Ứng xử với kinh tế số

Kinh tế số không phải là ý muốn chủ quan của bất cứ quốc gia nào, mà nó là xu thế khách quan buộc phải tuân theo.

Trên trục đại lộ lớn nhất ở TP Đông Hà (Quảng Trị) người ta đặt vài trạm bán nước giải khát mà không có bất cứ nhân viên nào, người mua chỉ việc “nộp” đủ tiền rồi bấm chọn món hàng ưa thích đã lập trình sẵn - nó sẽ tự động trôi ra.

Bạn dạo chơi Facebook, tình cờ nhìn thấy chiếc áo ưa thích với giá cả phải chăng, sau vài tin nhắn, bạn và người bán hàng online chốt giá, địa điểm giao hàng… Hoặc đơn giản hơn, bạn mở ứng dụng Grab và yêu cầu một cuốc xe… tức là bạn đã tham gia vào kinh tế số với quy mô toàn cầu.

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet))

Nói vậy để thấy rằng, khái niệm “kinh tế số” không phải xa xôi, không bị ai cưỡng cầu mà chúng xuất phát ngay từ chính nhu cầu của chúng ta và những phương tiện nền tảng có sẵn.

Kể từ khi chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời thì kinh tế số bắt đầu xuất hiện và được hiểu là “một nền kinh tế được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào.

Kinh tế số không phải là ý chí riêng của bất cứ quốc gia nào, mà nó là xu thế chung. Hay nói cách khác, kinh tế số chỉ là kết quả tất nhiên trên con đường sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người. Rằng, đến giai đoạn này nó phải là như thế chứ không thể khác.

Xác định đúng tính chất của kinh tế số có vai trò quan trọng để đưa ra thái độ ứng xử với nó. Chỉ có một con đường duy nhất là thuận theo nó để hòa vào dòng chảy chung. Nếu chậm trễ sẽ bị bỏ lại phía sau.

Thực tế, Việt Nam đã bỏ lỡ - không tận dụng được bao nhiêu thành quả của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, một phần vì hoàn cảnh lịch sử, phần còn lại phụ thuộc vào chính sách phát triển của nước ta trong thập niên 70 đến 2000.

Vì vậy, cuộc cách mạng 4.0 mà nội hàm của nó là kinh tế số được xem như cơ hội cuối cùng để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới. Vậy, Việt Nam có gì để tham gia cuộc chơi tốn kém này?

Kinh tế số là xu hướng tất yếu không thể cưỡng lại

Thứ nhất, bệ đỡ cho kinh tế số chính là hạ tầng số. Từ 2015, Chính phủ đã xây dựng những cụm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, đất đai, tài chính, bảo hiểm và đăng ký kinh doanh...

Công bằng mà nói, hiện Việt Nam có hạ tầng số khá tốt; số lượng người sở hữu thiết bị thông minh cũng như tốc độ phủ sóng Internet thuộc hàng cao nhất châu Á. Nhưng tắc nghẽn nằm ở khâu vận hành và ứng dụng cơ sở dữ liệu đã có.

Đơn cử như việc đăng ký kinh doanh, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thể đăng ký trực tuyến, hầu hết phải dùng đến biểu mẫu “cứng” và phải đi đến rất nhiều cơ quan khác nhau. Trong khi đó thời gian là tiền bạc, cơ hội.

Mặc dù đã có cơ sở dữ liệu nhiều lĩnh vực, tại sao không thể sử dụng nó một cách liên thông? Ví dụ, việc cấp sổ đỏ có thể sử dụng cơ sở dữ liệu dân số và đất đai, hoặc làm giấy khai sinh có thể hoàn toàn dựa vào cơ sở dữ liệu dân cư sẵn có…!

Đó là những ứng dụng rất nhỏ, nhưng không biết vì lý do gì vẫn chưa thể triển khai một cách đồng bộ.

Có thể thấy, một chính quyền điện tử luôn hạn chế tối đa tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu người dân và số lượng biên chế không quá nhiều. Nhưng hiện nay, mấy thực trạng trên vẫn còn nhức nhối. Điều đó cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ thông tin là bài toán cần giải trước khi nói đến kinh tế số.

Thứ hai, tâm lý người dân. Singapore là quốc gia có hơi hướng Á đông khá giống Việt Nam, người dân nước này cũng có tâm lý thích tích trữ và sử dụng tiền mặt - trong khi nước này đã trang bị đầy đủ hạ tầng số từ đầu thế kỷ này.

Để giải quyết vấn đề này, Singapore làm động tác khá đơn giản, đó là đơn giản hóa và hợp nhất - liên thông tất cả các ứng dụng thanh toán với nhau. Để đẩy nhanh lộ trình, cơ quan quản lý tiền tệ nước này nhanh chóng xây dựng 650 trạm POS thanh toán đồng nhất.

Singapore đang xây dựng "quốc gia thông minh"

Mặc dù phương thức thanh toán bằng POS có dấu hiệu lỗi thời, do sự ra đời của thanh toán bằng ví điện tử hoặc QR code, nhưng POS có tác dụng tập dượt cho người tiêu dùng tâm lý thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là thái độ quyết định đến khả năng thành công của kinh tế số.

Singapore, Hàn Quốc, Nhật, Malaysia… đã thúc đẩy chương trình “quốc gia thông minh”, trong khi đó ở Việt Nam “thành phố thông minh” chưa thành hình. Đây là biểu hiện của hụt hơi!

Thứ ba, phát triển ngành công nghệ thông tin. Tám chủ trương của Bộ Chính trị trong Nghị quyết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì ưu tiên phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế tạo thông minh… là chính sách “thứ 6”.

Nhưng thiết nghĩ, chính nền công nghiệp này mới là xương sống của kinh tế số. Bởi nó là nguồn cung trang thiết bị không thể thiếu để xây dựng hạ tầng số.

Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 và thứ 3 được đặc trưng bởi máy tính điện tử và các thiết bị cơ khí tinh xảo, thì các nghiên cứu, ứng dụng sản xuất đóng vai trò then chốt.

Ví dụ, muốn làm xe hơi thì phải có nền công nghiệp luyện kim màu, điện tử phát triển đến trình độ tương ứng. Dĩ nhiên, ngày nay có thể sử dụng OEM/VAR.

Nhưng với kinh tế số - việc sử dụng các thiết bị, linh kiện nhập khẩu là mối họa tiềm tàng buộc các nhà chức trách phải lường trước. Trong một thế giới thông nhau trên môi trường Internet, an toàn thông tin, bảo mật cá nhân, an ninh quốc gia là các lĩnh vực rất nhạy cảm.

Điều đó cho thấy vì sao các nước châu Âu khá e dè với thiết bị 5G của Trung Quốc, hoặc Facebook từng bê bối làm lộ thông tin hơn 70 triệu người dùng…

Tức là giải quyết vấn đề, làm sao để không phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài?

Không nghi ngờ gì nữa, khoa học và công nghệ, chính là hai đặc trưng của lực lượng sản xuất hiện đại. Lực lượng sản xuất trong cơ cấu quy luật của K. Marx là “người lao động và tư liệu lao động”.

Nếu khoa học và công nghệ bị phụ thuộc ngoại bang thì toàn bộ nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… cũng chịu chung số phận.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/viet-nam-hung-cuong-ung-xu-voi-kinh-te-so.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin