(Pháp lý) - Asanzo không chỉ có dấu hiệu trốn thuế VAT, mà cón có dấu hiệu trốn cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp - đó là kết luận bước đầu được nhiều cơ quan chức năng như Cục thuế và Hải quan khẳng định . Ngoài ra, Asanzo còn có dấu hiệu vi phạm xuất hàng hóa, nhãn hiệu và lừa dối người tiêu dùng.
Bài viết của PV Pháp lý và quan điểm của các chuyên gia luật dưới đây sẽ bóc tách một phần chiêu thức lách luật của Asanzo và kiến nghị giải pháp ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra…
“Cháy nhà… ra mặt chuột”
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt (trong đó có mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống - theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014) do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lại.
Trong hồ sơ vừa được chuyển giao cho PC-03, Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong năm 2019 Công ty CP Tập đoàn Asanzo có phát sinh hợp đồng đặt mua linh kiện mặt hàng “điều hòa nhiệt độ” từ Công ty TNHH đầu tư XNK Trần Thoàn, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty TNHH đầu tư TM Việt Tài. Tuy nhiên, thay vì trực tiếp tổ chức sản xuất, thì Tập đoàn này lại ký hợp đồng và giao cho Công ty CP công nghệ thông tin VTB gia công, lắp ráp một phần và lắp ráp ra thành phẩm mặt hàng “điều hòa nhiệt độ”. Sau đó dán tem và xuất bán cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo. Có sản phẩm bán ra tức là phát sinh doanh thu nhưng Tập đoàn Asanzo đã không xuất hóa đơn mà để ngoài sổ sách kế toán toàn bộ khoản thu bán hàng cho Công ty Điện lạnh Asanzo. Điều đó cũng đồng nghĩa với toàn bộ số thuế TTĐB và thuế VAT phát sinh đối với mặt hàng “điều hòa nhiệt độ” mà Tập đoàn Asanzo xuất bán cho Công ty Điện lạnh Asanzo trong năm, bị “giấu”.
Cùng với hành vi trên, Tập đoàn Asanzo còn sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn có nội dung ghi không có thực, hóa đơn ghi mặt hàng điều hòa nhiệt độ nhưng nội dung thực là linh kiện điều hòa nhiệt độ) để hạch toán hàng hóa đầu vào là thành phẩm và khai thuế là hoạt động thương mại. Bằng thủ đoạn này, Tập đoàn Asanzo đã trốn thuế TTĐB với số tiền lên tới 14,6 tỷ đồng, chưa kể thuế GTGT hàng tỉ đồng.
Một thủ đoạn khác của Asanzo bị Cục Thuế TP. HCM phát hiện có dấu hiệu nhằm để trốn thuế TNDN và thuế GTGT. Đó là, sử dụng pháp nhân của 17 công ty đã chấm dứt hoạt động tại các địa chỉ đăng ký theo thông báo của cơ quan thuế (người đứng tên đại diện pháp luật là do chính người lao động của Tập đoàn Asanzo) để nhập khẩu hàng hóa, linh kiện điện tử, điện gia dụng, điều hòa nhiệt độ… xuất bán cho Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này. Toàn bộ các hóa đơn của các công ty “ảo” này xuất bán đều có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch.
Theo đó, sau khi Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này làm “động tác” chuyển tiền vào tài khoản cho các doanh nghiệp “ảo”, ngay lập tức số tiền đó sẽ được chuyển ngược lại. Như vậy mặc dù giá trị hóa đơn xuất bán cao hơn so với giá trị thực nhưng nguồn tiền của Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc sẽ không mất đi mà trái lại. Bằng thủ đoạn này, Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc sẽ được hưởng lợi từ việc khấu trừ thuế VAT 10% đầu vào và không phải chịu thuế TNDN, nếu chi phí hợp lý nằm trong ngưỡng được miễn. Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam - chủ tịch Asanzo) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo đã rút ra tổng số tiền hơn 507 tỉ đồng.
Với hàng loạt vi phạm, Asanzo bị Cơ quan Thuế phạt 26,3 tỉ đồng, gồm: phạt vi phạm hành chính với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế phải nộp (4,9 tỉ đồng); phạt 1,5 lần tiền thuế VAT với hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng, trốn thuế VAT, có tình tiết tăng nặng (6,29 tỉ đồng)… Ngoài ra, Cục Thuế TP còn truy thu thuế Asanzo với số tiền lên tới 40,5 tỉ đồng, trong đó gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNDN, thuế TNCN và các khoản do chậm nộp thuế. Asanzo cũng bị điều chỉnh giảm khấu trừ thuế VAT qua thanh tra số tiền trên 288 triệu đồng, phải nộp tiền chậm nộp thuế trên 1,6 tỉ đồng.
Trong một diễn biến khác, sáng 28/10, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Tập đoàn Asanzo. Tại cuộc họp này, Bộ Tài chính xác định, việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo dán lên sản phẩm có dấu hiệu xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ; có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa; và có cơ sở để xem xét hành vi “lừa dối người tiêu dùng” vì một số sản phẩm được Asanzo lắp ráp thực tế không đúng như quảng cáo có cụm từ sử dụng “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”.
Trước đó qua kiểm tra thực tế, Cơ quan có chức năng phát hiện, các sản phẩm của Asanzo từng được bầu chọn “Hàng VN chất lượng cao” được sản xuất tại mặt bằng xưởng có diện tích chỉ 45 m2 (rộng 1,5m x dài 30m); thiết bị để lắp ráp là 12 dãy bàn và các tuốc-nơ-vít, không hề có dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại như đã quảng cáo. Sau khi lắp ráp, tivi được đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo, in chữ Việt, xuất xứ Việt Nam rồi bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa…
Nhận diện các thủ đoạn trốn thuế và kiến nghị giải pháp
Có thể nói hành vi trốn thuế của Tập đoàn Asanzo không có gì mới, trên thực tế có không ít tổ chức và cá nhân đã lợi dụng kẽ hở này của pháp luật. Để ngăn chặn hành vi này, theo các chuyên gia luật, không hề dễ dàng nhưng không có nghĩa là không làm được.
1. Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia tỉnh Bình Định) phân tích: Về nguyên tắc tài chính, để có sản phẩm dán tem Asanzo bán ra (dù là hình thức gia công) thì DN đó phải có chi phí đầu vào hợp lý, bao gồm: nguyên liệu, nhân công, vốn… Do đó khi bán ra, bắt buộc DN phải ghi nhận thông tin vào sổ sách kế toán để có cơ sở hạch toán lãi lỗ. Việc Asanzo cố tình bỏ ngoài sổ sách, có 2 lý do: Thứ nhất là xuất phát từ động cơ vụ lợi, ngoài việc trốn 3 loại thuế (TNDN, TTĐB và VAT), DN còn được hưởng lợi từ hàng tồn kho “ảo” trên giấy tờ (căn cứ vào đặc điểm mặt hàng điện tử nhanh xuống cấp, DN sẽ thành lập Hội đồng thanh lý tài sản tiến hành thanh lý toàn bộ hàng tồn kho “ảo”, với giá thấp hơn rất nhiều so với giá mua vào. Chi phí đầu vào giảm tức là đồng nghĩa với lợi nhuận của DN sẽ tăng lên). Thứ hai, số lần bị cơ quan có chức năng thanh kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế quá mỏng, rất dễ đối phó.
2. Liên quan đến hành vi sử dụng hàng loạt công ty vệ tinh “ảo” và xuất hóa đơn ghi giá trị cao hơn giá trị thực giao dịch của Tập đoàn Asanzo, được cho là nhằm để trốn thuế TNDN và thuế VAT, cho đến thời điểm hiện tại, theo Cục Thuế TPHCM vẫn chưa xác định động cơ chính của DN là gì. Trong văn bản chuyển sang Cơ quan điều tra, Cục Thuế đề nghị: “Cần làm rõ khoản tiền rút ra là tiền gì? Cần làm rõ số tiền Công ty Trần Thoàn chuyển ngược lại số tiền vào tài khoản Công ty CP Đầu tư Asanzo thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo, số tiền cá nhân nêu trên rút ra bằng tài khoản Công ty Trần Thoàn và khoản công nợ chưa thanh toán nhưng doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động không gắn với giá trị hàng hóa giao dịch để xác định phần giá trị hóa đơn cao hơn giá giao dịch với mục đích trốn thuế GTGT và thuế TNDN”.
Khác với thuế TTĐB, thuế TNDN là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của DN. Thu nhập chịu thuế phải là thu nhập ròng nghĩa là thu nhập sau khi đã tính các chi phí đã tạo ra nó và các khoản được phép giảm trừ. Đối với thuế TNDN thì thu nhập chịu thuế là doanh thu đã trừ chi phí kinh doanh hợp lý. Có nghĩa là chi phí hợp lý đầu vào càng cao thì đồng nghĩa với số thuế TNDN phải nộp cho Nhà nước càng nhỏ. Do đó việc các công ty vệ tinh “ảo” xuất hóa đơn VAT ghi cao hơn giá trị thực, theo Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) là thủ đoạn nhằm làm tăng thêm chi phí hợp lý giúp cho Tập đoàn Asanzo hợp lý hóa chứng từ để trốn thuế TNDN. Nhưng mặt khác, cũng đồng thời giúp cho Tập đoàn hợp thức chứng từ khấu trừ thuế VAT khi xuất bán sản phẩm, hay nói cách khác là nhằm để trục lợi thuế VAT bằng động tác hoàn thuế. Điều đó chứng tỏ Asanzo đã nghiên cứu rất kỹ và tận dụng triệt để những khoảng trống của pháp luật về thuế TNDN và thuế GTGT.
Từ phân tích trên, Luật sư Tuyên đề xuất: Muốn chặn đứng hành vi trốn thuế GTGT, cần phải tăng cường quản lý công tác hoàn thuế GTGT như rà soát, phân loại các DN có rủi ro cao về thuế; đẩy mạnh việc đối chiếu chéo hóa đơn của các DN nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời việc sử dựng hóa đơn bất hợp pháp. Bài học được rút ra từ Asanzo, cần phải quản lý thật chặt hóa đơn VAT để nội dung ghi trên hóa đơn phải phù hợp với giá trị thực của hàng hóa; cập nhật và loại bỏ kịp thời những Công ty vệ tinh “ảo”, bỡi chỉ có những DN tồn tại dạng này mới không bị sức ép từ chi phí đầu vào, xuất hóa đơn vô tội vạ.
3. Trước các cáo buộc của cơ quan có chức năng về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa và có dấu hiệu “lừa dối người diêu dùng”, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho rằng không có cơ sở để “buộc tội”. Ông Tam lý giải, đến thời điểm hiện tại, không có một quy định nào của pháp luật, bắt buộc DN phải lắp ráp sản phẩm trên một dây chuyền thiết bị hiện đại. Đó là chưa kể quan điểm nhận thức, với cơ quan chức năng, dây chuyển sản xuất của Asanzo là đơn giản, nhưng với ông thì đó là hiện đại. “Trong sản phẩm tivi của công ty tôi, có một số chi tiết như bo mạch, vi xử lý, bộ nhớ... đều là linh kiện nhập của các công ty lớn từ Nhật Bản và một số nước tiên tiến trên thế giới. Do đó việc Asanzo sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” không thể gọi là sai…”, ông Tam nhấn mạnh.
Đề cập đến phản ứng của ông Tam, Luật gia Phạm Quang Quý (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai) cho rằng, đó chỉ là sự chống chế nhằm để khỏa lấp hành vi vi phạm pháp luật không thể phủ nhận của Asanzo. Bởi điều kiện để được công nhận sản phẩm made in Việt Nam theo quy định tại khoản 6, Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là hàng hóa đó phải được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định. Trong khi đó, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản bằng thiết bị thủ công và các linh kiện được mua có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc; và có tỉ lệ giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1%-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm…
Tuy nhiên, những chống chế từ phía ông chủ Asanzo, theo Luật gia Quý cũng rất đáng để các cơ quan có chức năng và những nhà làm luật suy nghĩ để hoàn thiện về khoảng trống của pháp luật đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt là, cũng sản phẩm Asanzo đó, được lắp ráp theo quy trình đó và ghi xuất xứ made in Việt Nam nhưng nếu tiêu thụ nội địa thì không bị coi là vi phạm pháp luật, vì cho đến thời điểm này, ngay cả các Bộ, ngành có chức năng cũng phải thừa nhận chưa có quy định.
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án “buôn lậu” về việc công ty khai nhập khẩu hàng hóa là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh nhưng khi kiểm tra, phát hiện toàn bộ hàng hóa là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành ghi sẵn bằng tiếng Việt: “Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”.
VŨ LÊ MINH