(Pháp lý) - Liên quan tới nghi vấn công ty Asanzo bị cáo buộc “gian lận xuất xứ”, đến nay vụ việc vẫn chưa ngã ngũ do các cơ quan chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên theo ý kiến của một số chuyên gia pháp lý cho rằng, tất cả những kết luận của các cơ quan có liên quan chỉ có giá trị tham khảo, chứ không quyết định được ai đúng, ai sai. Và chỉ có phán quyết của tòa án mới chấm dứt được những ồn ào của vụ việc kinh tế khá phức tạp này.
Diễn biến vụ việc và thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng
Trên báo điện tử Dân trí, ngày 30/8 Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo đã chính thức tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy. Cụ thể, theo Công ty Asanzo, trong khoảng 70 ngày qua, từ khi bị cáo buộc "gian lận xuất xứ", công ty này lâm vào tình trạng khó khăn, hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải chi ra khoảng 1 tỷ đồng/ngày để chi trả lương cho nhân công, chưa kể nhiều chi phí hoạt động khác. Để giảm bớt khó khăn, Công ty này tuyên bố tạm ngừng hoạt động trừ bộ phận bảo trì để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Diễn biến mới nhất, ngày 5/9, Tổng cục Hải quan có thông cáo báo chí về việc kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo. Tại thông cáo báo chí, Tổng cục Hải quan chỉ ra sai phạm của các công ty liên quan đến Asanzo, nhưng không nói đến nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa mà Asanzo bị cáo buộc trước đó.
Tổng cục Hải quan cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5546/VPCP-V.I ngày 24/6/2019 về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra sau thông quan tại một số công ty có liên quan. Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2019 sửa đổi bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có Biên bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ(C3) ngày 15/8/2019 gửi công ty.
Trước đó, ngày 27/8/2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh về nội dung trên. Theo đó, tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm và kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.
Trước thông cáo của Tổng cục Hải quan gửi các cơ quan báo chí, ngày 30/8, Tổ công tác của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM đã có biên bản làm việc với ông Phạm Văn Tam. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Tổ công tác đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc xác nhận hoạt động dán nhãn Made in Vietnam trên sản phẩm của Asanzo.
"Theo kiểm tra và báo cáo của các bên cho thấy, Asanzo có mua vật liệu, linh kiện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, họ cũng có nhà máy và tiến hành lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam. Do việc lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm diễn ra tại Việt Nam nên họ được gắn nhãn Made in Vietnam trên sản phẩm. Điều này hoàn toàn đúng với quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam", Chủ tịch VCCI cho biết.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh thêm, trong trường hợp Asanzo nhập nguyên chiếc từ nước ngoài nhưng dán nhãn Made in Vietnam là sai. Tuy nhiên, công tác báo cáo và kiểm tra cho thấy, các sản phẩm của Asanzo đều được thực hiện lắp ráp tại Việt Nam.
Cũng theo ông Lộc, kết luận của VCCI về Asanzo dựa trên quy định về xuất xứ hàng hóa tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018. Những kết luận liên quan đến các vấn đề khác như gian lận, trốn thuế (nếu có) đang phải chờ ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành khác. Trong trường hợp vi phạm các vấn đề này, Asanzo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, ông Lộc nói.
Tòa án sẽ quyết định ai đúng ai sai ?
Bình luận về thông cáo báo chí của Tổng cục Hải quan và báo cáo của VCCI, Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật Incp cho rằng, kết luận về vụ việc của Tổng cục Hải quan chẳng giải quyết được vấn đề gì. Phải có kết luận chính thức nêu rõ ràng vấn đề mới xử lý được. Còn về báo cáo của VCCI thì tôi hoàn toàn đồng ý thôi, vì quy định về xuất xứ hàng hóa của ta hiện chưa rõ ràng. Theo tôi, các cơ quan phải nhanh chóng có kết luận rõ ràng để bảo vệ doanh nghiệp, chứ càng chờ kết luận của các cơ quan, doanh nghiệp càng khó khăn. Nếu không nhanh có kết luận để làm rõ sự thật về Asanzo, có lẽ Asanzo “sẽ chết”.
Đồng quan điểm, Luật sư Quách Thành Lực, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, VCCI báo cáo là đúng bản chất của sự việc. Tuy nhiên, từ báo cáo của VCCI, thông báo của Tổng cục Hải quan, hay sau này các cơ quan có liên quan có ra kết luận cuối cùng, thì những kết luận đó cũng chỉ có giá trị tham khảo thôi, chứ không thể dựa vào kết luận rồi kết luận được việc báo Tuổi trẻ đúng hay Asanzo đúng.
Luật sư Lực nêu quan điểm, đây là một vụ việc rất phức tạp. Với những thông tin như hiện nay rất khó dự đoán được vụ việc sẽ diễn tiến như thế nào trong thời gian tới. Vụ việc này hiện có rất nhiều luồng quan điểm khác nhau, có luồng quan điểm thì ủng hộ báo Tuổi trẻ, có luồng quan điểm thì bảo vệ Asanzo.
Với cá nhân tôi, nếu muốn rõ báo Tuổi trẻ đúng hay Asanzo đúng chỉ có kiện nhau ra tòa, tòa sẽ phán xử rõ ràng ai đúng, ai sai. Tòa án đại diện cho công lý, nên chỉ có phán quyết của tòa án sẽ có giá trị pháp lý cao nhất về vụ việc. Vì thế, các bên hay đưa nhau ra tòa để phân xử, Luật sư Lực nói.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/9, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện đúng chức trách được giao. Đối với quy chuẩn về hàng Made in Vietnam và các hàng hóa xuất xứ Việt Nam, năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 43 quy định về xuất xứ, nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn thiếu quy định về xuất xứ hàng hóa made in Vietnam.
"Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thế nào là hàng hóa là sản phẩm made in Vietnam. Và Bộ đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức Thông tư, đang lấy ý kiến các đối tượng liên quan", ông Hải cho biết.
Nguyễn Hòa