Vì sao Quốc hội quyết định giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Quốc hội quyết định giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, vì đây là vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, theo dõi.

Chiều 25/7, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Theo đó, Quốc hội sẽ thực hiện và xem xét báo cáo giám sát đối với hai chuyên đề là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành và việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

6-1627266977.jpg
Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh Như Ý

Trước đó, báo cáo giải trình với Quốc hội về giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua thảo luận có ý kiến đề nghị chưa giám sát nội dung này, vì cho rằng, cần phải có tổng kết, đánh giá trước khi trình Quốc hội giám sát tối cao.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (75.24%). Hằng năm, Quốc hội đều dành thời gian để đánh giá về vấn đề này, tuy nhiên, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế; do đó, cần thiết phải tiến hành đánh giá một cách toàn diện hơn. Kết quả giám sát hằng năm cùng với việc giám sát tối cao sẽ là cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Về giám sát công tác quy hoạch, ông Cường cho biết: Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 tại khoản 2 Điều 58, việc lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018, nhưng đến nay qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, chưa có quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được phê duyệt.

Vì vậy, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề này là rất cần thiết và phù hợp với lựa chọn của đa số các vị đại biểu Quốc hội (59.91%) nhằm đánh giá lại việc triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; đồng thời, phát hiện các vướng mắc, khó khăn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch.

Theo tienphong.vn

Nguồn bài viết: https://tienphong.vn/vi-sao-quoc-hoi-quyet-dinh-giam-sat-viec-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-post1359068.tpo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin