Yêu cầu điều tra đối tượng nhận tiền viết bài nói xấu chế độ trên mạng

Chủ trì cuộc họp về công tác tăng cường quản lý báo chí, mạng xã hội (MXH), với đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, hôm qua, 7/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Bộ Công an cần điều tra một số đối tượng chuyên nhận tiền để viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu chế độ trên mạng...

 Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.)

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận thời gian qua báo chí cách mạng đã phát huy tích cực vai trò, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, ổn định đất nước. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tốt chức năng quản lý báo chí, đóng góp nhiều chủ trương biện pháp quản lý MXH. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... có giải pháp từng bước giám sát MXH, đưa ra các chủ trương, giải pháp kỹ thuật để bảo đảm công tác này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định, MXH trở thành một cách tiếp cận thông tin mới, đi kèm với đó phát sinh vấn đề khó kiểm soát. MXH hiện tồn tại tình trạng không có đầu mối quản lý, chỉ đạo thống nhất, cho nên khi có việc xảy ra không ai chịu trách nhiệm chính. Cách quản lý của chúng ta vẫn bị động, chạy theo tình huống, không chủ động đối phó. Nhiều cơ quan không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, có việc trên đã chỉ đạo mà không làm.

MXH đang có nhiều thông tin độc hại, khó phân biệt thật giả, gây hoang mang dư luận xã hội; tràn lan những luận điệu bôi nhọ; là nơi để những kẻ cơ hội chính trị, kẻ xấu thường hay kết hợp với các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước lợi dụng chống phá đất nước...

Tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng MXH kích động, chia rẽ nhằm làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói xấu các lãnh đạo vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.

Trước thực tế trên, Thủ tướng nêu rõ, báo chí phải có trách nhiệm đưa tin tích cực là chủ lưu một cách bài bản, phản bác lại thông tin sai sự thật trên MXH một cách hệ thống. "Điều đó cho thấy trách nhiệm của các cơ quan báo chí, tổng biên tập, người đứng đầu là rất lớn", Thủ tướng nói.

Khẳng định tinh thần tự do, dân chủ là hướng chủ đạo nhưng không được vi phạm pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiên quyết đối với các đối tượng lợi dụng MXH âm mưu kích động, chia rẽ, phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ. Thủ tướng chỉ đạo: "Bộ Công an cần điều tra một số đối tượng chuyên nhận tiền để viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu chế độ trên mạng. Chủ động hơn, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng, không để lợi dụng dân chủ, tự do để xâm phạm an ninh quốc gia".

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng phải hoàn thành sớm quy hoạch báo chí; rà soát thể chế, pháp luật về quản lý báo chí; quy định rõ vai trò các cơ quan báo chí; có cơ chế kiểm soát báo chí rõ ràng. Việc phát huy dân chủ, sáng tạo trong xã hội phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành liên quan phối hợp đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật. Phải đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, không ngại va chạm. Không chủ trương đóng cửa nhưng phải có biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng trốn thuế của các mạng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; đưa ra các giải pháp kỹ thuật để khi cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia...

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin