Vụ phân bón Thuận Phong: Sẽ xử lý đúng pháp luật!

Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sáu bộ, ngành vào cuộc; nhiều kết luận chỉ rõ hành vi sai phạm của Công ty Thuận Phong có dấu hiệu của tội buôn bán hàng giả, cụ thể ở đây là phân bón.

Liên quan đến việc xử lý sai phạm của Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Thuận Phong (trụ sở đặt tại Đồng Nai), tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-10, báo chí đặt câu hỏi: Khi nào thì vụ việc phân bón giả Thuận Phong ở Đồng Nai mới được giải quyết? Ai sẽ chịu trách nhiệm vì hai năm rồi vụ việc này chưa xong?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời: Theo đoàn công tác liên ngành, khi kiểm tra Công ty Thuận Phong thì phát hiện các dấu hiệu làm phân bón giả. Đến tháng 4-2015 thì Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án Thuận Phong làm phân bón giả.

“Chính vì vậy, có rất nhiều cuộc họp, trong đó từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực, các bộ như NN&PTNT, Công an, Tư pháp, KH&CN, kể cả VKSND Tối cao và bản thân tôi cũng tham dự họp năm lần. Vụ việc này còn nhiều ý kiến khác nhau. Đến ngày 31-5-2017, VKSND tỉnh Đồng Nai đã hủy quyết định không khởi tố vụ án để phục hồi điều tra” - ông nói.

“Chúng tôi tin vụ việc này sẽ được xử lý theo đúng tinh thần của pháp luật, mang lại sự thật mà nhân dân, các doanh nghiệp làm ăn chân chính quan tâm” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Chỉ xử phạt hành chính

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 24-4-2015, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cùng Đoàn 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong.

Tại thời điểm trên, đoàn kiểm tra phát hiện công nhân đang chiết rót phân bón dạng nước từ bồn chứa vào chai nhựa mang nhãn hiệu Vitol, nhãn sản phẩm ghi nguồn gốc “Made in USA”. Hàng tấn hàng hóa có dán tem các thương hiệu phân bón nổi tiếng như Breakout, Vitol, Zap, Boron… ghi xuất xứ “Made in USA” cũng bị phát hiện.

Sau kiểm tra, đoàn liên ngành chuyển hồ sơ, tang vật cho tỉnh Đồng Nai xử lý theo thẩm quyền. Trên cơ sở kết luận giám định của Trung tâm Kỹ thuật đo lường 3 đối với các mẫu hàng hóa của Công ty Thuận Phong bị thu giữ khi kiểm tra với kết quả: 19 mẫu trong số 29 mẫu sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong không đủ 70% chỉ tiêu thành phần (chất định lượng chính) được công bố trên bao bì cùng với việc xem xét các vi phạm khác trong đăng ký hoạt động chi nhánh, thiếu giấy công nhận hợp quy… Tháng 5-2016, UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định 1419 xử phạt hành chính Công ty Thuận Phong hơn 509 triệu đồng vì có bảy sai phạm trong kinh doanh phân bón. Lúc đó, Công an tỉnh Đồng Nai cũng có quyết định không khởi tố hình sự.

 Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay vụ việc này sẽ được xử lý theo đúng tinh thần của pháp luật. Ảnh: NHẬT BẮC
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay vụ việc này sẽ được xử lý theo đúng tinh thần của pháp luật. Ảnh: NHẬT BẮC)
 Các cơ quan chức năng đang kiểm tra sai phạm tại Công ty Thuận Phong vào tháng 4-2015. Ảnh: TL
Các cơ quan chức năng đang kiểm tra sai phạm tại Công ty Thuận Phong vào tháng 4-2015. Ảnh: TL)

Nhiều đề nghị xử hành vi buôn bán hàng giả

Việc xử lý này theo nhiều cơ quan là không thỏa đáng, không đúng với tính chất, mức độ vi phạm của Công ty Thuận Phong. Theo Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng, Thuận Phong đóng chai, dán nhãn gốc bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, trong khi hàng hóa sang chiết tại Việt Nam là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa; giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa. Chiếu theo Nghị định số 185/2013 của Chính phủ, hàng hóa vi phạm dán nhãn như trên là hàng giả. (Sau này, phía Công ty Thuận Phong thừa nhận toàn bộ nhãn hàng hóa của lô hàng được thuê sản xuất và in tại Việt Nam.)

Bộ Quốc phòng còn đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia xử lý nghiêm Công ty Thuận Phong về hành vi sản xuất phân bón giả theo quy định của pháp luật.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng cho rằng: Thuận Phong gắn nhãn gốc bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ phân bón Mỹ nhập khẩu lên các sản phẩm là hành vi sản xuất hàng giả, thuộc trường hợp số lượng lớn, có dấu hiệu cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 158 BLHS 1999. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn nói việc đóng chai, dán nhãn của Công ty Thuận Phong như trên không đúng với nội dung đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có dấu hiệu cấu thành tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 BLHS 1999.

Trong khi đó, Bộ Công an cho rằng không thể khởi tố vụ án sản xuất phân bón giả đối với Công ty Thuận Phong vì không đủ căn cứ. Bộ này cũng viện dẫn quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” để bảo vệ quan điểm không khởi tố hình sự.

Về phía Công an tỉnh Đồng Nai, cũng căn cứ vào kết luận của Bộ Công an, cơ quan này đã ra quyết định không khởi tố vụ án.

Các hành vi vi phạm hành chính của Công ty Thuận Phong theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh Đồng Nai gồm: Kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoạt động chi nhánh; sản xuất phân bón (16 lô sản phẩm) không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng (không đảm bảo chất lượng); không thực hiện chứng nhận hợp quy đúng quy định (ba lô sản phẩm); không thực hiện công bố hợp quy theo quy định với trị giá hàng hóa lên tới trên 2,54 tỉ đồng (26 lô).

Công ty Thuận Phong còn bị xử phạt về sử dụng nhãn hàng hóa, nhập khẩu, sang chiết, đóng chai, sử dụng dấu hiệu trên nhãn chính, phụ vi phạm quy định về chỉ dẫn, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp...

Phục hồi điều tra

Trước tình hình trên, tháng 11-2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan. Trong một văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp này có nêu rõ là Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến các bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng…) về việc Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan CSĐT xử lý những vi phạm của Công ty Thuận Phong theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1-3-2017.

Đối với các cơ quan khác, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phối hợp để xử lý nghiêm, tránh bỏ lọt tội phạm và không để xảy ra oan, sai.

Đến cuối tháng 5-2017, VKSND Tối cao có văn bản yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự đã nêu ở trên của Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra làm rõ việc nhập khẩu phân bón hiệu Zap của Công ty Thuận Phong.

Ngày 12-6, VKSND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 645/QĐ-VKS-P3 hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong để tiếp tục điều tra.

Lãnh đạo Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tháng 6-2017, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay: Vì có vướng mắc trong các quy định pháp luật và các nghị định, thông tư có cách hiểu khác nhau nên CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ vụ án và VKSND tỉnh Đồng Nai phê chuẩn quyết định đình chỉ này.

“Tuy nhiên, dư luận xã hội, Hiệp hội Phân bón không đồng tình, có phản ứng quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải vào cuộc chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng pháp luật” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Giải thích rõ hơn, Phó Thủ tướng cho hay: “Tôi đã chỉ đạo cho kiểm tra lại, tiến hành trưng cầu ý kiến các bộ, đi đến thống nhất đánh giá, giải thích thông tư liên quan về chất chính và thành phần chính. Trên cơ sở đánh giá sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong không đủ chất chính nên các cơ quan chức năng đã đi đến kết luận là phân bón giả. Tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an xem xét lại, đề nghị VKSND Tối cao giải quyết lại đúng pháp luật. Sau đó VKSND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án”.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin