Các nước châu Mỹ được đánh giá là thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng, chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam luôn nỗ lực đưa hàng hóa vào để chinh phục thị trường này. Bên cạnh những thuận lợi, thì bên cạnh đó doanh nghiệp gặp không ít những trở lực trong nỗ lực xuất khẩu hàng hóa.
Giá trị thương mại Việt Nam - châu Mỹ tăng 3,5 lần trong 10 năm
Thông tin tại Diễn đàn hợp tác Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ sáng 25/9, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng bộ Công Thương cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển những năm gần đây. Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 tăng lên 96,8 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.
Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8 năm 2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã có những tác động xấu tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các nước châu Mỹ. Đơn hàng giảm, chuỗi đứt gãy, thất nghiệp gia tăng là những khó khăn lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải. Trong 8 tháng năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ chỉ đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%.
Tuy nhiên, theo ông Hải, khó khăn tới cũng là lúc cơ hội phát triển mới cho những doanh nghiệp biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên (bộ Công Thương) khuyến nghị: “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng hiện chỉ mới có 40 tỉnh, thành có hàng xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia CPTPP, cơ hội có mà tại sao chúng ta không tận dụng nó? Đó là điều đáng tiếc. Ngoài tìm hiểu về các hiệp định, doanh nghiệp xuất khẩu cần trở thành chuyên gia về hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng cơ hội từ các thị trường mà FTA đem lại”.
Covid-19 gây sốc cho nền kinh tế
Tại diễn đàn, ông Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói rằng, đại dịch Covid-19 gây sốc cho nền kinh tế trên toàn cầu.
“Dịch Covid-19 là một trong những tác nhân khiến những xu hướng về kinh tế thay đổi, như thay đổi về chính sách tài chính và tiền tệ, suy giảm kinh tế thương mại, số hoá nền kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ, dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư. Và chính Covid-19, cũng khiến chúng ta phải giật mình vì chỉ phụ thuộc vào một nguồn cung. Khối dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực nhất, điều này khiến cho sụt giảm thương mại ở khối dịch vụ suy giảm sâu”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng nhìn nhận, nhu cầu trong nước là giải pháp cần được chú trọng trong thời điểm hiện tại. Đánh giá về thị trường thương mại Việt Nam, ông Thắng cho hay, so với những dự báo ban đầu, thương mại Việt Nam không quá ảnh hưởng. Nền kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn.
“Phục hồi thị trường nằm ở câu chuyện chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở các quốc gia. Chỉ số PMI toàn cầu tháng 4/2020 rất ảm đảm, tuy nhiên, đến tháng 8/2020, tình hình sáng sủa hơn rất nhiều ở một số quốc gia như Trung Quốc, EU, Canada, Mexico. Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Canada, Mexico và Brazin vẫn là điểm sáng. Nhất là với thị trường châu Mỹ, nhờ hiệp định CPTPP, các nhóm hàng điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng đang được đánh giá là nhóm hàng phục hồi nhanh. Dự báo xu hướng 6 tháng cuối năm 2020, thị trường xuất khẩu sẽ lạc quan hơn”, ông Thắng nhận định.
Chinh phục thị trường châu Mỹ
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tiếp cận thị trường châu Mỹ, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Phạm Hoàng Việt - Phó Chủ tịch tập đoàn An Phát Holdings cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
“Xuất khẩu là một trong những lợi thế và thế mạnh của doanh nghiệp chúng tôi, nhất là ở 2 thị trường Hoa Kỳ và Canada. Doanh thu về mặt xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 đạt 9.000 tỷ USD (chiếm 80% doanh thu). Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng được một chuỗi sinh thái khép kín và hoàn chỉnh.
Thị trường châu Mỹ là một thị trường lớn và khó tính với nhiều tiêu chuẩn riêng biệt cho từng loại mặt hàng khác nhau. Ở thị trường này, doanh nghiệp chúng tôi cung cấp các loại mặt hàng như nguyên vật liệu sinh học tự phân huỷ, màng bọc công nghiệp… Với những mặt hàng này, chúng tôi phải có những chứng nhận bắt buộc của các tổ chức ở nước tiếp nhận. Ví dụ như đối tác Hoa Kỳ yêu cầu hàng loạt chứng chỉ về nhà xưởng, an toàn lao động, điều kiện sản xuất… thì mới được xuất khẩu sang thị trường này”, ông Việt cho hay.
Mang sản phẩm hạt điều đến với diễn đàn, bà Nguyễn Thuý Hằng – Đại diện kinh doanh khu vực miền Bắc của công ty TNHH Hạt Điều Vàng cho PV biết, công ty có nhà máy sản xuất hạt điều tại tỉnh Bình Phước. Hiện tại, công ty đã xuất khẩu sang một số thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Úc.
“Khi xuất khẩu sang các thị trường này, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là quy chuẩn của những thị trường này rất khắt khe, từ bao bì, cách đóng gói đến các chứng chỉ liên quan… Thị trường châu Mỹ rất tiềm năng, nhưng cũng khó tính, họ sẽ chuộng những dòng sản phẩm như snack; những loại sản phẩm hút chân không sẽ không được lựa chọn. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tìm hiểu rất kỹ thị trường này để tạo ra sản phẩm sao cho phù hợp. Thời điểm hiện tại, công ty có 6 dòng sản phẩm khác nhau phù hợp với mọi lứa tuổi”, bà Hằng chia sẻ.
Chia sẻ thêm về mong muốn được hỗ trợ, bà Hằng cho biết, chi phí logistics chiếm 30% giá trị sản phẩm của công ty, các doanh nghiệp đều cũng mong muốn Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm về chi phí này.
“Doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: Khoảng cách địa lý xa xôi; Chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp; Sự khác biệt về ngôn ngữ và việc thiếu thông tin”
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng bộ Công Thương.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/xuat-khau-hang-sang-chau-my-doanh-nghiep-keu-chi-phi-logistics-chiem-30-gia-tri-san-pham-a490982.html