Từ sự kiện chuỗi Nhà hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt: Các tình huống pháp lý đặt ra và bài học kinh doanh cho nhà đầu tư

(Pháp lý) - “Khai sinh” từ năm 2007, bởi một Việt kiều trở về từ Mỹ, chuỗi thương hiệu Việt: Nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Phở 99... đã nhanh chóng tạo dựng được làn sóng ẩm thực mới cho các món ăn Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây sau 12 năm, người tiêu dùng Việt lại chứng kiến chuỗi thương hiệu đó sụp đổ không phanh.

Từ sự kiện kinh doanh trên, Phóng viên Pháp lý cùng chuyên gia luật phân tích các tình huống pháp lý và bài học kinh doanh đặt ra.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, danh sách các nhà cung cấp nguyên liệu nộp đơn tố cáo Công ty TNHH Huy Việt Nam cho Công an phường Cô Giang (quận 1, TPHCM) tiếp tục nối dài. Trong một động thái bất ngờ, mới đây (24/10) nhóm các nhà đầu tư lớn (bao gồm tổ chức ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital) của Công ty Huy Việt Nam Group Limited, chủ chuỗi Món Huế, Phở Ông Hùng... đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện nhà sáng lập là ông Huy Nhật. Theo các thành viên của nhóm đầu tư này, từ năm 2013 đến nay, họ đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD nhưng đã bị ông Huy Nhật và các cộng sự chiếm dụng. Được biết, đơn khởi kiện của họ đã được TAND TP.HCM chấp nhận và đã tiến hành phong tỏa tài sản của cá nhân ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán nước ngoài.

Ông Huy Nhật (bên phải), nhà sáng lập Công ty Món Huế và Công ty Huy Việt Nam.
Ông Huy Nhật (bên phải), nhà sáng lập Công ty Món Huế và Công ty Huy Việt Nam.)

Những tình huống pháp lý đặt ra ?

Như vậy, người đại diện pháp luật Công ty Món Huế và Công ty Huy Việt Nam và các cộng sự chắc chắn phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, có 2 tình huống pháp lý đặt ra:

Được biết đến ngày 25/10, gần 20 vệ tinh cung cấp nguyên liệu Món Huế cho biết sơ bộ tổng số nợ (chốt theo đơn hàng đến tháng 4/2019) của Huy Việt Nam đã lên đến gần 20 tỷ đồng; 1.500 nhân viên bị mất việc, trong đó bị nợ 70% lương tháng 9 và toàn bộ lương tháng 10. Đây là quan hệ giữa Công ty Món Huế; Công ty Huy Việt Nam (đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế) với các nhà cung cấp, người lao động… Quan hệ này là quan hệ hợp đồng giữa pháp nhân với nhà cung cấp, người lao động. Do đó, việc công ty đóng cửa hàng loạt cửa hàng, nợ tiền nhà cung cấp, nợ lương người lao động… vẫn là quan hệ pháp luật dân sự; chưa có dấu hiệu cho thấy yếu tố hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Một trong những chuỗi nhà hàng Món Huế khi còn hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh
Một trong những chuỗi nhà hàng Món Huế khi còn hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh)

Giả thiết nếu đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế thật sự bị đổ bể vì năng lực kinh doanh kém, dẫn tới thua lỗ, mất khả năng thanh toán phải ngừng sản xuất, theo Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP.HCM), thì các chủ nợ có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền mở thủ tục phá sản đối với Công ty Món Huế và Huy Việt Nam theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Luật Phá sản 2014. Với thông tin đến thời điểm hiện tại, thì pháp nhân sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế vẫn đang tồn tại và có thể vẫn còn có tài sản. Việc nhà cung cấp, người lao động nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền thụ lý mở thủ tục phá sản sẽ lợi, nếu như thủ tục này được xúc tiến sớm. Khi đó các nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của Công ty Món Huế và Huy Việt Nam theo quy định tại Điều 70 Luật Phá sản, để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện quyết định tuyên bố phá sản của Tòa sau này…

Cũng theo Luật sư Tuyên, quyền lợi của các chủ nợ sẽ được giải quyết theo Điều 54 Luật Phá sản 2014. Khi đó, giá trị các tài sản còn lại của nhà hàng Món Huế sẽ phân chia theo thứ tự: Chi phí phá sản; trả nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Sau đó sẽ đến khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. “Tất nhiên, để Tòa án có thẩm quyền thụ lý theo Luật Phá sản thì các chủ nợ phải cung cấp được các Hợp đồng cung cấp nguyên liệu; hợp đồng lao động; và các chứng từ có liên quan chứng minh được các khoản nợ đến hạn nhưng Huy Việt Nam không giải quyết đã quá 3 tháng, theo quy định của pháp luật”, LS Tuyên phân tích.

