Vì sao ít phanh phui được tội phạm rửa tiền?

15/03/2017 13:17

(Pháp lý) - Tháng 2/2017, Giang Văn Hiển bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền” cùng với con trai Giang Kim Đạt trong đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương (Vinashin Lines). Thời gian gần đây, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều đại án tham nhũng. Tuy nhiên, việc khởi tố, truy tố tội phạm rửa tiền lại rất hiếm. Không ít người thắc mắc, tại sao tội rửa tiền được quy định đã lâu trong Bộ luật Hình sự, vậy sao ít có đối tượng bị khởi tố về tội danh này? Hay thực tế ở Việt Nam không có tội phạm này? Pháp lý sẽ cùng một số chuyên gia pháp luật phân tích sâu vấn đề này.

Giữa đại án tham nhũng, đưa ra xét xử tội phạm “rửa tiền”

Vụ án tham ô tài sản, rửa tiền tại Vinashin Lines đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử từ ngày 16/2/2017.

Theo đó ba bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines), Giang Kim Đạt (nguyên Quyền Trưởng phòng kinh doanh) và Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng) bị xét xử về tội tham ô tài sản, riêng Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt) bị xét xử về tội rửa tiền.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nêu rõ số tiền mà Vinashin Lines bị Liêm, Đạt và Khương tham ô là 260,5 tỉ đồng trong đó 260 tỉ thuộc về Giang Kim Đạt.

Để tránh bị phát giác, Đạt đã cấu kết với bố đẻ là Giang Văn Hiển mở 22 tài khoản ngoại tệ đứng tên ông Hiển để nhận và rút tiền “hoa hồng” từ các đối tác nước ngoài.

Với số tiền “khủng” như vậy, Giang Kim Đạt nhanh chóng đầu tư vào bất động sản, thực hiện nhiều giao dịch thương mại và chuyển tiền ra nước ngoài với sự giúp sức tích cực từ bố đẻ Giang Văn Hiển (ông Hiển đứng tên trên các bất động sản cùng nhiều tài sản có giá trị lớn…)

Đưa ra quan điểm về vụ án, cả phía Cơ quan điều tra lẫn Viện kiểm sát đều cho rằng: ông Hiển hoàn toàn nhận thức được nguồn tiền bất hợp pháp của con mình và nhận thức được mục đích mở nhiều tài khoản để nhận tiền, rút tiền và thực hiện các hoạt động kinh doanh trên là để hợp pháp hóa số tiền do Đạt phạm tội mà có. Do đó, truy tố và xét xử Giang Văn Hiển về tội rửa tiền là hoàn toàn đúng luật.

Rửa tiền: Từ quy định của pháp luật đến thực tiễn xử lý

Tội rửa tiền về bản chất là hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có và tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác (tội phạm nguồn), nhất là các tội phạm về kinh tế như buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn thuế, các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm về ma tuý…

Trước đây, tội danh “Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có” được quy định trong BLHS 1999 và theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao năm 2004 đến 2008 chỉ có 11 vụ được xét xử với 12 bị cáo về tội danh này. Con số này là không đáng kể so với các tội phạm khác. Kể từ khi tội “Rửa tiền” được chính thức quy định trong BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (xem Điều 251) thì thực tiễn áp dụng để xử lý hình sự những năm gần đây lại càng ít đi. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) cho biết, kể từ khi Luật phòng, chống rửa tiền 2012 có hiệu lực đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng nghìn vụ án thuộc nhiều tội phạm nguồn của tội rửa tiền, nhưng để truy tố tội danh rửa tiền thì số lượng khởi tố và truy tố chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, trên thực tiễn, “tội phạm rửa tiền đã xuất hiện tại Việt Nam khá lâu, diễn biến ngày càng phức tạp và đang tác động đến nền kinh tế nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng” và “trên thực tế tại Việt Nam đã phát hiện ra hàng trăm vụ có dấu hiệu rửa tiền” - Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay.

Khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật

“Có 3 bất cập lớn trong quy định của pháp luật hình sự về tội rửa tiền: vấn đề xác định lỗi, chủ thể tội phạm và giá trị tiền, tài sản hợp pháp hóa”, đó là ý kiến của LS. Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý.

“Tôi không biết rằng, tiền này có nguồn gốc từ tội phạm” – một điều đương nhiên trong một vụ rửa tiền khi những người bị tình nghi không bao giờ tự thú nhận tội lỗi của mình. Do đó rất khó cho các cơ quan tố tụng làm rõ được mặt chủ quan của tội phạm mà quan trọng nhất là yếu tố lỗi.

Luật sư Bùi Đình Ứng trao đổi với Phóng viên Pháp lý
Luật sư Bùi Đình Ứng trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Điều 251 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) quy định dấu hiệu về lỗi bằng cụm từ “biết rõ là do phạm tội mà có”. Quy định như vậy chưa thể giải quyết được vướng mắc: người phạm tội “biết rõ” đến đâu? Biết rõ loại tội phạm nguồn của tài sản bất hợp pháp hay chỉ cần biết tài sản đó có được từ tội phạm chung chung?

Nếu phải chứng minh tội phạm nguồn cụ thể kèm theo việc xử lý người phạm tội rửa tiền thì rất phức tạp và nhiều khi không thể thực hiện được. Hầu hết nguời thực hiện hành vi rửa tiền chỉ có thể nhận thức được tiền, tài sản bất hợp pháp hay tài sản bất minh mà thôi, chứ không thể nhận biết được đó là tài sản do phạm tội mà có. Đây cũng là một trong các lí do mà các vụ án về tội phạm rửa tiền ít bị phát hiện và bị xử lý.

Thực tế, việc Cơ quan điều tra vì không thể chứng minh tội phạm nguồn nên không thể xử lý hình sự về tội rửa tiền đã từng xảy ra.

Còn nhớ trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như - vụ án lớn gây chú ý trong thời gian qua, chúng ta suýt có thêm 2 đối tượng bị truy tố về tội rửa tiền. Ban đầu, Cơ quan Điều tra đã khởi tố 2 đối tượng Hùng Mỹ Phương và Nguyễn Thiên Lý về tội danh rửa tiền. Bởi 2 đối tượng này đã có nguồn tiền không hợp pháp (hàng trăm tỷ đồng) để cho Huỳnh Thị Huyền Như vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, vì không thể chứng minh được nguồn tiền là do phạm tội nào mà có, Viện KSND Tối cao đã đề nghị chuyển đổi tội danh để xử lý 2 đối tượng này với tội cho vay lãi nặng.

“Chuyển tội danh vì không chứng minh được tội rửa tiền? Rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc xét xử đúng người đúng tội. Điều này vô hình làm cho tính nghiêm minh của pháp luật hình sự bị giảm” – LS. Bùi Đình Ứng nhận xét.

Đã đến lúc các nhà lập pháp cần hướng tầm nhìn xa hơn: Tại Pháp, tội rửa tiền được quy định có nguồn gốc từ tội phạm nói chung và đặc biệt tại Nga chỉ quy định tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm pháp mà có, không đòi hỏi phải là tiền, tài sản do phạm tội mà có. Vậy để tạo thuận lợi cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, chúng ta không có lý gì lại không nghiên cứu học hỏi “tinh hoa” pháp luật thế giới. Theo đó, trong cấu thành tội rửa tiền không nhất thiết buộc người phạm tội phải “biết rõ là do phạm tội mà có” mà chỉ cần họ biết tài sản đó có được là bất hợp pháp mà thôi. Như vậy mới dễ dàng hơn trong việc khởi tố, truy tố và xét xử loại tội phạm này.

Chuyển sang vấn đề xác định chủ thể, hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau: Chủ thể của tội rửa tiền có thể đồng thời là chủ thể của tội phạm nguồn và ý kiến thứ hai cho rằng chủ thể của tội rửa tiền không thể đồng thời là chủ thể của tội phạm nguồn.

Pháp luật quy định không rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất, do đó trên thực tế có tình trạng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tự rửa tiền với lý do: hình phạt của loại tội phạm nguồn dành cho những người này đã rất cao rồi (tù chung thân, tử hình).

Theo nguyên tắc, nếu một người tự mình thực hiện hành vi rửa tiền đối với tài sản mà người đó có được từ hành vi phạm tội đã thực hiên trước đó thì người này phải bị xử lý về cả hai tội danh khác nhau. Như vậy mới không bỏ lọt tội phạm và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Dường như các nhà làm luật cũng đã nhận ra bất cập này khi BLHS năm 2015 (hiện đang bị lùi thời hạn có hiệu lực) đã quy định rõ hơn về hành vi rửa tiền tại Điều 324 “…tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Với sự thay đổi này thì chủ thể tội phạm nguồn sẽ đồng thời phải bị xử lý về tội rửa tiền nếu họ tự mình thực hiện thêm hành vi rửa tiền và việc chứng minh tội phạm có thể dễ dàng hơn so với trước đây.

Liên quan đến vấn đề xác định giá trị tài sản và số lượng tiền hợp pháp hóa, trong tội rửa tiền, tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2011 có một phần hướng dẫn như sau: “Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn” là tiền, tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; “Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn” là thu lợi có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên; “Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là gây thiệt hại có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.

Thật khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định “rất lớn”, “đặc biệt lớn” là bao nhiêu? Và “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” có ranh giới như thế nào? Cách nhà làm luật lại gộp chung các trường hợp trên với giá trị tối thiểu tương đương mà không có sự phân chia tách bạch riêng biệt cụ thể thực sự “đánh đố” người áp dụng.

Ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (Đại học Luật Hà Nội) bổ sung: vướng mắc khi vận dụng để phân biệt giữa tội rửa tiền và một số tội có dấu hiệu gần giống cũng là một vấn đề cần quan tâm. Chẳng hạn như việc dùng hoá đơn, chứng từ giả để rửa tiền cũng có thể bị ghép vào tội sử dụng chứng từ giả mạo hay tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng rất dễ nhầm lẫn với tội rửa tiền.

Quay trở lại vụ án Giang Văn Hiển, lúc đầu Cơ quan Điều tra đã khởi tố Giang Văn Hiển về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và che giấu tội phạm. Tuy nhiên sau cùng đã quyết định thay đổi tội danh và truy tố bị can về tội rửa tiền. Đây là một ví dụ sống động cho thấy hạn chế của nhà làm luật trong việc xây dựng quy phạm pháp luật hình sự làm sao đảm bảo tách biệt được tội này với tội kia.

Chúng ta cũng cần thông cảm cho Cơ quan Điều tra trong việc này, bởi có sự giống nhau cơ bản giữa tội rửa tiền và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đó là: Đối tượng tác động đều là tiền, tài sản do phạm tội mà có. Và cả hai tội đều có thể có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có được do phạm tội mà có. Vậy, khi có trường hợp cùng có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì định tội như thế nào? Đây là vấn đề cần có sự hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thống nhất đường lối xử lý.

Trên đây là những khó khăn, bất cập cơ bản của quy định pháp luật hình sự về xử lý tội rửa tiền mà chúng tôi cho rằng cần sớm được nghiên cứu hoàn thiện. Trong bối cảnh BLHS 2015 đang tạm hoãn hiệu lực để chỉnh sửa, hi vọng các nhà lập pháp tiếp tục có những tìm tòi, nghiên cứu và tham khảo để đi đến hoàn thiện BLHS nói chung và tội rửa tiền nói riêng. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm rửa tiền và các loại tội phạm khác có liên quan trong điều kiện hội nhập kinh tế Quốc tế hiện nay

Rửa tiền có phải là “sân sau” của tham nhũng ???

Bị cáo Giang Văn Hiển bị xét xử về tội rửa tiền trong đại án Giang Kim Đạt
Bị cáo Giang Văn Hiển bị xét xử về tội rửa tiền trong đại án Giang Kim Đạt)

Kinh tế suy thoái nhưng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp là minh chứng cho việc tội phạm rửa tiền đã và đang tồn tại, phát triển gắn chặt với tội phạm nguồn đặc biệt của nó – tội phạm tham nhũng.

Giang Văn Hiển không phải là trường hợp đầu tiên bị xử lý hình sự về tội rửa tiền, nhưng đưa ra xét xử gắn với đại án tham nhũng thì có thể nói là chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Đây dường như là sự khởi đầu cho việc hé mở dần bức tranh đen tối về mối quan hệ ngầm giữa tội phạm tham nhũng và rửa tiền bấy lâu nay.

Xét về mặt kinh tế xã hội, tội phạm rửa tiền như là “sân sau” của tội phạm tham nhũng còn hành vi tham nhũng lại chính là “đất sống” của tội phạm rửa tiền. Rửa tiền thành công sẽ giúp cho các hoạt động phạm tội sinh lợi và lôi cuốn tội phạm, thúc đẩy nạn tham nhũng. Bởi vì rửa tiền bản chất là hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Ở khía cạnh pháp lý, nếu như chủ thể của tội rửa tiền là bất kỳ ai thì chủ thể của tội phạm tham nhũng phải la người có chức vụ quyền hạn. Suy ra trên thực tế, bà con, họ hàng và những người có quan hệ thân thích với quan chức tham nhũng dễ có điều kiện để trở thành chủ thể của tội rửa tiền hơn cả. Cho nên việc phát hiện, xử lý nghiêm những quan chức biến chất và người thân của họ về hành vi rửa tiền cũng chính là một trong những cách phòng, chống tham nhũng hữu hiệu.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, mặc dù tội rửa tiền hiện nay nằm trong nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, còn tội phạm tham nhũng nằm trong nhóm các tội phạm về chức vụ của BLHS 1999. Tuy nhiên, hai loại tội phạm này có quan hệ đặc biệt với nhau và ngăn chặn được tội phạm rửa tiền sẽ góp phần đẩy lùi tham nhũng.

Không thể phủ nhận mối quan hệ hiện hữu giữa rửa tiền và tham nhũng, và khi nhắc đến đại án tham nhũng, kinh tế không ai nghĩ lại có một tội xâm phạm trật tự công cộng kèm theo. Nếu chỉ coi hành vi rửa tiền là xâm phạm đến trật tự công cộng là chưa phản ánh đúng tính chất của tội phạm. Rửa tiền không chỉ xâm phạm đến trật tự công cộng mà còn xâm phạm đến quan hệ xã hội quan trọng hơn, đó là trật tự quản lý kinh tế và mục đích phạm tội nhằm trốn tránh sự phát hiện và thu hồi lại tài sản và suy cho cùng cũng là nhằm mục đích kinh tế. Vì vậy, cần xếp tội rửa tiền trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mới phản ánh đúng bản chất của tội phạm và do đó mới có đường lối xử lý phù hợp. Từ đó nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội rửa tiền tiến tới đẩy lùi tham nhũng.

Lan Hương

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao ít phanh phui được tội phạm rửa tiền?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin