Phó Chánh án TANDTC: Chống dịch là nhân đạo, vi phạm phòng chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý nghiêm

Hội đồng Thẩm phán TANDTC vừa ban hành văn bản hướng dẫn xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã trao đổi một số nội dung xung quanh văn bản này.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Sau cuộc họp thảo luận ngày 30/3 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Hội đồng Thẩm phán cũng đã đi đến thống nhất các ý kiến, tiến hành ban hành văn bản hướng dẫn gửi cho các Tòa án địa phương. Qua đó, văn bản còn làm cơ sở cho các cơ quan tố tụng thực hiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các cấp Tòa án, với những loại tội phạm mới trong bối cảnh hiện này như hành vi đưa thông tin sai sự thật, xâm phạm đời tư, nhân phẩm, uy tín có thể bị xử lý về tội làm nhục hoặc vu khống… hoặc những hành vi về đầu cơ, tích trữ, buôn lậu các phương tiện dụng cụ y tế nhằm mục đích xuất đi nước ngoài, không khai báo, hoặc đầu cơ, tích trữ mục đích bán lấy lợi thì có thể bị sẽ bị xử lý hình sự. Đây sẽ là cơ sở để Tòa án xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Ngoài ra, với những hành vi đưa ra những thông tin sai sự thật về thuốc chữa bệnh, hoặc thuốc phòng bệnh để tiêm mà lấy tiền người khác thì có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo. Tất cả những hành vi mà có thể cấu thành tội phạm thì đều được chúng tôi hướng dẫn về mặt khách quan, tương đối cụ thể, để cho các cơ quan tiến hành tố tụng như các Tòa án thực hiện trong quá trình tố tụng. Có thể nói văn bản hướng dẫn trong thời điểm này là rất kịp thời.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ.

Trả lời câu hỏi liệu việc ban hành văn bản hướng dẫn này sẽ tháo gỡ những khó khăn trong việc xét xử đối với hành vi như làm lây lan dịch bệnh, đầu cơ, trốn khỏi nơi cách ly, tích trữ… trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay hay không, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ hy vọng đây chỉ là biện pháp thông báo, cảnh báo, răn đe đối với những hành vi như vậy. Nếu vi phạm thì có thể bị xử lý về hình sự. Tuy nhiên, không ai mong muốn điều đó xảy ra.

"Trước mắt, đối với chúng ta thì Nhà nước đang tập trung chống dịch và biện pháp là nhân đạo. Tất cả mọi người đều được phòng, chống và chữa bệnh. Ban hành văn bản này được coi là biện pháp cảnh báo, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, mọi người đều phải tuân theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự (BLHS)", ông Tuệ nhấn mạnh.

Thực tế, trong thời gian vừa qua đã phát sinh nhiều tình huống cụ thể như có một số trường hợp bỏ trốn khỏi nơi cách ly tập trung. Nhưng theo ông Tuệ, trong thời gian dịch bệnh thì chúng ta chưa xử lý hình sự một đối tượng nào. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã không khai báo trung thực và không thực hiện các quy định trong việc phòng dịch.

Ông khẳng định: "Đối với hành vi này, chúng ta đã có quy định, hành vi làm lây lan dịch bệnh. Nếu người nào biết mình đã có bệnh, nhiễm bệnh mà cố tình trốn tránh không khai báo, không tuân thủ nguyên tắc quy định về phòng, chống dịch bệnh thì có thể bị xử lý theo quy định của BLHS".

Phiên tòa xét xử. (Ảnh minh họa)

Đối với những trường hợp cố tình đưa các thông tin sai sự thật hay thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Tuệ cho biết, trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều thông tin về chuyện cơ quan chức năng đã xử lý hành chính đối với những trường hợp đưa thông tin thông tin sai sự thật hay thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19.

"Thứ nhất, chuyện này đã gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Thứ hai là việc đưa thông tin có thể dẫn đến tình trạng làm ảnh hưởng, xâm phạm đến đời tư của người khác. Thậm chí trong quy định, đưa các thông tin sai sự thật sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín. Nếu đưa thông tin đó với mục đích xâm phạm uy tín người khác thì có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống người khác theo quy định của BLHS", Phó Chánh án TANDTC phân tích.

Bên cạnh đó, cũng có băn khoăn liệu sẽ xử lý ra sao với hành vi như đầu cơ khẩu trang - một mặt hàng được coi là khan hiếm trong thời điểm hiện tại - nhưng chưa xuất qua biên giới. Về vấn đề này, ông Tuệ chỉ rõ: "Thứ nhất về tội đầu cơ, theo quy định pháp luật thì phải là mặt hàng bình ổn giá, hoặc là mặt hàng do Nhà nước định giá. Đối với nhóm hàng hóa trong thời điểm hiện nay như khẩu trang, dụng cụ y tế… thì nó phải nằm trong danh mục này thì mới cấu thành được tội phạm. Đây cũng là một khó khăn vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng đang xem xét.

Thứ hai, những người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra nước ngoài nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu".

Ông Tuệ nhận định, trong thời điểm này thì để ban hành một Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cụ thể đối với từng tội danh thì sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như trình tự thủ tục. Do vậy, Hội đồng Thẩm phán quyết định ban hành hướng dẫn cơ bản những mặt khách quan các tội phạm mà liên quan đến các hành vi hiện nay đang xảy ra. Theo đó, các hành vi vi phạm đó cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/trong-nuoc/pho-chanh-an-tandtc-chong-dich-la-nhan-dao-vi-pham-phong-chong-dich-covid19-se-bi-xu-ly-nghiem-504537.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin