TÓM TẮT:
Trung Quốc thành công lớn trong thúc đẩy xuất khẩu dựa trên nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để có được kết quả đó, Trung Quốc triển khai kết hợp nhiều chính sách như thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) định hướng xuất khẩu, thành lập đặc khu kinh tế để thu hút hiệu quả FDI, khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nước hướng xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng nhờ phần lớn vào xuất khẩu. Do đó, những kinh nghiệm của Trung Quốc đối với Việt Nam là rất có giá trị và được tác giả chọn để chia sẻ phân tích trong bài viết dưới đây.
Từ khóa: Đầu tư nước ngoài, Trung Quốc, xuất khẩu, Việt Nam.
1. Giới thiệu
Thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu là hai trụ cột quan trọng của mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu (Carbaugh, 2011). Việc kết hợp hai trụ cột này thực chất là khai thác đồng thời tác động FDI hay lợi thế vốn dồi dào với lợi thế so sánh xuất khẩu từ khai thác nguồn lao động phong phú giá rẻ (Hecskcher-Ohlin, 1979). Đây là việc tạo ra tác động kép được minh chứng ở thành công trong phát triển kinh tế của các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc. Chính sách thúc đẩy xuất khẩu thông qua FDI góp phần tạo ra tác động kép này.
Thúc đẩy xuất khẩu từ việc tận dụng nguồn lực FDI được tiếp cận ở nhiều nước với các góc độ khác nhau. Mexico thực hiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu thông qua thu hút TNC có quy mô vốn lớn và hướng TNC vào xuất khẩu (Pacheco-Lospez, 2005). Nhật Bản coi trọng kết nối TNC với SME trong nước có định hướng xuất khẩu (Zhu Xueyi và Fang Cunhao, 2009). Kết quả là các nước đều tăng kim ngạch xuất khẩu dựa trên nguồn vốn FDI thu hút được.
Các mô hình nghiên cứu định lượng chủ yếu chỉ ra mối quan hệ giữa FDI với xuất khẩu. Mô hình thường sử dụng là mô hình lực hấp dẫn kiểm định quan hệ thương mại và đầu tư (Chaisrisawatsuk & Chaisrisawatsuk, 2007) hoặc mô hình VAR để đo lường quan hệ giữa độ mở thương mại và FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng khi FDI thu hút được càng lớn. Tuy nhiên, chính sách tổ chức thúc đẩy xuất khẩu dựa trên nguồn lực FDI chưa có nhiều nghiên cứu.
Bài viết chỉ ra một số chính sách thúc đẩy xuất khẩu dựa trên FDI theo các khía cạnh: Thu hút TNC hướng vào xuất khẩu, thành lập đặc khu kinh tế để thu hút hiệu quả FDI, khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối SME trong nước có định hướng xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Trường hợp nghiên cứu là Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia xuất khẩu và thu hút FDI đứng đầu thế giới.
Bài viết sử dụng phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp với dữ liệu thu thập từ các tổ chức quốc tế, cơ quan chính thức Trung Quốc, Tổng cục Thống kê Việt Nam và các nghiên cứu chuyên sâu.
2. Thực trạng xuất khẩu và xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc
2.1. Thực trạng xuất khẩu
Hình 1, có thể thấy kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giai đoạn 1952 - 2019 có xu hướng dịch chuyển cùng chiều. Giai đoạn 2008-2009 và 2013-2016 cho thấy sự suy giảm kim ngạch xuất nhập khẩu nhưng tăng trở lại vào năm 2010 và 2018. Vào năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 2.498 tỷ USD, đứng vị trí số 1 thế giới. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc cũng lên tới 1.033 tỷ USD.
Bên cạnh gia tăng không ngừng kim ngạch xuất - nhập khẩu cơ cấu hàng xuất - nhập khẩu được cải thiện đáng kể. Trước đây, Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu sản phẩm sơ chế như thực phẩm, súc vật sống, nguyên liệu thô và dầu mỏ; hàng công nghiệp trong cơ cấu xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ. Với sự gia tăng nhu cầu thị trường thế giới các sản phẩm trên không còn phù hợp. Hàng xuất khẩu chủ yếu hiện nay là hàng dệt, điện máy, hóa chất, quần áo, thực phẩm, nước giải khát, máy móc… Về nhập khẩu, do yêu cầu phát triển những năm đầu cải cách, Trung Quốc chủ yếu nhập sản phẩm công nghệ cao, để đổi mới sản xuất và nhờ vậy tạo được khối lượng hàng giá trị xuất khẩu cao.
Hình 2 cho thấy, năm 1985, kim ngạch xuất nhập khẩu doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 0,11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tỷ lệ tăng lên 55,25% năm 2008, và 41,65% năm 2018. Đến năm 2019, con số này là 41,35%. Con số này cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Đầu tư nước ngoài góp phần tích cực vào phát triển ngoại thương Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển cùng nhau. Năm 2002, kim ngạch xuất khẩu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2008-2009 và 2013-2016, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm và xuất khẩu của Trung Quốc giảm theo. Tuy nhiên, xu hướng này lại đảo chiều trong năm 2019, khi xuất khẩu của Trung Quốc tăng từ 2487,40 tỷ USD lên thành 2498,41 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại giảm từ 1036 tỷ USD xuống còn 1033.09 tỷ USD.
2.1. Thực trạng thu hút FDI
Hình 3 cho thấy số doanh nghiệp FDI thành lập mới tại Trung Quốc tăng giảm không ổn định trong giai đoạn 1952 - 2018. Số doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc tăng nhiều nhất trong năm 1993 và giai đoạn 2004 - 2005, sau đó giảm xuống vào năm 1999, 2009, 2013. Năm 2018, doanh nghiệp FDI thành lập mới tăng trưởng trở lại. Năm 2019, số doanh nghiệp FDI thành lập mới lại sụt giảm mạnh.
Hình 4 cho thấy quy mô vốn FDI thực hiện của Trung Quốc liên tục tăng nhanh từ 1,80 tỷ USD giai đoạn 1979-1983 lên 135,70 tỷ USD năm 2019.
Có thể thấy, mặc dù số lượng dự án FDI đi vào Trung Quốc có sự thay đổi qua các năm, phụ thuộc vào điều kiện trong nước, quốc tế. Giá trị vốn FDI tăng đột biến vào năm 1993 và tiếp tục đà tăng trưởng đến năm 2019.
3. Chính sách dựa vào FDI để xuất khẩu
3.1. Chính sách thu hút TNC hướng vào xuất khẩu
Trung Quốc có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các TNC vào hoạt động kinh doanh. Các điều kiện có thể kể tới là thị trường nội địa rộng lớn, môi trường kinh doanh đang được chú trọng nâng cao chất lượng, và đặc biệt là rất nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn tại các khu vực phát triển kinh tế vùng và trung tâm (Wu & Burge, 2018). Kết quả có rất nhiều TNC đạt được thành công lớn khi kinh doanh tại Trung Quốc, trong đó có thể kể tới tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Volkswagen[1], Nestlé hay L’Oréal[2].
Từ khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc dần gỡ bỏ các rào cản đối với các TNC hoạt động tại nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có sự linh hoạt trong chính sách tỷ giá, chuyển lao động từ quản lý hành chính tuân thủ quy luật thị trường, từ cố định giá đến giá thị trường, mở rộng thị trường vốn, chứng khoán và cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp nước ngoài (Ngô Thu Hà, 2009).
Năm 2017, tỷ lệ tập trung của các TNC lớn nhất thế giới tại Trung Quốc là 40%, cao hơn nhiều so với con số 26% tại Mỹ. Cụ thể có tới 110 công ty trong danh sách Fortune 500 có mặt tại Trung Quốc (McKinsey Global Institute, 2019). Năm 2018, Trung Quốc thu hẹp danh mục cấm đầu tư nước ngoài từ 63 xuống 48 để tăng cường thu hút TNC (FitchSolutions, 2018). Một số TNC hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Trung Quốc có thể kể đến đó là Microsoft, Motorola, IBM, Nokia, Samsung, Electronic,…
3.2. Chính sách thành lập các đặc khu kinh tế để thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI
Trước năm 1978, Trung Quốc đóng cửa đối với FDI và chính sách được gỡ bỏ sau khi luật đầu tư nước ngoài mới được thông qua năm 1979 và 4 đặc khu kinh tế được thành lập (John Whalley, 2006). Các đặc khu có Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đấu, Hạ Môn thành lập năm 1980, có nhiệm vụ hoạch định chính sách và môi trường đầu tư thu hút vốn đầu tư nước ngoài[3] (Filip Abraham và cộng sự, 2006; Xiaobao, 2008). Trong đó, Thâm Quyến, Chu Hải và Sán Đầu đều thuộc tỉnh Quảng Đông.
Sau khi xây dựng 4 đặc khu kinh tế đầu tiên (Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn), Trung Quốc tiến hành mở cửa 14 thành phố ven biển, ven sông, ven biên giới (Nguyễn Xuân Cường, 2018). Đến năm 1986, Trung Quốc cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại đặc khu và thành lập doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ cao. Hai khu vực tự do thương mại hay còn được gọi là Khu vực Phát triển Công nghệ tiếp tục được thành lập (OECD, 2000; Jia và Eric, 2007). Năm 1988, Trung Quốc thành lập thêm Đặc khu kinh tế Hải Nam thuộc Đảo Hải Nam. Cả 5 đặc khu kinh tế mới thành lập thời điểm đó của Trung Quốc đều có vị trí thuận lợi trong giao dịch quốc tế. Các khu vực này sát với các thị trường phát triển của thế giới là Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Mặt khác, các đặc khu trên còn đủ điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông đường biển, đường không thuận lợi với bên ngoài, với các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản và thậm chí là cả khu vực Đông Nam Á.
Trong thời kỳ đầu, Trung Quốc đặc biệt ưu tiên thu hút FDI công nghệ cao và vào khu vực ven biển (Shaoming Cheng, 2008). Trung Quốc có cơ chế thu hút FDI vào khu công nghiệp như đặc khu kinh tế, khu phát triển kinh tế và công nghệ, khu công nghiệp mới và công nghệ cao, khu chế xuất,… (Xiyou He, 2008). Đến hết năm 2017, Trung Quốc có tổng cộng 156 khu vực phát triển công nghệ cao (high-tech development zones - HTDZs), tập trung tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và thành phố trực thuộc tỉnh dựa trên những điều kiện sẵn có của từng nơi. Các ưu đãi dành cho doanh nghiệp bao gồm quyền sử dụng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 15%, miễn hạn ngạch nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và ưu đãi đặc biệt dành cho nhân viên như miễn thuế thu nhập, trợ cấp nhà ở, xe cộ,… (UNCTAD, 2019).
Hiện tại, Trung Quốc có 11 đặc khu phát triển kinh tế quốc gia, được chia ra thành 7 nhóm nhằm thu hút hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt FDI. Nhóm thứ nhất là đặc khu dành cho hoạt động kinh tế đặc biệt gồm Đặc khu kinh tế (SEZ) và Đặc khu phát triển kinh tế và công nghệ (ETDZ). Nhóm thứ hai là đặc khu thương mại hóa các nghiên cứu công nghệ cao gồm Đặc khu phát triển công nghiệp công nghệ cao (HIDZ). Nhóm thứ ba là đặc khu dành cho thương mại và xuất khẩu bao gồm khu thương mại tự do (FTZ), Đặc khu chế xuất (EPZ), Khu cảng biển và Khu kho vận. Nhóm thứ tư là đặc khu dành cho công việc kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới gồm Khu vực thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới toàn diện. Nhóm thứ năm là Các đặc khu nhằm thu hút đầu tư cho các mục đích đặc biệt bao gồm Khu vực nghỉ dưỡng du lịch quốc gia và Khu vực Tài chính và Thương mại. Nhóm thứ sáu là đặc khu nhằm hợp tác với một số quốc gia nhất định gồm 4 hình thức khu vực khác nhau tùy thuộc quốc gia ưu tiên (Đài Loan, Ma Cao, Nga). Nhóm thứ bảy là khu vực mới gồm Khu vực Phát triển Toàn diện (Joseph Percy, 2020).
Trong số các đặc khu phát triển kinh tế có tới 8 dạng đặc khu là SEZ, ETDZ, HIDZ, FTZ, EPZ, khu cảng biển, khu kho vận và khu vực thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới toàn diện có mục tiêu tăng cường xuất khẩu và có chính sách ưu đãi cụ thể nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Các chính sách ưu đãi là miễn thuế nhập khẩu và miễn/giảm thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu (Joseph Percy, 2020).
3.3. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nước định hướng xuất khẩu
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là trong vấn đề tạo việc làm cho người lao động và đóng góp vào GDP. Luật Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển có hiệu lực vào ngày 29/6/2002 có Điều 35 quy định cơ quan liên quan thuộc chính phủ có trách nhiệm cung cấp các thông tin hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết cho các SME trong việc xuất khẩu các mặt hàng và thúc đẩy hỗ trợ các SME hợp tác về kinh tế và công nghệ với các quốc gia khác. Đồng thời, Điều 35 thuộc luật này cũng đảm bảo SME được tiếp cận với các khoản vay tín dụng phục vụ xuất khẩu khi cần thiết (Liu Xiangfeng, 2008).
Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Liên doanh Cổ phần vào năm 1978 (có hiệu lực năm 1979) đánh dấu bước đầu tiên mở cửa kinh tế và thu hút FDI (Chen và Yuhua, 2003; Filip Abraham và cộng sự, 2006). Đạo luật cho phép doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài liên doanh với ưu đãi thuế là chủ yếu. Thời kỳ đầu, hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài bị cấm hoàn toàn (OECD, 2000; Jia và Eric, 2007). Chính sách này của Trung Quốc góp phần vào quá trình chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho các doanh nghiệp trong nước, từ đó dần sản xuất được các sản phẩm “Made in China” và xuất khẩu ra các thị trường lớn trên toàn thế giới.
Ngoài Luật Liên doanh cổ phần giữa Trung Quốc và nước ngoài, Trung Quốc còn hai bộ luật khác liên quan đến đầu tư nước ngoài đó là Luật Liên doanh hợp đồng Trung Quốc với nước ngoài và Luật Doanh nghiệp vốn nước ngoài. Cả ba luật trên có hiệu lực trong giai đoạn 1979-1990. Luật Liên doanh với công ty nước ngoài của Trung Quốc có chính sách thuế tại Chương VII, Điều 50 quy định hàng nhập khẩu được giảm hoặc miễn thuế doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đối với nguyên liệu thô, phụ trợ, thành phần và bộ phận và nguyên liệu bao bì nhập khẩu bởi 100% vốn nước ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu. Điều 51, Chương VII của Luật trên cũng quy định sản phẩm xuất khẩu bởi doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được miễn, giảm hay hoàn thuế (UNCTAD, 1990; tác giả tập hợp). Những quy định trên đã góp phần không nhỏ thúc đẩy các doanh nghiệp FDI kết hợp với các doanh nghiệp trong nước hướng tới xuất khẩu.
Vào ngày 15/3/2019, Trung Quốc thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) chỉ trong thời gian ngắn kỷ lục 3 tháng[4], thay thế ba luật trên. Luật Đầu tư nước ngoài mới quy định cấm các hành vi cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, góp phần củng cố cam kết tạo sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Điều 22 của Luật Đầu tư nước ngoài nêu rõ: “Chính phủ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư và các công ty nước ngoài. Các tổ chức Trung Quốc không được sử dụng biện pháp hành chính để bắt buộc chuyển giao công nghệ”.
3.4. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI xuất khẩu
Điều 3, Chương I, Luật liên doanh với các công ty nước ngoài của Trung Quốc quy định doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nước ngoài được thành lập phải góp phần vào sự phát triển nền kinh tế. Trung Quốc đặc biệt khuyến khích thành lập công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài có định hướng xuất khẩu thông qua tự xuất khẩu hoặc ủy quyền tổ chức Trung Quốc (UNCTAD, 1990).
Nhiều chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu được Trung Quốc thực hiện, trong đó miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp xuất khẩu và ưu tiên thu hút doanh nghiệp có vốn FDI có ngành sản xuất xuất khẩu hoặc thay thế xuất khẩu. Hàng loạt chính sách thúc đẩy như miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào công nghiệp xuất khẩu và chính sách thu hút FDI có ngành sản xuất xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu (Françoise Lemoine, 2001).
Trung Quốc sử dụng chính sách tỷ giá cố định thời gian dài. Tỷ giá cố định giúp ổn định chính sách tiền tệ trong điều kiện kinh tế phát triển nhanh, tạo điều kiện hàng xuất khẩu tràn ngập thế giới với giá rẻ và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất là doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất ở Trung Quốc nhờ chi phí thấp (Ngô Thu Hà, 2009).
Luật Đầu tư nước ngoài mới thông qua năm 2019 thay thế Luật Liên doanh công ty nước ngoài và hai luật khác liên quan tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư FDI nhưng nhấn mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp FDI, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời vẫn khuyến khích xuất khẩu.
3.5. Chính sách tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế
Việc Trung Quốc tham gia WTO tạo ra kỷ nguyên mới thu hút FDI. Vào năm 2002, FDI vào Trung Quốc vượt Mỹ về giá trị và Trung Quốc trở thành quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới (Chen và Yuhua, 2003). Việc tham gia WTO thực sự có tác động tích cực tới xuất khẩu (Wakasugi và Zhang, 2015).
Trước gia nhập WTO, vào năm 1990, có 5 mặt hàng xuất khẩu lớn hàng đầu là dệt may, dầu thô, vải cotton, dầu chế biến và sản phẩm lụa; năm 1995, dệt may, đồ điện gia dụng, thiết bị truyền thông, đồ chơi và thép (Sanjaya và Shujiro, 2003). Sau gia nhập WTO, xuất khẩu tăng trưởng nhanh chóng do chất lượng xuất khẩu tăng và Trung Quốc ngày càng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa mới (David và Christian, 2008). Các sản phẩm chế biến xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, và các sản phẩm xuất khẩu này chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (Robert và cộng sự, 2008).
Tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu Trung Quốc khoảng 50% trước gia nhập WTO và tăng lên trên 60% giai đoạn trên. Ở những lĩnh vực công nghệ tương đối cao tỷ lệ nội địa hóa không cao so với tỷ lệ chung (khoảng 30% hoặc ít hơn) (Robert và Zhi, 2008; Hong và cộng sự, 2013).
Tính đến năm 2020, Trung Quốc có 24 FTA đang đàm phán và 16 FTA được ký kết và được thực thi (China FTA Network, 2020). FTA là mục tiêu quan trọng để đạt lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược trong toàn cầu hóa. Việc ký kết FTA nhằm giảm thuế nhập khẩu và tiếp cận thị trường để tăng cạnh tranh xuất khẩu. Việc giảm thuế xuất nhập khẩu cùng với miễn thuế nguyên liệu sơ chế và nguyên liệu đầu vào khác góp phần quan trọng sự “trỗi dậy” Trung Quốc như là một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Việc tăng cường kết nối với nền kinh tế thế giới không chỉ góp phần thúc đẩy xuất khẩu mà còn khiến nhiều nhà đầu tư biết đến Trung Quốc, từ đó dễ dàng ra quyết định đầu tư để tận dụng lợi thế cạnh tranh, sản xuất hàng hóa và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
4. Hàm ý đối với Việt Nam
Việt Nam trong quá trình vừa nghiên cứu, vừa thực thi các chính sách thúc đẩy xuất khẩu thông qua tận dụng FDI. Trong 30 năm, xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu của khu vực FDI nói riêng tăng trưởng nhanh chóng và liên tục đạt kỷ lục mới. Chính sách và kết quả đạt được của Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu thông qua nguồn lực FDI có giá trị tham chiếu với Việt Nam.
4.1. Coi trọng thu hút các TNC định hướng xuất khẩu
Trong 3 năm đầu thu hút FDI (1988-1990), sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực, dự án FDI quy mô nhỏ. Đến năm 1998, có không ít TNC thực hiện dự án lớn. Năm 2006, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới của Mỹ là Intel được cấp giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD sản xuất chip điện tử tại Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó, các tập đoàn Samsung, Nokia - Microsoft và Canon tới Bắc Ninh, LG đặt nhà máy tại Hải Phòng, Formosa tại Hà Tĩnh,… (Nguyễn Mại, 2016) và xu hướng này tiếp tục duy trì những năm gần đây (Cục Đầu tư Nước ngoài, 2020). Điều đó cho thấy chính sách thu hút TNC của Việt Nam có hiệu quả ở mức độ nhất định khi xuất khẩu của khu vực FDI vào năm chiếm tới 68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (Tổng cục Thống kê, 2019).
Một số TNC định hướng xuất khẩu Việt Nam thu hút thành công là Samsung (Hàn Quốc), Intel (Hoa Kỳ), LG (Hàn Quốc), GE (Hoa Kỳ),… Xuất khẩu của tập đoàn Samsung Việt Nam hiện vượt 50 tỷ USD/năm, chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn GE chọn Việt Nam là trung tâm toàn cầu để sản xuất tuabin gió và nhà máy ở Hải Phòng là nhà máy đầu tiên ở khu vực châu Á đạt tiêu chuẩn “Nhà máy Xuất sắc” (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018).
Tuy số lượng và chất lượng TNC vào Việt Nam chưa thể so sánh với Trung Quốc nhưng chính sách và cách thức thực thi của Trung Quốc là kinh nghiệm tham khảo có giá trị. Việt Nam cần có biện pháp nắm bắt thông tin kịp thời về dự định đầu tư của TNC, đặc biệt TNC có định hướng xuất khẩu tới ASEAN và Việt Nam để có phương án mời gọi phù hợp.
4.2. Chính sách thành lập đặc khu kinh tế thu hút hiệu quả FDI
Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định khu vực thu hút FDI bao gồm khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Đến năm 2019, cả nước có khoảng 800 khu vực thu hút FDI với khoảng 5.000 công ty nước ngoài. Quy mô FDI thu hút khoảng 100 tỷ USD. Các khu vực được phân cấp cấp giấy phép cho nhà đầu tư tạo sức hút mạnh FDI vào xuất khẩu.
Dự thảo “Chiến lược và Định hướng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030” công bố vào tháng 3/2018 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018) nhấn mạnh chiến lược thu hút FDI thế hệ mới trong tương lai chuyển dịch trọng tâm từ tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” sang phát triển sản phẩm phù hợp với loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, từ đó tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của FDI. Tuy nhiên, bản Chiến lược trên vẫn chưa được thông qua cũng như chưa được triển khai trên thực tế.
Ngày 20/8/2019, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về “định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” được thông qua, trong đó tổng kết kết quả 30 năm đổi mới và hiệu quả chính sách thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài. Nghị quyết tiếp tục coi trọng vai trò của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn này (Ban Chấp hành Trung ương, 2019)[5].
Trước đó, Chính phủ đã có những văn bản pháp luật chính thức để thành lập và phát triển 3 đặc khu kinh tế Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc, các văn bản đó bao gồm: (i) Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; (ii) Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; (iii) Quyết định số 31/2013/QĐ-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Việt Nam đạt được thành tựu lớn trong phát triển khu kinh tế nhằm thu hút hiệu quả FDI nhưng vẫn còn khiêm tốn so với Trung Quốc. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đạt kỷ lục mới về quy mô vốn FDI thu hút, thậm chí vượt Mỹ để dẫn đầu thế giới (Chen và Yuhua, 2003). Tác động tiêu cực của dòng vốn FDI đối với Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường, mất cân đối đầu tư giữa các vùng miền,… là bài học cần cân nhắc kỹ.
4.3. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước định hướng xuất khẩu
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm một tỷ lệ lớn (97%) trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp này nhận được nhiều sự quan tâm và ưu đãi về thuế, tín dụng, cơ sở vật chất,… từ Chính phủ, được quy định rõ trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (số 04/2017/QH14). Việt Nam đặc biệt cũng khuyến khích SME kết nối với các TNC để xuất khẩu gián tiếp hoặc trực tiếp.
Tuy nhiên, kết quả và hiệu quả của hoạt động này của các SME Việt Nam tương xứng với tiềm năng của các SME Trung Quốc. Nguyên nhân một phần do chính sách khởi nghiệp Việt Nam mới được quan tâm gần đây chưa thể hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trẻ. Việt Nam không thể áp dụng chính sách yêu cầu các nhà đầu tư FDI chuyển giao công nghệ như Trung Quốc, vì các doanh nghiệp FDI chủ yếu vào Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi quyền sử dụng đất nên quá trình thu hút FDI gặp tình trạng cạnh tranh từ các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi SME định hướng xuất khẩu của Việt Nam phải tích cực hơn trong việc phát triển kỹ năng và công nghệ sản xuất, theo kịp công nghệ của các doanh nghiệp FDI.
4.4. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI xuất khẩu
Các công cụ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc gồm hỗ trợ tài chính, sử dụng TNC, xuất khẩu mặt hàng truyền thống, khai thác tác động hiệp định thương mại tự do nhất là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Trung tâm WTO, 2019).
Luật Đầu tư số 06/VBHN-VPQH của Quốc hội Việt Nam, thông qua vào ngày 29/6/2018, có Mục 10 thuộc Điều 3 chỉ rõ “khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu”. Mục 1 thuộc Điều 51 luật trên cũng quy định “Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước” (Văn phòng Quốc hội, 2018).
Hệ thống quản lý xuất khẩu của Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với Trung Quốc về quy định danh mục mặt hàng cấm, hạn chế và khuyến khích xuất khẩu. Quản lý xuất khẩu cũng có nhiều cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, các tổ chức phát triển hợp tác và phát triển quốc tế của Việt Nam để xúc tiến thương mại và đầu tư chưa được thành lập nên xuất khẩu còn hạn chế đáng kể so với tiềm năng.
Việt Nam có thể mạnh dạn thành lập tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietnam Trade Promotion Corporation-VITRA) hay VIICA (Vietnam International Cooperation Agency) và nghiên cứu thành lập ngân hàng chuyên hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài để tăng cường thu hút FDI vào thúc đẩy xuất khẩu. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 19,3% của Trung Quốc nên việc tiếp tục học tập kinh nghiệm Trung Quốc trong chính sách thúc đẩy xuất khẩu nhất là xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu là cần thiết.
4.5. Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế:
Tính đến thời điểm năm 2020, Việt Nam có 12 FTA có hiệu lực, mới đây nhất là EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Ngoài ra, Việt Nam có 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán. Điều này cho thấy, Việt Nam nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nền kinh tế.
So với Trung Quốc, số lượng FTA đang đàm phán lẫn FTA đã ký kết và đi vào thực thì Việt Nam đều có phần kém hơn. Tuy nhiên, khoảng cách số lượng FTA đã ký kết là không quá nhiều và Việt Nam vẫn đang tận dụng tốt các FTA đã ký kết. Việt Nam cũng cần nghiên cứu thêm các thị trường và các quốc gia khác ngoài các khu vực, quốc gia đã ký kết FTA để tìm kiếm nhiều thị trường hơn cho hàng hóa xuất khẩu đồng thời thu hút hiệu quả dòng vốn FDI.
5. Kết luận
Thu hút FDI và xuất khẩu là mối quan hệ phổ biến, có thể định lượng thông qua mô hình phù hợp. Các quốc gia thu hút FDI quy mô lớn đều có kim ngạch xuất khẩu cao. Vấn đề là cần có chính sách và phương thức tổ chức kết hợp hiệu quả giữa thu hút FDI với xuất khẩu để tạo tác động kép hiệu quả.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một quốc gia phát triển hiệu quả phương thức tổ chức thúc đẩy xuất khẩu dựa trên nguồn lực FDI ở các khía cạnh như thu hút TNC, phát triển khu vực thu hút FDI, khuyến khích SME xuất khẩu và thực hiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu hữu hiệu. Với mỗi khía cạnh, khi tham chiếu với Việt Nam đều có hàm ý về sự cần thiết hoàn thiện chính sách Việt Nam theo hướng đồng bộ, toàn diện, đầy đủ và hiệu năng. Việt Nam có lợi thế đi sau so với Trung Quốc trong thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu cho nên nếu để khai thác kinh nghiệm Trung Quốc rút ngắn thời gian thử nghiệm và chi phí để dồn nỗ lực cao nhất đạt mục tiêu trong thời gian ngắn nhất.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1]. Vào năm 2017, tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của Đức là Volkswagen bán tới 41,58% lượng xe chở khách tại thị trường Trung Quốc (Volkswagen, 2017).
[2]. Nestlé và L’Oréal thông báo mức tăng trưởng cao nhất tại thị trường Trung Quốc so với quốc gia, khu vực đầu tư khác họ (L’Oréal, 2017).
[3]. Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng thu hút FDI thể hiện rõ nét ở đặc khu Thâm Quyến. Đây là đặc khu đầu tiên trong 04 đặc khu kinh tế được Trung Quốc thành lập thời gian đầu. Đây cũng là thành phố duy nhất có cảng đường bộ, cảng biển, cảng hàng không, và sở giao dịch chứng khoán riêng (Swapna và cộng sự, 2007).
[4]. Thông thường tiến trình xây dựng luật của Trung Quốc diễn ra vài ba năm mới kết thúc.
[5]. Sau đó, vào ngày 27/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP, qua đó ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị (Chính phủ, 2020).
Theo tapchicongthuong.vn
Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xuat-khau-dua-tren-dau-tu-nuoc-ngoai-kinh-nghiem-cua-trung-quoc-doi-voi-viet-nam-76143.htm