Nhân kỷ niệm 67 năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam 4/4/1955 – 4/4/2022, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khoá XV về dấu ấn sự phát triển của Hội suốt những năm tháng qua và những trăn trở, suy nghĩ của ông trong việc góp phần xây dựng Hội ngày càng phát triển vững mạnh.
NĐT: Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội, song song với việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tổng kết Chỉ thị số 56 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Xin ông cho biết, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Năm nay, Hội Luật gia Việt Nam và giới luật gia cả nước kỷ niệm 67 năm ngày thành lập (4/4/1955 – 4/4/2022). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của giới luật gia cả nước. Đồng thời, cũng rất vinh dự cho Hội khi cùng với thời điểm này đang tiến hành việc tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56 ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Việc tổng kết Chỉ thị số 56 Hội Luật gia đã được thực hiện từ đầu năm 2021.
Khi nhận được quyết định tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56, lãnh đạo Hội và Trung ương Hội Luật gia cũng xác định đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức và các hội viên của Hội tăng cường nhận thức, hiểu thêm vị trí, vai trò của Hội Luật gia. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 56. Kế hoạch tổng kết đã gửi đến cấp uỷ các địa phương, các ngành để triển khai.
Quá trình tổng kết Chỉ thị càng khẳng định sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp uỷ đối với các cấp Hội Luật gia Việt Nam, là nguyên nhân quan trọng cho sự thành công của Hội Luật gia Việt Nam từ khi ra đời (4/4/1955) cho đến nay, đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ chính trị xã hội.
Thời gian đầu thành lập, Hội chỉ có vài chục hội viên, đến nay, trải qua 67 năm hình thành và phát triển, Hội có gần 70.000 hội viên. Những nhiệm vụ qua từng giai đoạn từng bước phát triển cả về chiều sâu và rộng.
Ưu điểm của Hội Luật gia Việt Nam dễ nhận thấy nhất đó là tập hợp của những luật gia đã và đang công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức kinh tế và các trường đại học, viện nghiên cứu... hoạt động trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh.
Điều này cũng được thể hiện trong Điều lệ Hội thông qua ngày 13/9/2019 tại Đại hội Đại biểu Hội Luật gia toàn quốc lần thứ XIII, được Thủ tướng phê duyệt ngày 5/6/2020 khẳng định rõ Hội Luật gia Việt Nam được giao các nhiệm vụ thể hiện rõ tính chất chính trị xã hội.
Đặc biệt là, trong việc xây dựng, phản biện các chính sách pháp luật, việc tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, cụ thể là các nhiệm vụ: Chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội; tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội, xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tư vấn giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước theo quy định của pháp luật; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án khác theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước; tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân; tham gia các hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế…
NĐT: Hội Luật gia Việt Nam trong suốt quá trình phát triển luôn là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có uy tín. Xin ông cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được thể hiện như thế nào trong các hoạt động của Hội?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Trước hết phải khẳng định, Hội Luật gia do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng thành lập, giao nhiệm vụ. Nên, các nhiệm vụ của Hội thực sự mang tính chất chính trị.
Vấn đề đấu tranh về nhân quyền, về bảo vệchủ quyền quốc gia thì tiếng nói của giới luật gia trên trường quốc tế rất quan trọng. Ngoài ra, bên cạnh sự phát triển kinh tế của đất nước thì chính sách về an sinh xã hội rất quan trọng, Hội Luật gia Việt Nam có đóng góp quan trọng trong vấn đề này như trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, phổ biến pháp luật miễn phí… giúp đỡ những đối tượng yếu thế, làm sao để người dân hiểu được pháp luật. Vì thế, Hội Luật gia mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.
Về công tác xây dựng pháp luật, Hội đã tích cực và có nhiều đóng góp lớn trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hội là một trong số rất ít tổ chức đã chủ trì xây dựng thành công hai dự án Luật quan trọng đó là: Luật Trọng tài thương mại (trước đó là Pháp lệnh Trọng tài thương mại) và Luật Trưng cầu ý dân. Trong đó, Luật Trọng tài thương mại đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ bảy, tháng 6/2010 và Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Về công tác đối ngoại, Hội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, được bạn bè quốc tế khen ngợi, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức luật gia quốc tế và các nước để trao đổi, làm rõ các khía cạnh pháp lý liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông để các tổ chức có tiếng nói ủng hộ cho quan điểm của Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế…
NĐT: Như ông vừa trao đổi, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị như tư vấn, trợ giúp pháp lý cho những người yếu thế trong xã hội được Hội Luật gia quan tâm, chú trọng. Điều này được thể hiện ở các cấp Hội ra sao, thưa ông?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Hàng năm, Trung ương Hội có hướng dẫn, phổ biến tuyên truyền pháp luật đến nhiều người dân. Kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vấn đề tư vấn trợ giúp pháp lý và hoà giải vẫn được quan tâm và thực hiện bằng nhiều các phương thức khác nhau, thông qua truyền hình trực tuyến.
Chỉ riêng năm 2021 các cấp hội đã tư vấn pháp luật gần 70.400 vụ việc và trợ giúp pháp lý cho hơn 25.000 vụ việc; thực hiện tư vấn, giải quyết khiếu nại gần 11.100 vụ việc; tổng số vụ hoà giải hơn 32.200 vụ việc…
Số liệu này đã phần nào cho thấy tính ưu việt của Nhà nước ta trong việc quan tâm đến người dân nói chung và người yếu thế trong xã hội nói riêng.
NĐT: Hội Luật gia Việt Nam cũng có các tạp chí thông tin tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối và pháp luật như: Tạp chí Đời sống và Pháp luật, tạp chí Pháp lý… Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các tờ tạp chí, thông tin tuyên truyền của Hội xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Các tờ tạp chí của Trung ương Hội và các cơ quan trực thuộc Hội, các trang thông tin điện tử của các cấp Hội luôn luôn bám sát tôn chỉ, mục đích và phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ của Hội là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, hội viên và nhân dân trong cả nước.
NĐT: Về công tác tại Hội Luật gia Việt Nam với cương vị mới, cảm nhận của ông về ngôi nhà chung Hội Luật gia Việt Nam như thế nào?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Trước khi về Hội Luật gia Việt Nam làm công tác chuyên trách, tôi đã có hơn một nhiệm kỳ tham gia với tư cách Phó Chủ tịch kiêm nhiệm (hơn nữa tôi cũng là một hội viên của Hội Luật gia gần 40 năm nay) điều này giúp tôi hiểu công việc chung của Hội. Tuy nhiên, khi chuyển sang làm chuyên trách tôi nhận thấy khi làm lãnh đạo của cơ quan Nhà nước và lãnh đạo của Hội là rất khác nhau.
Làm ở cơ quan Nhà nước mang tính chất mệnh lệnh, hành chính nhưng khi làm lãnh đạo Hội nếu chỉ làm theo cách hành chính không thì không ổn. Mà phải xuất phát từ tâm, từ tình cảm yêu mến và hiểu công việc của Hội. Đặc biệt, để làm tốt công tác của Hội, tôi vẫn luôn trao đổi với các cấp Hội là phải chủ động làm tốt khẳng định mình, từ đó đề xuất các cấp chính quyền giao thêm nhiều công việc cụ thể, cho các cấp Hội. Làm sao các việc của Hội làm có lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.
NĐT: Ông có những trăn trở và đề xuất, kiến nghị gì để Hội Luật gia Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh hơn nữa?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Hiện nay, hoạt động của các Hội đang được rà soát đánh giá lại tính chất, nhiệm vụ chức năng và tổ chức các bộ… Nhưng với bề dày lịch sử, với vị trí cũng như kết quả hoạt động của Hội Luật gia 67 năm qua đã thể hiện rõ Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức do Đảng thành lập, Đảng giao nhiệm vụ, các nhiệm vụ của Hội ngày càng mang đậm nét chính trị xã hội sâu sắc.
Điều này cần tiếp tục được khẳng định. Nhất là thời gian tới đây chúng ta thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền. Để duy trì và phát triển Hội, theo tôi các cấp Hội trước hết phải tự mình chủ động, có nhiều biện pháp đổi mới để làm tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Mặt khác, đề nghị các cấp uỷ, các cơ quan chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Luật gia Việt Nam.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hội Luật gia Việt Nam được thành lập dưới sự động viên, khuyến khích của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 29/3/1955, khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia hội nghị thành lập hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu Luật gia Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngày 4/4/1955 Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NĐ-NV. Ngày 4/4/1955 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của hội Luật gia Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 13 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, phương thức tổ chức và hoạt động có những điểm khác nhau nhưng mục tiêu, tôn chỉ của Hội vẫn bảo đảm giữ vững.
Đánh giá cao những thành tích xuất sắc, những đóng góp to lớn của Hội Luật gia đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Hội nhiều phần thưởng cao quý. Nhiều cán bộ, hội viên của Hội được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các loại Huân, Huy chương cao quý ghi nhận và biểu dương xứng đáng những thành tích xuất sắc trong suốt 67 năm xây dựng và phát triển.