Vụ triệt phá đường dây vận chuyển 30.000 tỷ ra nước ngoài: Cần làm rõ nguồn gốc số tiền để giải quyết triệt để vụ án.

(Pháp lý) - Đó là quan điểm của Luật sư Đặng Văn Cường khi nói về vụ đường dây vận chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài vừa được cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội triệt phá. Theo vị luật sư, số tiền trên rất có khả năng là do phạm tội mà có hoặc trốn thuế thì các đối tượng mới phải lén lút vận chuyển qua biên giới như vậy…

(Ảnh minh hoạ)

Đường dây vận chuyển trái phép 30.000 tỉ đồng qua biên giới bị triệt phá

Ngày 25/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng PC03), Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự.

Đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30.000 tỉ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép.

Kết quả điều tra bước đầu xác định Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất, lợi dụng vận chuyển hàng hoá, tiền tệ trái phép qua biên giới. Hiện nay, chuyên án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Liên quan đến việc triệt phá đường dây vận số tiền đặc biệt lớn, gần 30.000 tỉ đồng, ra nước ngoài giới, ngày 18/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa có thư khen gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá đây là chiến công xuất sắc của Cơ quan CSĐT Công an Thành phố trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

Chiến công này đặc biệt quan trọng trong thời điểm Thủ đô và cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và trong đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây, hoạt động vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới có xu hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau. Khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng đều không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số tiền, vàng mà họ mang theo. Đáng nói, việc vận chuyển trái phép tiền tệ, bao gồm tiền Việt Nam, USD, tiền Riel (Campuchia) qua biên giới của các đối tượng thường để thanh toán tiền hàng giữa các đối tượng mua bán hàng lậu, tiền đánh bạc các đối tượng mang đi - về, tiền các đối tượng mang sang nước láng giềng để mua hàng hóa mang trái phép về bán kiếm lời. Thực trạng này đang gây ra không ít hệ lụy…

Cần phải làm rõ nguồn gốc số tiền để giải quyết triệt để vụ án

Đánh giá về vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TH. Hà Nội) cho rằng đây là một vụ án vận chuyển tiền tệ qua biên giới với số lượng đặc biệt lớn và có lẽ là số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà cơ quan cảnh sát điều tra triệt phá thành công. Theo đó, vụ việc bắt người phạm tội quả tang nên việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vận chuyển tiền tệ qua biên giới là có căn cứ.

Pháp luật không cấm cá nhân tổ chức chuyển tiền tệ, hàng hoá qua biên giới. Nhưng, vận chuyển hàng hóa tiền tệ qua biên giới của cá nhân tổ chức phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, phải khai báo hải quan, trừ trường hợp số tiền nhỏ sử dụng trong tiêu dùng. Bất cứ quốc gia nào cũng có những quy định pháp luật để quản lý tiền tệ, việc vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ và để quản lý kinh tế của quốc gia.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, cá nhân khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo tiền mặt trên mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương, 15 triệu đồng Việt Nam thì phải khai báo hải quan cửa khẩu.

Bên cạnh đó, trong trường hợp dù mang dưới 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối thì cũng phải khai báo hải quan. Hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới vi phạm quy định về quản lý tiền tệ thì tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tùy thuộc vào số tiền vận chuyển trái phép mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo Ls. Đặng Văn Cường, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cần phải tiếp tục mở rộng. Đặc biệt cần phải làm rõ nguồn gốc số tiền này, động cơ mục đích của các đối tượng và làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. Số tiền trên rất có khả năng là do phạm tội mà có hoặc trốn thuế thì các đối tượng mới phải lén lút vận chuyển qua biên giới như vậy.

Bởi vậy vụ án sẽ không dừng lại ở đây. Có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm các tội danh khác, có thể là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; buôn lậu; buôn bán ma túy hoặc các tội phạm về tham nhũng… Chỉ có những loại tội phạm này thì mới có khả năng chiếm đoạt được số tiền đặc biệt lớn như vậy. Nếu thu nhập từ lao động sản xuất kinh doanh đơn thuần thì không thể có được số tiền đặc biệt lớn mà như thế. Luật sư Cường nhận định.

Vị luật sư cho biết thêm với những nguồn tiền nếu được xác định là bất hợp pháp thì các đối tượng có thể còn bị xử lý thêm về tội rửa tiền. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc sai phạm đến đâu, xử lý đến đấy, hành vi nào cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo tội đó. Người nào vi phạm pháp luật thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Ls. Đặng Văn Cường, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cần phải tiếp tục mở rộng. Đặc biệt cần phải làm rõ nguồn gốc số tiền này, động cơ mục đích của các đối tượng và làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. Số tiền trên rất có khả năng là do phạm tội mà có hoặc trốn thuế thì các đối tượng mới phải lén lút vận chuyển qua biên giới như vậy.

Có thể trong vụ án này sẽ khởi tố về nhiều tội danh và khởi tố thêm nhiều đối tượng khác. Nguồn gốc số tiền từ đâu ra là vấn đề rất quan trọng để làm rõ bản chất vụ án, phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm và để giải quyết triệt để vấn đề của vụ án này.

Với số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới đặc biệt lớn như vậy, nếu bị kết tội thì theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật hình sự 2015, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù và số tiền trên sẽ bị tịch thu sung công quĩ nhà nước.

Ngoài ra đối với pháp nhân thương mại liên quan trong vụ án có thể bị phạt từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc vĩnh viễn.

Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 Bộ Luật hình sự 2015):

“1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;

b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Văn Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin