(Pháp lý) - LTS: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, gần 7 thập kỷ qua, các thế hệ Luật gia Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành cùng với sự phát triển của đất nước.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc. Với phương châm Đoàn kết, Dân chủ, Sáng tạo, Phát triển, các cấp Hội và Hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, bạn bè quốc tế trân trọng.
Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, các tổ chức của Hội và hơn 63.000 Hội viên đang nỗ lực thi đua lập thành tích , hướng tới một sự kiện chính trị quan trọng diễn ra vào tháng 9 tới – Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII.
Hòa chung không khí đó, từ số Tạp chí Pháp lý tháng 6, Ban Biên tập khởi đăng các tin bài phản ánh hoạt động của các cấp Hội Luật gia ở T.W và địa phương hướng tới sự kiện chính trị quan trọng này.
Từ Đại hội I đến Đại hội V: Trưởng thành cùng cách mạng và phát triển tổ chức
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đời, mở đầu một thời đại lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh. Nhà nước mới đòi hỏi phải có một bộ máy nhà nước mới và phải xây dựng một hệ thống pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ thành quả của cách mạng, phát triển kinh tế, dựng xây đất nước.
Ngay trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ Luật gia Việt Nam yêu nước đã hình thành trong bộ máy chính quyền mới từ Trung ương đến cơ sở.
Tháng 12 năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều Luật gia Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ đã hăng hái dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp để giành độc lập. Một số Luật gia tiêu biểu có vinh dự được Hồ Chủ tịch giao những trọng trách trong Chính phủ như các Luật sư Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường, các Luật gia Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè. Được tôi luyện trong cuộc kháng chiến, đội ngũ Luật gia cách mạng từng bước trưởng thành.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tuy nhiên hai miền Bắc, Nam của Tổ quốc vẫn tạm thời bị chia cắt. Với âm mưu biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã không ngừng tiếp tay cho ngụy quyền miền Nam phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhiệm vụ tham gia cùng nhân dân cả nước đấu tranh để thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ các Luật gia yêu nước.
Nhận thấy vai trò quan trọng của Luật gia trong cuộc đấu tranh bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hoà bình thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã động viên giới luật gia tập hợp vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để đóng góp sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng.
Được sự động viên, khuyến khích của Đảng và Nhà nước, ngày 29/3/1955, khoảng 40 Luật gia ở các ngành khác nhau tham gia Hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngay sau đó, ngày 4/4/1955, Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NĐ-NV. Ngày 4/4/1955 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.
Luật sư Phan Văn Trường, Luật sư Nguyễn An Ninh; Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Trần Công Tường, Nguyễn Văn Hưởng, Vũ Trọng Khánh … là thế hệ những luật gia đầu tiên của Việt Nam. Họ là những Luật gia đã đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận pháp lý để bảo vệ công lý, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Tại Đại hội II (1957), Điều lệ Hội được bổ sung quy định: “Tuỳ điều kiện và yêu cầu, có thể thành lập Chi nhánh Hội ở địa phương”. Trên cơ sở quy định này, Hội bước đầu triển khai mở rộng tổ chức tại các địa phương. Tại các kỳ Đại hội II, III, IV, Luật sư Phan Anh tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ trọng trách Chủ tịch Hội.
Tại Đại hội V (1974), Điều lệ Hội được bổ sung quy định “Tuỳ theo yêu cầu và điều kiện có thể thành lập Chi hội hoặc Tổ hội viên ở địa phương và ở các ngành” để tạo điều kiện cho công tác mở rộng tổ chức Hội tại các ngành; đồng thời xác định rõ mô hình tổ chức của Hội: “Tổ chức Hội gồm có Đại hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Thư ký, các Ban chuyên trách, các Chi hội và Tổ hội viên”. Đại hội V và Đại hội VI sau đó, Luật sư Phan Anh tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội.
Có thể thấy, bối cảnh đất nước giai đoạn 1955 – 1980 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Cùng với nhân dân cả nước, Hội đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và góp phần giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã tham gia và góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh pháp lý đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho Hội. Nhiều hội viên đã tham gia viết sách, viết báo để giải thích và phổ biến rộng rãi Hiệp định, vạch trần những thủ đoạn xảo quyệt của đế quốc Mỹ trên diễn đàn pháp lý trong nước và quốc tế nhằm phá hoại việc thực thi Hiệp định.
Ngoài việc tham gia tích cực cuộc đấu tranh pháp lý gắn với cuộc đấu tranh của dân tộc, Hội Luật gia Việt Nam còn góp phần phát triển pháp luật quốc tế hiện đại. Hội đã góp phần hoàn chỉnh khái niệm các quyền dân tộc cơ bản với 4 nội dung “Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”; hoàn chỉnh khái niệm chủ thể pháp luật quốc tế. Trong công tác đối ngoại, Hội đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, trở thành thành viên của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế. Hoạt động của Hội luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đã góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của dân tộc.
Về đội ngũ Hội viên, đến Đại hội V năm 1974, Hội đã thu hút gần 300 Hội viên tham dự, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về phát triển tổ chức và kết nạp Hội viên.
Từ Đại hội VI đến Đại hội IX: Nỗ lực hoạt động, khẳng định vị trí quan trọng trong công tác tăng cường pháp chế XHCN
Trong giai đoạn 1980 – 2004, Hội chuyển hướng hoạt động, đẩy mạnh phát triển các hoạt động trong nước, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực; có chất lượng; hiệu quả; vận dụng các hình thức dân vận; Trong công tác đối ngoại, Hội tăng cường hợp tác với nhiều tổ chức pháp luật quốc tế.
Trên cơ sở Điều lệ Hội được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1993), Hội hoàn thiện hệ thống tổ chức theo hướng phát triển mạnh mẽ, tổ chức ra cả nước theo mô hình 4 cấp: Trung ương hội; Tỉnh hội, Thành hội (gọi chung là Tỉnh hội); Huyện hội, Quận hội, các cấp hội tương đương (gọi chung là Huyện hội); Tổ chức Hội ở cơ sở.
Tại Đại hội VIII (1993), Luật gia Phùng Văn Tửu, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội được bầu làm Chủ tịch Hội; Đại hội IX (1998) đã bầu Luật gia Phạm Hưng, nguyên Chánh án Toà án nhân dân tối cao làm Chủ tịch Hội.
Trong nhiệm kỳ khóa IX (1998 - 2004), đội ngũ Hội viên tiếp tục được phát triển, đến cuối nhiệm kỳ, tổng số Hội viên là 28.400 Hội viên.
Đáng lưu ý, trong giai đoạn này, sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam được tăng cường, nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội đã được ban hành, tạo thuận lợi cho hoạt động của Hội. Trước hết đó là Chỉ thị 34-CT/TW ngày 14/4/1988 của Ban bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ “Để tăng cường pháp chế XHCN, thực hiện việc quản lý đất nước bằng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Hội Luật gia Việt Nam cần được củng cố và tăng cường về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt là tăng cường hoạt động trong nước”. Đây là Chỉ thị định hướng hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới của đất nước. Tiếp đó là Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo công tác Hội Luật gia Việt Nam. Chỉ thị nhấn mạnh: Hoạt động của Hội có vị trí quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền, góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hội có nhiệm vụ huy động giới luật gia tích cực tham gia nghiên cứu chuẩn bị các dự án pháp luật đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới... Hội cần mở rộng quan hệ và sự hợp tác với các tổ chức Luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh nhằm tạo điều kiện môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo công tác Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh: Hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam có vị trí quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền, góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hội có nhiệm vụ huy động giới Luật gia tích cực tham gia nghiên cứu chuẩn bị các dự án pháp luật đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới... Hội cần mở rộng quan hệ và sự hợp tác với các tổ chức Luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh nhằm tạo điều kiện môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Bám sát các quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kỳ Đại hội của Hội đã vạch ra phương hướng hoạt động cho từng giai đoạn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo hướng: tích cực mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển các hoạt động trong nước, mở rộng hoạt động đối ngoại. Hội Luật gia Việt Nam đoàn kết, tổ chức và vận động các Luật gia Việt Nam góp phần thực hiện đường lối cách mạng đối nội và đối ngoại trong lĩnh vực pháp luật. Nhiệm vụ của Hội là nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng nền pháp lý XHCN Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng của dân tộc là xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, tiến bộ xã hội và CNXH. Ngoài ra, Hội có nhiệm vụ huy động giới Luật gia tích cực tham gia nhiệm vụ chuẩn bị các dự án pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, Hội đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các cấp Hội thảo luận rộng rãi và đóng góp nhiều ý kiến vào dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, tham gia góp ý kiến xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, đặc biệt Hội đã được giao trọng trách chủ trì xây dựng Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cấp Hội ngày càng phát triển, mở rộng ra cả nước, giành được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều cấp Hội địa phương đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa pháp luật vào đời sống, nâng cao dân trí về pháp luật.
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn pháp luật, Hội cũng thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hoà giải ở cơ sở. Hoạt động này chủ yếu do các cấp Hội địa phương, các Chi hội cơ sở xã, phường, thị trấn thực hiện. Hoạt động hoà giải ở cơ sở với sự tham gia của các hội viên của Hội đã phát huy tác dụng giúp các bên tranh chấp giải quyết ngay từ đầu những tranh chấp nhỏ phát sinh ở khu dân cư, các vướng mắc trong quan hệ dân sự … góp phần duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế các vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Hội còn tham gia công tác xây dựng bộ máy Nhà nước như: tham gia tuyển chọn thẩm phán và kiểm sát viên các cấp. Các cấp Hội đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thành viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, kiểm sát viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành Toà án và Kiểm sát trong cả nước. Các cấp Hội đã thực hiện đúng và đầy đủ kế hoạch của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về việc tham gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đã có nhiều đóng góp vào thành công của các cuộc bầu cử.
Một dấu ấn quan trọng trong giai đoạn 1980 – 2004, thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng và chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, hoạt động quốc tế của Hội được mở rộng về địa bàn, phong phú, đa dạng về nội dung, với sự tham gia của nhiều cấp Hội. Hội tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL); tham gia Trung tâm Luật khu vực Mêkông do 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan thành lập năm 1995; Hội cũng thiết lập quan hệ với Hiệp hội Luật gia Đông Nam Á (ASEAN Law Association - ALA); Hội Luật gia Châu Á (Law Asia - LA); Hiệp hội Luật sư Châu Á (ASIA Bar Association); Hội Luật gia Henri Capitant; Hiệp hội Luật gia dân chủ Châu Âu; Hiệp hội Luật sư Thái Bình Dương; Hiệp hội Luật sư quốc tế. Hội có quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức Luật gia các nước như Hội Luật gia Nhật Bản, Hội Luật gia Ấn Độ, Hội Luật gia Singapore, Hội Luật gia dân chủ Pháp, Hội Luật gia dân chủ Liên Xô (trước đây), Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA). Hội đã hợp tác với Hội Luật sư Canada (CBA) …
Trong giai đoạn này, Trung ương Hội và một số cấp Hội địa phương đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu tăng cường, mở rộng hoạt động quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đảng. Những kết quả đạt được đã góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
(Đón đọc tiếp bài đăng trên TCPL kỳ phát hành ngày 25/6/2019)
PV