(Pháp lý) - Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) là một trong những vụ án điển hình về tiêu cực gây thất thoát tài sản Nhà nước. Từ vụ án này và nhiều vụ án tương tự, đã đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền, chống lợi ích nhóm hiện nay.
Những vụ điển hình của sự lũng đoạn
Lợi dụng chức vụ được giao để lũng đoạn tài sản nhà nước để trục lợi, vì lợi ích phe nhóm gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước là loại tội phạm đang diễn ra rất phức tạp. Vụ án IPC vừa khởi tố, điều tra là một trong những vụ điển hình mang tính thời sự.
Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, Công ty liên kết IPC) mới đây bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng, để điều tra về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ lên đến khoảng 2.900 tỉ đồng, IPC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ năm 2010. Được giao nhiều cơ sở đất đai, dự án rất lớn, IPC có doanh thu và lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn khi ông Tề Trí Dũng nắm quyền lực chi phối, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên tục xảy ra tại IPC, các công ty con, liên doanh, liên kết IPC; đặc biệt là xem thường pháp luật, có dấu hiệu lợi ích nhóm, lũng đoạn tài sản nhà nước thông qua thủ đoạn tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, dự án, tài sản đất đai với giá rẻ mạt...
Giai đoạn 2016 - 2017 khi làm Tổng Giám đốc IPC, Tề Trí Dũng làm trái chủ trương của UBND TP.HCM, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để chủ động giảm tỷ lệ sở hữu vốn, cho tư nhân thâu tóm tài sản nhà nước nhiều công ty liên doanh, liên kết mà IPC trước đó có vai trò chi phối do sở hữu vốn điều lệ lớn.
Trong các vụ lũng đoạn tài sản nhà nước tại IPC và các công ty con, thành viên, liên kết IPC, nghiêm trọng nhất là phi vụ tại Sadeco. Đây là doanh nghiệp mang lại lợi nhuận lớn nhất cho IPC. Trong một thời gian dài, Sadeco ngày càng phát triển với quỹ đất dự án hàng trăm héc ta tại nhiều vị trí đắc địa ở TP.HCM. Nhờ đó, năm 2016 lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 153 tỉ đồng, trong khi doanh thu thuần chỉ hơn 290 tỉ đồng; đến năm 2017 có doanh thu hơn 265 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 111 tỉ đồng; và tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%.
Điều bất thường là vào thời điểm phát đạt nhất cũng chính là lúc tài sản nhà nước tại Sadeco bị lũng đoạn, tư nhân thâu tóm với sự can thiệp trực tiếp của Tề Trí Dũng và nhiều lãnh đạo chủ chốt của IPC, Sadeco...
Thủ đoạn mà các cá nhân liên quan đã áp dụng là tăng vốn điều lệ. Ngày 29/6/2017, tại Đại hội cổ đông Sadeco, đại diện vốn góp nhà nước (do IPC cử) thời kỳ liên quan, gồm 4 thành viên: ông Tề Trí Dũng; ông Trần Đăng Linh, Phó Tổng Giám đốc IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Sadeco và ông Trần Mạnh Khôi, Phó Trưởng ban Kiểm soát Sadeco, biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Tiếp đó, ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỉ đồng.
Thanh tra TP.HCM khẳng định, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Việc làm này là trái quy định pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều. Việc Thường trực Thành ủy TP.HCM chấp thuận chủ trương này thực tế là truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.
Một vụ có sai phạm nghiêm trọng điển hình khác xảy ra tại Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC). HIPC có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, trong đó IPC sở hữu hơn 60%, tương đương hơn 182 tỉ đồng. Hoạt động của HIPC có hiệu quả, cổ tức được chia hằng năm cao, cụ thể từ 2012 - 2015 cổ tức nhận được hơn 140 tỉ đồng/vốn đầu tư hơn 182 tỉ đồng, và dự kiến thu nhập tăng từ việc khai thác cho thuê hạ tầng KCN.
Tuy nhiên, với quyền lực chi phối của ông Tề Trí Dũng, IPC đã chỉ đạo biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Tuấn Lộc với giá 15.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm tháng 12/2016, làm giảm tỷ lệ sở hữu của IPC từ hơn 60% xuống còn hơn 40%. Thanh tra TP.HCM khẳng định quá trình chọn cổ đông chiến lược (Công ty Tuấn Lộc) không được báo cáo đầy đủ, minh bạch; xây dựng tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược không có lợi cho HIPC; phương án phát hành cổ phần là “không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cổ đông nhà nước...”. Các sai phạm trong phi vụ có dấu hiệu nhóm lợi ích, vi phạm pháp luật hình sự.
Theo Thanh tra TP.HCM, sự lũng đoạn này bước đầu được xác định không chỉ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng giá trị vốn nhà nước trong định giá bán cổ phần trái quy định, mà còn làm tụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cấp trên “bật đèn xanh”
Những vụ lũng đoạn tài sản Nhà nước, tự ý bán rẻ cổ phần kiểu IPC trên đây không thể không có sự đồng ý, ủng hộ, “bật đèn xanh” của cấp trên, mà trong vụ này là vai trò của ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Đối với tỷ lệ vốn nhà nước của IPC tại các công ty con, liên doanh, liên kết, UBND TP.HCM khi phê duyệt đề án tái cơ cấu đã chỉ đạo IPC không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là tại Sadeco bởi doanh nghiệp này đang hoạt động lợi nhuận rất cao, mang lại cho IPC hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2017, IPC đi ngược chủ trương của UBND TP.HCM, lại chỉ đạo biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Phi vụ bán chỉ định cổ phiếu này khiến Sadeco bị Công ty Nguyễn Kim thâu tóm.
Trong quá trình thực hiện phi vụ bán rẻ Sadeco, IPC từng có văn bản ngày 31/5/2017 và 7/6/2017 của IPC nêu: “... Văn phòng Thành ủy có Thông báo số 495 ngày 18.5.2017 (văn bản đính kèm) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy (Tất Thành Cang) chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco...”. Từ đó, IPC đề nghị Chi cục Tài chính DN TP.HCM chấp thuận, trình UBND TP phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%.
Tiếp đó, tại văn bản ký ngày 16/6/2017, IPC báo cáo UBND TP.HCM, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco đối với việc phát triển của Khu Nam Sài Gòn, có nêu: “... Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017...”.
Về vấn đề này và liên quan đến các sai phạm tại IPC, khi vào cuộc thanh tra, Thanh tra TP.HCM khẳng định IPC báo cáo "Thường trực Thành ủy đã chấp thuận chủ trương..." là không chính xác, bởi Văn bản số 495 ngày 18/5/2017 chỉ truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.
Dư luận, nhất là nhân dân Tp Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến những sai phạm của ông Cang trong vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) chuyển nhượng đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) không thông qua đấu thầu, vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng.
Ông Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng và chấp thuận chủ trương bán chỉ định cho khu đất rộng hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá 1,29 triệu đồng/m2 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Trong khi đó, giá thị trường khoảng 20 triệu đồng/m2.
Công ty Tân Thuận có sai phạm nghiêm trọng khi bán đất cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, bán tài sản có giá trị lớn nhưng việc sang nhượng này không đúng thẩm quyền. Theo Thành ủy TP.HCM, vụ việc này nếu Ban Thường vụ Thành ủy không kịp thời chỉ đạo, không yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng sẽ dẫn đến thiệt hại lớn và nghiêm trọng.
Bài học nào cho cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực?
Liên quan đến IPC, việc kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp cũng xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng ở rất nhiều dự án lớn. Một trong những phi vụ điển hình là góp vốn hơn 473 tỉ đồng vào Sadeco thực hiện dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây, H.Bình Chánh (TP.HCM). Tuy nhiên, ông Tề Trí Dũng đã tự ý ký 4 hợp đồng (vào năm 2016); ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC, ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích chuyển nhượng gần 25.000 m2, đơn giá từ 7 - 8,8 triệu đồng/m2, tổng số tiền thu được chỉ hơn 186 tỉ đồng, mà không thông qua đấu giá theo quy định.
IPC chỉ là một trong rất nhiều vụ sai phạm đủ các cung bậc khác nhau của nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Theo báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại Quốc hội, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... trong các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn vừa qua diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Trong quản lý, sử dụng đất của các DNNN, còn trường hợp chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, để đất bị lấn chiếm.
Một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ. Hầu hết các doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, một số DNNN thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định; Huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài DN không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỉ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao; Hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn.
Đáng chú ý, báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và DNNN khi để xảy ra những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Nguyên nhân cần được khắc phục trước hết là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý tài sản và vốn tại DNNN, tăng cường công tác quản lý góp phần thúc đẩy sự phát triển của các DNNN...
Các bộ, ngành, với vai trò quản lý nhà nước và là đại diện chủ sở hữu phải làm tốt trách nhiệm cụ thể của mình trong quản lý nhà nước và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu... Bên cạnh đó là nâng cao trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với chính quyền địa phương, việc quản lý đất đai ở một số nơi còn buông lỏng; nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp. Việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DN sau cổ phần hóa đối với những lô, thửa đất có vị trí đắc địa, có giá trị thị trường cao còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội để một số tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước...
Cuối cùng là công tác cán bộ, nếu vẫn để tình trạng bổ nhiệm cán bộ bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thiếu khách quan, không căn cứ chủ yếu vào năng lực chuyên môn và phẩm chất cán bộ thì những sai phạm như đã xảy ra ở IPC, Mobifone, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sabeco… vẫn tiếp tục xảy ra.
Thái Đăng