Vụ sếp Eximbank cuỗm tiền bỏ trốn: “Nên tách riêng phần dân sự và hình sự”

01/03/2018 08:29

"Nếu chờ bắt được kẻ bị truy nã, đưa ra điều tra xét xử mới đưa ra quyết định trả hay không trả tiền cho khách hàng thì không biết đến bao giờ. Trên thực tiễn, để đi đến thỏa thuận chốt thời hạn toán bồi thường cho người gửi tiền rất khó”, luật sư Chu Mạnh Cường – Đoàn luật sư Tp.Hà Nội, trưởng VP Luật sư Danh Chính cho hay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.)

Trong thời gian gần đây, vụ việc ông Lê Nguyên Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình rồi bỏ trốn đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Hiện người thực hiện hành vi lừa đảo là ông Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài, đã bị phát lệnh truy nã quốc tế còn về phía Eximbank, đại diện ngân hàng này cho biết, ngân hàng là ngành kinh doanh dựa trên uy tín, do đó quan điểm chung của Eximbank đó là trong mọi trường hợp, quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn luôn được bảo vệ.

Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cho hay, dù đây là số tiền rất lớn và vụ việc đã kéo dài cả năm nay, nhưng Ban điều hành cũng như Hội đồng quản trị của Eximbank không thể giải quyết vụ việc chỉ dựa trên kết luận điều tra mà phải dựa trên phán quyết cuối cùng của tòa án.

Đại diện này cho biết, khi có kết luận của tòa khẳng định Eximbank sai và buộc phải bồi hoàn toàn bộ số tiền này lại cho khách hàng thì ngân hàng cam kết sẽ thực hiện ngay lập tức.

Đánh giá về cách xử lý này của ngân hàng, luật sư Chu Mạnh Cường – Đoàn luật sư Tp.Hà Nội, trưởng VP Luật sư Danh Chính cho rằng, việc ngân hàng chờ phán quyết của tòa án là không sai, đó là quyền của họ. Nhưng xét về góc độ kinh tế, uy tín thì bằng điều tra của ngân hàng, nếu họ nhận thấy lỗi từ phía nhân viên ngân hàng, thì họ nên bồi thường cho khách hàng để đảm bảo uy tín của mình.

Tuy nhiên, thực tế, các ngân hàng hiện nay thường chờ phán quyết của tòa án mới xử lý vụ việc.

Cũng theo ý kiến của luật sư, trong trường hợp này, ngân hàng nên trả tiền cho khách hàng.

“Theo sự theo dõi của tôi với vụ án này, cơ quan điều tra có phát lệnh truy nã. Nếu chờ bắt được kẻ bị truy nã, đưa ra điều tra xét xử mới đưa ra quyết định trả hay không trả tiền cho khách hàng thì không biết đến bao giờ. Trên thực tiễn, để đi đến thỏa thuận chốt thời hạn bồi thường cho người gửi tiền rất khó”, luật sư Cường nói.

Theo đó, luật sư cho rằng nên tách riêng phần dân sự và hình sự trong vụ án. Nếu xác định rõ khách hàng không liên quan đến bị cáo thì nên bồi thường cho khách hàng trước để bảo vệ uy tín, danh tiếng của ngân hàng. Còn khi điều tra xong phần hình sự thì đưa ra phán quyết cuối cùng.

Trong diễn biến mới nhất, sáng nay (27/2), HĐQT Eximbank đã có buổi làm việc cùng khách hàng là bà Chu Thị Bình để đưa ra phương án giải quyết.

Theo đó, phía Eximbank cho biết phương án đưa ra là ngân sẽ tạm ứng một tỷ lệ nhất định cho bà Bình. Khoản tiền này là tạm ứng trước mắt để chờ quyết định của toà, sau đó tiếp tục xử lý theo các cơ sở pháp lý tiếp theo. Tuy nhiên, khách hàng là bà Chu Thị Bình không đồng ý.

Bà Bình cho biết, bà không đồng ý phương án này là vì phần tỷ lệ mà Eximbank nói là khoản tiền chi trả cho phần chứng từ bị làm giả chữ ký. Tỷ lệ này là 14 tỷ đồng.

Theo khách hàng này, dù thật hay giả, ngân hàng đã làm sai quy trình về quản trị tiền gửi nên bà không đồng ý ra toà. Bà khẳng định không ký uỷ quyền cho người khác, cũng không biết những người được uỷ quyền là ai...

Theo Bizlive

Bạn đang đọc bài viết "Vụ sếp Eximbank cuỗm tiền bỏ trốn: “Nên tách riêng phần dân sự và hình sự”" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin