Đặc xá, giảm án tha tù trước thời hạn đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta và chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với những người mắc phải lỗi lầm, vi phạm pháp luật; khuyến khích họ hối cải, nhận ra sai lầm trong quá khứ, tích cực rèn luyện, học tập, cải tạo. Đồng thời, ghi nhận kết quả học tập, cải tạo, chấp hành nội quy trại giam của phạm nhân, ghi nhận kết quả giáo dục, cải tạo, sự phối hợp của trại giam với gia đình và các cơ quan liên quan trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân. Chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân không chỉ dừng lại ở việc đặc xá, giảm án tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá, tha tù trước thời hạn, nâng cao kiến thức pháp luật, giúp họ có điều kiện, khả năng tốt hơn để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, vững tin trở về với cuộc sống đời thường. Đồng thời, giúp phạm nhân có cơ hội suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, tự đánh giá kết quả học tập, cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích và lương thiện.
[caption id="attachment_196639" align="aligncenter" width="410"] Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại Trại giam Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa[/caption]
Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an. Trong thời gian qua, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giải đáp pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho các phạm nhân được đặc xá, phạm nhân được giảm án tha tù trước thời hạn, sắp chấp hành xong án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng của các trại giam của Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tính từ năm 2015 đến tháng 6/2018, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 10 cuộc tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho 2.333 lượt phạm nhân sắp tái hòa nhập cộng đồng tại các Trại giam Thanh Phong, Thanh Lâm và Thanh Cẩm. Các cán bộ, luật gia của Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã đến các phân trại của các trại giam để phổ biến, giới thiệu các quy định cơ bản của pháp luật về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai, hộ tịch - hộ khẩu, học nghề - việc làm, vay vốn ngân hàng.... Đối thoại, tư vấn, giải đáp những vấn đề về pháp luật mà phạm nhân quan tâm khi tái hòa nhập cộng đồng, nhất là những quy định về điều kiện, thủ tục xóa án tích, về hôn nhân, gia đình, thừa kế, phân chia tài sản, quyền nuôi con khi ly hôn, các quy định về việc vay vốn, học nghề, tạo việc làm... Giúp họ nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; xóa bỏ những mặc cảm, tự ti, kỳ thị của bản thân, gia đình và xã hội, nhanh chóng tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
Phạm nhân Nguyễn Hữu G. (sinh năm 1979), quê ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), bị kết án 7 năm tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đang chấp hành án tại Trại giam Thanh Lâm, cho biết: “Tôi rất cảm động khi các cơ quan chức năng, trong đó có Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa quan tâm, tổ chức lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân sắp ra trại. Các cán bộ tư vấn pháp luật rất nhiệt tình, trách nhiệm, chia sẻ với chúng tôi, trả lời cặn kẽ, cụ thể những vấn đề về pháp luật mà chúng tôi muốn tìm hiểu. Đáp lại những tấm lòng nhiệt tình này, khi ra trại, trở về với gia đình và xã hội, tôi sẽ quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm và tu chí làm ăn”.
Phạm nhân Nguyễn Thị M. (sinh năm 1992), quê ở Hà Nội, phạm tội trộm cắp tài sản, bị kết án 2 năm tù, chấp hành án tại Trại giam Thanh Phong, nói: “Trước đây tôi cứ nghĩ khi chấp hành án phạt tù xong thì sẽ đương nhiên được các cơ quan chức năng xóa án tích mà không phải làm bất cứ thủ tục gì. Nay được tư vấn tôi mới biết được cụ thể các điều kiện, thủ tục mà mình phải thực hiện để được xóa án tích. Xin chân thành cảm ơn các cán bộ của Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã cho chúng tôi biết được vấn đề này”.
Còn phạm nhân Lê Văn H. (sinh năm 1976), quê ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), bị kết án 5 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, chấp hành án tại Trại giam Thanh Cẩm tâm sự: “Được các cán bộ của Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa giới thiệu các quy định của pháp luật về các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân, gia đình, lao động, chúng tôi thấy tự tin hơn khi trở lại với cuộc sống đời thường và thấy mình phải quyết tâm trở thành những người có ích, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội khi ra tù”.
Còn rất nhiều những mảnh đời, những số phận, những hoàn cảnh không may mắn tại các trại giam. Tất cả họ đều thấy ân hận, nhận ra sai lầm trong quá khứ và có chung mong muốn là sớm được trở lại với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng để làm lại cuộc đời, trở thành công dân lương thiện.
[caption id="attachment_196638" align="aligncenter" width="410"] Đ/c Đỗ Xuân Yên, Giám đốc TTTVPL Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các phạm nhân tại Trại giam Thanh Cẩm, Thanh Hóa[/caption]
Có thể nói, hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý tại các trại giam đã tạo điều kiện cho các phạm nhân, đối tượng đang tạm thời bị cách ly khỏi xã hội, được tiếp cận với pháp luật, được hỗ trợ pháp lý để nâng cao hiểu biết về pháp luật, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm chấp hành pháp luật của mình. Đồng thời, nâng cao khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hoạt động này cũng góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ của các trại giam, góp phần cải cách hoạt động tư pháp theo hướng ngày càng công khai, minh bạch hơn. Bản thân các trại giam có trách nhiệm quản lý, giáo dục, cải tạo, tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho phạm nhân, nay lại được Hội Luật gia tham gia thực hiện với chất lượng chuyên môn, tính chuyên nghiệp cao hơn. Do Hội Luật gia là tổ chức phi lợi nhuận nên hoạt động mang tính khách quan, cách tiếp cận cởi mở, vì vậy, việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý thuyết phục hơn đối với các phạm nhân. Các trại giam đều hoan nghênh, tạo điều kiện và phối hợp tốt với Hội Luật gia Thanh Hóa trong quá trình thực hiện hoạt động này. Việc một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Hội Luật gia Việt Nam hỗ trợ cho phạm nhân có nhu cầu tư vấn pháp luật còn có thể được coi là một kênh giám sát độc lập, góp phần thúc đẩy các hoạt động của trại giam minh bạch và hiệu quả hơn.
Hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các phạm nhân cũng góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển do giảm bớt nguy cơ phạm tội và tái phạm tội. Đồng thời, phát huy được thế mạnh về chuyên môn của Hội Luật gia, vốn có lợi thế trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, vì Hội Luật gia là nơi tập hợp các luật gia, tư vấn viên pháp luật có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm về công tác pháp luật.
Việc triển khai hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp tái hòa nhập cộng đồng đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người đối với những người đang bị cách ly khỏi đời sống xã hội. Bên cạnh đó, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Hội với các trại giam đã đặt cơ sở, nền móng cho việc tiếp cận, cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho những người sắp tái hòa nhập cộng đồng (là đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội), thực sự có nhu cầu được hỗ trợ pháp lý. Đây là hoạt động rất cần thiết, bổ ích, cần được quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước và xã hội để góp phần vào việc thực hiện quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013./.
http://hoiluatgiavn.org.vn:8080/tu-van-phap-luat-ho-tro-phap-ly-cho-pham-nhan-sap-tai-hoa-nhap-cong-dong-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa-d1492.html
http://hoiluatgiavn.org.vn:8080/tu-van-phap-luat-ho-tro-phap-ly-cho-pham-nhan-sap-tai-hoa-nhap-cong-dong-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa-d1492.html