Trường hợp nếu người đại diện pháp luật của Công ty Món Huế và Công ty Huy Việt Nam sử dụng các hình thức như: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc vay, mượn, thuê tài sản của người khác; nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản… thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong trường hợp này, theo Luật sư Huỳnh Thị Thúy Hoa (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), nếu các chủ nợ phát hiện và thu thập được các chứng cứ chứng minh được hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thì có quyền làm đơn tố giác người đại diện pháp luật của Công ty Món Huế và Công ty Huy Việt Nam theo quy định tại Điều 143, 144 và 145 Bộ luật TTHS 2015 gửi đến Cơ quan điều tra Công an hoặc Viện KSND có thẩm quyền, để được xem xét giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự.

Các nhà cung cấp nguyên liệu căng băng rôn, biểu ngữ tố Công ty Món Huế nợ tiền
Các nhà cung cấp nguyên liệu căng băng rôn, biểu ngữ tố Công ty Món Huế nợ tiền)

Bài học đầu tư kinh doanh

1. Sẽ là võ đoán nếu như chỉ nhìn từ sự thất bại của chuỗi Nhà hàng Món Huế mà cho rằng, mô hình kinh doanh theo chuỗi trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thức ăn nhanh... trên lãnh thổ Việt Nam không có đất để “dụng võ”. Trái lại vẫn luôn là miếng mồi béo bở với những ai có tầm nhìn, đánh giá đúng phân khúc khách hàng. Vấn đề là ở chỗ đầu tư phải phù hợp với văn hóa truyền thống và văn hóa khách hàng. Ai đó đã có lý khi cho rằng, ở Việt Nam, một nhà hàng như Món Huế có thể sẽ không đạt được lợi nhuận như một người lớn tuổi bán bò khô ở vỉa hè. Bởi tập quán người Việt Nam về ăn uống, chỉ có giới trẻ thích mô hình chuỗi, trong khi các độ tuổi khác thì không…

Mặt khác, kinh doanh theo chuỗi thì đòi hỏi tính đồng bộ trong vận hành quản lý, nhân viên phục vụ. Trong khi đó, theo đánh giá các chuyên gia, chuỗi ở Việt Nam, trong đó có Món Huế, chưa giỏi vận hành quản lý, thiếu tính đồng bộ. Như vậy để một chuỗi đồ ăn phát triển nhanh và trụ được thì cần phải hiểu sâu nhu cầu ẩm thực của người bản địa và phải có nguồn tài chính rất lớn. “Trong trường hợp chuỗi có nguồn tài chính không dồi dào, thì chỉ nên tập trung phát triển thương hiệu và hoàn thiện quản lý chuỗi cung ứng. Việc mở rộng điểm bán thì nên dùng cách chia sẻ thương hiệu nhượng quyền như cách mà KFC, Lotteria… đã làm thành công”, một chuyên gia khuyến cáo.

2. Pháp luật Việt Nam (chủ yếu là Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014) mặc dù rất thông thoáng, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại rất nghiêm khắc đối với các nhà đầu tư làm ăn gian dối, mất đạo đức, chạy theo lợi nhuận bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng. Sự đổ bể dây chuyền của chuỗi Nhà hàng Món Huế, nếu xuất phát từ động cơ vụ lợi, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chắc chắn rồi đây, người đại diện pháp luật của Công ty Món Huế và Công ty Huy Việt Nam sẽ phải trả giá đắt bởi sự chế tài của pháp luật Việt Nam.

Được biết, từ tháng 5/2017, ông Huy Nhật là người nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Huy Việt Nam. Toàn bộ công tác quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing đều do ông Huy Nhật chịu trách nhiệm chính. Trước đó các chức vụ này do bà Trần Thị Thanh Tâm, sinh năm 1948 đảm nhiệm. Tuy nhiên, đến ngày 2/10 (thời điểm chỉ hơn 1 tuần trước khi các nhà hàng Món Huế bắt đầu đóng cửa), Công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Một cái tên đáng chú ý không kém đó là Dennis Nguyễn, Phó Chủ tịch của Huy Việt Nam, người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính của công ty và là người đóng vai trò là người kết nối Huy Nhật với các quỹ đầu tư./.

Công ty Huy Viet Nam Group Limited là pháp nhân có trụ sở đăng ký ở Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). Đây là một trong ba công ty chính trong hệ sinh thái doanh nghiệp do ông Huy Nhật sáng lập cùng với Huy Viet Nam (Hong Kong) Limited và Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam. Nhiệm vụ chính của 3 doanh nghiệp này là đầu tư tài chính vào các pháp nhân sở hữu trực tiếp chuỗi cửa hàng ẩm thực tại thị trường Việt Nam.Trong đó, Huy Viet Nam (Hong Kong) sở hữu 100% vốn tại Công ty Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam và gần 36% vốn tại pháp nhân sở hữu trực tiếp chuỗi nhà hàng Món Huế là Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế.

VŨ LÊ MINH

 

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin