Từ cá chết Vũng Áng đến Formosa: Nhìn lại quy hoạch môi trường

Nhìn lại hàng loạt vấn đề ô nhiễm môi trường nhức nhối trong suốt hàng chục năm trời qua ở VN, gần nhất là nghi vấn Formosa hiện nay, Thạc sỹ kỹ thuật môi trường Đào Nhật Đình (học viện Công nghệ châu Á) khẳng định: "Không cá nào sống được lâu dài, sinh con đẻ cái trong nước xả thải công nghiệp, dù là công nghiệp ở Singapore, Mỹ, Úc hay Việt Nam. Bài toán ở đây không phải là xem xét lại quy chuẩn xả thải, mà là cho phép bao nhiêu doanh nghiệp ở một khu vực nhất định".

Phóng viên Người Đô Thị có cuộc trao đổi với Thạc sĩ kỹ thuật môi trường (Học viện Công nghệ châu Á) Đào Nhật Đình, nguyên chuyên gia kỹ thuật dự án "Tăng cường năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam".

Thưa, ông nhận định như thế nào về công bố của bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về nguyên nhân gây cá chết hàng loạt trong thời gian qua?

Trong hai nhóm nguyên nhân mà bộ TN&MT đã công bố, một số người vội gọi nguyên nhân thứ hai là Thủy triều đỏ, nhưng theo tôi chính xác là "hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người", bởi vì suy giảm oxy hòa tan trong nước có nhiều nguyên nhân, không chỉ riêng Thủy triều đỏ.

Nếu nhìn rộng ra thế giới chúng ta thấy không dễ dàng có thể tìm ra nguyên nhân của cá chết. Ở Australia và ở Mỹ cá vẫn chết do những nguyên nhân bí ẩn mà không phải lần nào cũng tìm ra.

Hình vẽ dưới là nguyên nhân 1400 lần cá chết hàng loạt ở bang New South Wales, Australia ghi chép từ năm 1970 đến 2010. Ta thấy hai "nguyên nhân" chính: 1. Không biết (38%); 2. Suy giảm ô xy hòa tan trong nước (18%). Còn hóa chất chiếm 8%, bằng với nguyên nhân "khác", và tảo nở hoa 4%. Cộng "không biết" với giảm ô xy – gần như không biết và khác, chúng ta có hơn 50%. Đấy là nước Australia có nền khoa học phát triển cũng với công tác bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.

[caption id="attachment_139927" align="aligncenter" width="410"] Nguyên nhân các vụ cá chết hàng loạt ở bang New South Wales.
Nguyên nhân các vụ cá chết hàng loạt ở bang New South Wales.[/caption]

Ngay ở Singapore, nơi hầu như không có nước thải chảy xuống biển và hệ thống quan trắc tốt nhất thế giới, cá vẫn chết hồi cuối tháng 2.2015 với nguyên nhân là tảo nở hoa. Nhưng thủ phạm nguồn dinh dưỡng khiến tảo nở hoa không xác định được.

Còn ở Việt Nam, khi mà nước thải sinh hoạt hầu như chưa được xử lý chảy ra từ khắp các con sông, cộng với nước thải công nghiệp của nhiều nhà máy, cộng với nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện, cộng với bồi đắp bờ biển quy mô lớn thì việc một loài tảo nào đó bùng nổ, gây suy giảm ô xy hòa tan, chỉ là vấn đề thời gian.

Còn hiện tượng xuất hiện một vệt nước màu đỏ đục 1,5 km vào sáng hôm nay, ngày 4.5 ở khu vực biển xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), tôi chưa cập nhật, chờ Bộ TN&MT lấy mẫu và xem xét.

Về nguyên nhân chất độc, mọi người có thể trách tại sao không tìm ra chất độc sau khi phân tích cá và môi trường. Phân tích cá tìm ra chất độc không đơn giản, vì bản thân con cá chết đã là một ổ chất độc hữu cơ. Chất vô cơ phải có hàm lượng cao bất thường mới gây nên nghi ngờ vì chúng ta không có dữ liệu nền của những con cá đó. Ví dụ dễ hiểu, trong người chúng ta ai cũng có chút vàng, tỷ lệ đó đã được nghiên cứu nhiều, nên nếu chết vì ngộ độc vàng sẽ tìm ra vì có cái để so sánh. Còn dữ liệu về từng kim loại trong cá rất hiếm. Tôi nghĩ ở Việt Nam chưa ai làm nghiên cứu cơ bản này.

Trao đổi với Người Đô Thị, KS Doãn Mạnh Dũng cho rằng: “tính toán dòng chảy cho thấy dòng tầng đáy đã chắc chắn đưa chất độc xuống bờ biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam. Khu vực này chưa thấy cá chết do mật độ chất độc thấp, nhưng tiềm ẩn đem lại bệnh tật trong tương lai là khó tránh khỏi”. Còn nhận định của ông?

KS Doãn Mạnh Dũng là người rất giỏi về dòng hải lưu ven bờ Việt Nam. Nhưng có lẽ ông đã không chuẩn về đối tượng di chuyển. Nếu thả một quả bóng ở tầng đáy tại Hà Tĩnh, có thiết bị GPS và phát tín hiệu định vị, thì có thể mấy tháng sau nó sẽ đến tận Nam Bộ.

Nhưng chất độc thì khác. Nếu chất độc không tan trong nước thì cá không chết. Nếu tan thì không thể đến được Nam Trung Bộ dù là hàm lượng thấp nhất có thể gây hại; nhất là khi đây là một cái "bể bơi" dài mấy trăm km, rộng 30km và sâu 20m, lại mở toang cho nước bên ngoài, mỗi năm đổi chiều vài lần.

Về mặt tác động của hóa chất, độc hay không độc không phải do tên gọi mà là hàm lượng và liều lượng. Mật ong là thứ không độc nhưng nếu bạn uống 100g mật ong vào buổi sáng sớm sẽ có vấn đề. Asen là chất cực độc nhưng nếu chỉ uống nước có hàm lượng Asen dưới 0,01mg/l (QCVN 01:2009) như nước máy ở Hà Nội thì không ảnh hưởng sức khỏe cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.

Tóm lại, tôi cho rằng, vài trăm tấn chất độc, dù là chất hữu cơ hay vô cơ gây ngộ độc tại khu vực xả thải, đều bị phân tán đến liều lượng không nguy hại trước khi xuống tận Phú Quốc.

[caption id="attachment_139926" align="aligncenter" width="410"] Khu vực có cá chết hàng loạt
Khu vực có cá chết hàng loạt[/caption]

Ở các nước, chi phí môi trường cho một dự án luôn cao, nhằm đảm bảm chất lượng môi trường tại nơi thực hiện một dự án. Khi xảy ra thảm họa cá chết như hiện nay, và nhìn lại hàng loạt vấn đề ô nhiễm môi trường nhức nhối trong suốt hàng chục năm trời qua ở Việt Nam, gần nhất là nghi vấn Formosa hiện nay, một câu hỏi được đặt ra: liệu quy chuẩn của Việt Nam về môi trường đã đủ để đảm bảo chất lượng môi trường hiện nay chưa?

Tôi cũng xin nói luôn là không cá nào sống được lâu dài, sinh con đẻ cái trong nước xả thải công nghiệp, dù là công nghiệp ở Singapore, Mỹ, Úc hay Việt Nam. Vì thế mới phải làm ống dài ra biển có nhiều đầu phun nhỏ trộn lẫn nhanh khỏi sốc cá. Bài toán ở đây không phải là xem xét lại quy chuẩn xả thải, mà là cho phép bao nhiêu doanh nghiệp ở một khu vực nhất định.

Việc bố trí bao nhiêu doanh nghiệp vào một khu vực để nước thải, khí thải không làm quá tải chất lượng môi trường (đảm bảo phát tán nước thải, khí thải - khả năng tự làm sạch của môi trường tiếp nhận - để các thông số ô nhiễm trong môi trường không vượt quá giới hạn cho phép) là nhiệm vụ của quy hoạch môi trường. Công cụ này chưa được áp dụng ở Việt Nam mặc dù có thể là một phần của Đánh giá tác động môi trường.

Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam hiện nay về cơ bản đảm bảo chất lượng môi trường. Một số quy chuẩn có thể phải điều chỉnh lại cho hợp lý và thống nhất giữa các Bộ. Vấn đề lớn hơn là đảm bảo các quy chuẩn đó được thực hiện nghiêm túc.

Một số nhà khoa học muốn đồng nhất quy chuẩn chất lượng nước thải với nước biển. Nhưng ngay cả Singapore người ta cũng không làm thế. Nước thải công nghiệp bao giờ cũng ô nhiễm hơn nước tự nhiên. Sau đó người ta xử lý về tiêu chuẩn nước công nghiệp để cấp cho các nhà máy xử dụng quay vòng. Một phần nước công nghiệp được xử lý về tiêu chuẩn nước tự nhiên và phần rất nhỏ thành nước uống trực tiếp.

Hệ thống phân phối ở Việt Nam chưa đạt được độ đảm bảo nguồn gốc thực phẩm. Giờ đây, khi có khủng hoảng, chúng ta lại càng hiểu tại sao khi nhập khẩu thực phẩm, cá, thịt từ Việt Nam các bạn hàng lại không chỉ dùng phép thử bên nước họ, mà phải sang tận nơi đảm bảo cơ sở sản xuất từ ruộng cho đến chế biến phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nhất định. Vì kiểm tra đầu cuối một chất độc không ai biết là chất gì trong thực phẩm gần như là một việc tuyệt vọng.

Hiện nay các tỉnh có cá bị chết đã chủ động quan trắc nguồn nước mỗi ngày. Việc này có ý nghĩa gì và đã đủ?

Quan trắc không bao giờ thừa, chỉ sợ thiếu ngân sách. Việc các tỉnh quan trắc thường xuyên sẽ có thể cảnh báo nguy hiểm nếu xảy ra lần nữa hay làm nền so sánh sau này.

Điều cần làm là sự hiệu chuẩn thường xuyên giữa các phòng thí nghiệm để số liệu có đủ độ tin cậy.

Trong bất kì vụ việc gì, việc tìm ra nguyên nhân để giải quyết tận gốc vấn đề là quan trọng và cấp bách. Quan điểm của ông trong việc Chính phủ sẽ mời tư vấn được ngoài kết luận độc lập nguyên nhân cá chết?

Tôi đã giải thích rõ là có cấp bách đến mấy thì cũng không dễ tìm ra thủ phạm để mà giải quyết tận gốc. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục kiểm tra, quan trắc để đảm bảo không ai xả thải lớn ra biển. Có thể dần dần xử lý sơ bộ xả thải chất hữu cơ của con người (nhiều bờ biển miền Trung chưa có nhà vệ sinh) trước khi thải ra sông biển.

Trong bối cảnh này, mời tư vấn nước ngoài có thể sẽ là cách cho dư luận yên tâm hơn với một cái nhìn khách quan hơn.

Khi nguyên nhân chưa tìm ra được thì người dân địa phương vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong đánh bắt và buôn bán. Cũng vừa qua, phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thừa nhận và đặt ra một câu hỏi rất thẳng thắn: "Kinh nghiệm kiểm soát môi trường biển của Việt Nam còn ít dẫn đến việc công bố chậm nguyên nhân cho nhân dân biết. Chưa biết bao giờ khôi phục được sản xuất của ngư dân, cũng chưa rõ vùng nào có thể khuyến cáo ngư dân đánh bắt được. Không biết ăn rồi có ảnh hưởng gì không?”. Nhiều lãnh đạo tỉnh thì khuyến khích và “làm gương” ăn cá... Với tình hình hiện nay, liệu vẫn có cách phân định được giữa “độc” và “không độc” không?

Khó khăn này là tồn tại của chính chúng ta. Hệ thống phân phối ở Việt Nam chưa đạt được độ đảm bảo nguồn gốc thực phẩm. Giờ đây, khi có khủng hoảng, chúng ta lại càng hiểu tại sao khi nhập khẩu thực phẩm, cá, thịt từ Việt Nam các bạn hàng lại không chỉ dùng phép thử bên nước họ, mà phải sang tận nơi đảm bảo cơ sở sản xuất từ ruộng cho đến chế biến phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nhất định. Vì kiểm tra đầu cuối một chất độc không ai biết là chất gì trong thực phẩm gần như là một việc tuyệt vọng. Trong khi đó kiểm tra đảm bảo các chỉ tiêu đầu vào dễ hơn nhiều.

Như vậy phân định độc với không độc chủ yếu dựa vào nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo đó là cá đánh bắt khi còn sống chứ không phải cá chết thu gom về rồi ướp lạnh. Một số người có điều kiện sẽ chỉ ăn hải sản còn đang bơi. Nhưng đa số nhân dân không có điều kiện như vậy, họ cần một sự đảm bảo là hải sản được đánh bắt hay nuôi chứ không phải xác chết ướp lạnh. Nó cho thấy sớm muộn chúng ta cũng phải có hệ thống phân phối thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Với thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng việc tiêu thụ sẽ an toàn.

Riêng ở bang Florida, Mỹ, nơi hay xảy ra thủy triều đỏ, người ta có kiểm định độc tố của tảo cho toàn bộ hải sản trước khi vào hệ thống phân phối.

_____________________________________________________

Báo động về môi trường khi Formosa đi vào sản xuất

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên trưởng ban Chiến lược tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) nghiên cứu rất kỹ báo cáo đầu tư của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã trình từ 2008 trao đổi lại với tôi: Nội dung được lập hoàn toàn đối phó, không theo các quy định hiện hành của Luật đầu tư. Trong đó, đặc biệt là phần liên quan đến bảo vệ môi trường rất sơ sài nhưng trong một thời gian ngắn kỷ lục, chủ đầu tư đã được cấp đất và triển khai dự án.

Formosa là một dự án thuộc lĩnh vực luyện kim (có gắn với cảng biển và sản xuất nhiệt điện tự dùng). Công nghệ của nhà máy thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để luyện gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng chất thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và được thải ra liên tục. Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi trường tới hàng chục nghìn m3/ngày.

Thế nhưng, việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện coke-gang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở lớn mà chủ đầu tư có thể lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous, Arsenic.

Dự án Formosa có nhà máy luyện gang thép với công nghệ lạc hậu, nên phải dùng than mỡ để luyện coke cho lò cao. Nhu cầu than mỡ hàng năm phải nhập khẩu là 3,623 triệu tấn để luyện ra 2,52 triệu tấn coke. Ngoài ra, hàng năm Formosa phải sử dụng khoảng 0,642 triệu tấn dolomit; 1,442 triệu tấn đá vôi, và 1,296 triệu tấn than cám.

Quy trình luyện coke thải ra rất nhiều độc tố vì than mỡ dùng để luyện coke thường có chứa các chất rất độc hại và nguy hiểm, như: sulphure (≈ 0,3%) chlorine (≈0,03%), phosphorous (≈0,001%); và arsenic (≈0,004%).

Như vậy, chỉ riêng 3 loại chất cực độc (là chlorine, phosphorous, và arsenic) chứa trong than mỡ đã khoảng 0,035%. Với lượng tiêu dùng 3,623 triệu tấn/năm, chỉ riêng khâu luyện coke sẽ thải ra môi trường dưới mọi hình thức ít nhất 1.268 tấn/năm chất cực độc nói trên.

Đáng lưu ý, những loại than dùng để luyện coke được Formosa đã nhập về Việt Nam đều là những loại than rẻ tiền. Thay vì nhập khẩu than mỡ, Formosa đã nhập khẩu than bitum vào Việt Nam để luyện coke. Cụ thể, năm 2014, Formosa đã nhập khẩu 960.466 tấn than bitum từ Indonesia với giá bình quân gần 84 U$/tấn và năm 2015, Formosa đã nhập khẩu 87.923 tấn than bitum từ Canada để luyện coke với giá bình quân 82 U$/tấn. Các thành phần độc tố nói trên trong các loại than bitum rẻ tiền này chắc chắn còn cao hơn nhiều so với trong than mỡ đắt tiền (khoảng 200 U$/tấn).

Nhà máy luyện coke của Formosa theo thiết kế có công suất 2,86 triệu tấn/năm. Như vậy, cũng theo thiết kế, lượng khí lò coke (COG) hàng năm lên tới 1,4 tỷ Nm3 (trong điều kiện bình thường) và thải ra khoảng 1,1 triệu tấn xỉ/năm. Ngoài than luyện coke, nhà máy này còn phải sử dụng 1.906 tấn dầu rửa/năm.

Điều đáng lo ngại là trong Báo cáo đầu tư, Formosa đã cố tình không đưa ra các đặc tính kỹ thuật cũng như các thành phần hóa học của các loại nguyên liệu đầu vào được đưa vào sử dụng trong dự án (trong đó có các thành phần độc tố trong than luyện coke và dầu rửa).

Theo Motthegioi

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin