ việc tranh chấp ở cơ sở. Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành Hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay các cấp hội đã tham gia thực hiện hòa giải thành gần 109.000 các tranh chấp lớn, nhỏ.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội tiếp tục được đẩy mạnh, phạm vi các hoạt động được mở rộng, nội dung và hình thức ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, góp phần kịp thời phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết về pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Công tác này đạt được những kết quả như: Tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và địa phương; Chủ động phát huy năng lực của Hội, huy động được đông đảo đội ngũ Luật gia tham gia vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và đã đạt được những kết quả quan trọng; Thực hiện tốt các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật trong khuôn khổ Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”.

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Luật gia đã tổ chức được 456.000 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho 14.800.000 người dân, phát hành gần 4 triệu các loại bản tin pháp luật, tờ rơi, tờ gấp.v.v.

Trong ba năm thực hiện, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, trong đó có các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật đã cơ bản được hoàn thành với kết quả tốt. Kết thúc 3 năm thực hiện Đề án, Hội đã tổ chức tổng kết, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho Hội được tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn hai.
Đáng chú ý, Hội Luật gia Việt Nam và các cấp Hội tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả vào công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính và giám sát việc thi hành pháp luật. Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành hội, các cấp Hội đã tham gia vào hơn 16.337 đoàn giám sát theo yêu cầu.

Công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông được đẩy mạnh

Các cơ quan ngôn luận của Hội tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, bám sát các hoạt động của hội để tổ chức các hình thức tuyên truyền sinh động, phù hợp và hiệu quả.
Báo Đời sống và Pháp luật tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, xây dựng thêm các chuyên mục mới, phát hành thêm những ấn phẩm mới.

Tạp chí Pháp lý tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức, mở thêm các chuyên mục, chuyên trang và ấn phẩm mới, nâng cao chất lượng của Tạp chí, kịp thời phản ánh những vấn đề, sự kiện pháp lý, các hoạt động của Hội được dư luận xã hội quan tâm.

Tạp chí Pháp luật và Phát triển xuất bản tiếng Việt và tiếng Anh đi vào hoạt động ổn định, kịp thời tuyên truyền về các sự kiện pháp lý trong nước ra nước ngoài. Nhà xuất bản Hồng Đức tiếp tục thực hiện tốt chức năng, xuất bản và phát hành các ấn phẩm có giá trị cho xã hội và phục vụ cho công tác tuyên truyền của hội. Nhiều Hội Luật gia tỉnh, thành phố đã biên tập và xuất bản định kỳ các Bản tin pháp luật để cung cấp cho hội viên làm tư liệu tuyên truyền về những hoạt động trọng tâm của hội.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ công tác hội được quan tâm hơn. Viện khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu phục vụ các hoạt động của Hội. Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 1 đề án và đấu thầu thành công 2 đề tài khoa học mới; chủ động tổ chức và tham gia vào nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học..

Các ban chuyên môn và một số Chi hội trực thuộc Trung ương Hội cũng đã triển khai thực hiện thành công một số đề tài, dự án và đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm khoa học. Ở địa phương, nhiều Hội Luật gia tỉnh, thành phố cũng đã triển khai tốt công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong năm 2017, một số cán bộ, Hội viên của Hội Luật gia Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học được ghi nhận và tôn vinh.

Công tác đối ngoại được phát triển lên tầm cao mới

Được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sự quan tâm, hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương và sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức chính trị - xã hội -nghề nghiệp có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Với tư cách là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội đã vận động, thuyết phục được hai tổ chức này kịp thời ra các tuyên bố vào các thời điểm cần thiết để ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt, trong 2 hai năm gần đây Hội Luật gia Việt Nam đã vận động được Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức hai cuộc hội thảo quốc tế riêng biệt về vấn đề Biển Đông với chủ đề: “Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông”. Cụ thể: năm 2017 hội thảo được tổ chức tại Nhật Bản với sự phối hợp của Hiệp hội luật gia đoàn kết Nhật Bản, năm 2018 tổ chức tại Nga, với sự phối hợp của Tổ chức Quỹ con đường hòa bình của Nga.

 Hội Luật gia Việt Nam chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế (trong ảnh là buổi kí kết hợp tác giữa HLGVN và HLG Liên Bang Nga dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga).
Hội Luật gia Việt Nam chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế (trong ảnh là buổi kí kết hợp tác giữa HLGVN và HLG Liên Bang Nga dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga).)

Với những thành tích trên, Hội Luật gia Việt Nam đã ba năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng cờ thi đua là đơn vị đi đầu trong công tác đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

 Hội Luật gia Việt Nam và Hội Luật sư Seoul, Hàn Quốc tại buổi lễ ký kết tuyên bố chung đề nghị Chính phủ Hàn Quốc điều tra hậu quả chiến tranh và bồi thường thiệt hại cho người dân Việt Nam (tháng 4/2019)
Hội Luật gia Việt Nam và Hội Luật sư Seoul, Hàn Quốc tại buổi lễ ký kết tuyên bố chung đề nghị Chính phủ Hàn Quốc điều tra hậu quả chiến tranh và bồi thường thiệt hại cho người dân Việt Nam (tháng 4/2019))

Trong giai đoạn 2014 - 2019, Hội tiếp tục tổ chức các đợt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho giới luật gia Việt Nam với những hiệp hội nghề luật đã ký kết thỏa thuận hợp tác như Đoàn Luật sư Seoul - Hàn Quốc, Hội luật học Trung Quốc, Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ, Hội Luật gia Belarus, Hội Luật gia Liên bang Nga…, đồng thời đã ký kết thêm 03 thỏa thuận hợp tác song phương mới với Đoàn luật sư tiểu bang California - Hoa Kỳ, Viện lập pháp và pháp luật so sánh Liên bang Nga và Đoàn luật sư Lào.
Việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác song phương nói trên đã tạo điều kiện cho các thành viên của Hội có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm hoạt động, cũng như trao đổi về các vấn đề pháp luật mà hai bên cùng quan tâm.

Hội Luật gia Việt Nam vinh dự được Quốc hội khóa XIII giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Luật Trưng cầu ý dân. Ngày 25/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân với tỷ lệ nhất trí cao (với 426/435 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 86,23% tổng số Đại biểu Quốc hội).


Ngày 18/12/2017, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã ban hành Chương trình làm việc số 05-CTr/BCĐCCTPTW, trong đó giao cho Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp” để trình Ban Chỉ đạo cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 (tháng 12/2018). Đảng đoàn và Thường trực Trung ương Hội đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và tháng 12/2018 đã có báo cáo trình Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp” và đề xuất với Ban chỉ đạo cho Hội được tiếp tục triển khai Đề án trong những năm tiếp sau.


Đặc biệt, trong 2 hai năm gần đây Hội Luật gia Việt Nam đã vận động được Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức hai cuộc hội thảo quốc tế riêng biệt về vấn đề Biển Đông với chủ đề: “Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông”. Cụ thể: năm 2017 hội thảo được tổ chức tại Nhật Bản với sự phối hợp của Hiệp hội luật gia đoàn kết Nhật Bản, năm 2018 tổ chức tại Nga, với sự phối hợp của Tổ chức Quỹ con đường hòa bình của Nga.


Với những thành tích quan trọng, Hội Luật gia Việt Nam đã ba năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng cờ thi đua là đơn vị đi đầu trong công tác đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

 

Nhóm PV Nội chính (thực hiện)

 

Bạn đang đọc bài viết "12 kỳ Đại hội và những dấu ấn quan trọng (Phần 3)" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin