Trung Quốc chấn động vì vụ lừa đảo đa cấp lớn chưa từng có

Sau nửa năm tổ chức thương mại quốc tế IGOFX vào Trung Quốc, số nạn nhân bị lừa đã lên tới 400 ngàn với số tiền lên tới hơn 30 tỷ NDT.

Các nạn nhân đến Cục CA Thâm Quyến tố cáo và nhờ giúp đòi tiền.
Các nạn nhân đến Cục CA Thâm Quyến tố cáo và nhờ giúp đòi tiền.)

Sáng ngày 30/6 vừa qua, mấy trăm người là nạn nhân bị tổ chức thương mại quốc tế IGOFX lừa tiền từ khắp các tỉnh thành Trung Quốc đã kéo về trụ sở Cục Công an Thâm Quyến với hy vọng mong manh đề nghị chính quyền đứng ra giúp họ đòi lại số tiền đã bị IGOFX và nữ quái Trương Tuyết Kiều cuỗm mất.

Cơ quan công an các nơi khi tiếp nhận các bản kê khai, đơn tố cáo của các nạn nhân đã sửng sốt, không tin vào mắt mình khi thấy: sau nửa năm IGOFX vào Trung Quốc, số nạn nhân bị lừa đã lên tới 400 ngàn với số tiền lên tới hơn 30 tỷ NDT (5 tỷ USD). Nhiều nạn nhân do mắc nợ lớn, quá tuyệt vọng đã chọn cách tự sát. Đây được xem là vụ lừa đảo huy động vốn lớn chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Kẻ trùm sỏ của IGOFX ở Trung Quốc là một hotgirl xinh đẹp sinh năm 1991 tên là Trương Tuyết Kiều hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài. Theo báo Hoa ngữ “Trung Quốc báo” của Malaysia thì Trương Tuyết Kiều hiện đã có mặt ở Malaysia cùng người chồng của ả - cổ đông lớn nhất của IGOFX.

 

 Trương Tuyết Kiều.
Trương Tuyết Kiều.)

Trương Tuyết Kiều sinh tại Thường Châu, Giang Tô, là Tổng đại lý của IGOFX tại Trung Quốc. Sau khi lừa được khoản tiền kếch sù với hoa hồng 350 triệu USD, sáng ngày 11/6/2017 cô ả đã biến mất, điện thoại, các tài khoản mạng xã hội weibo, wechat… đều bị khóa, đến nay vẫn biệt vô âm tín. Người ta chỉ biết được chút thông tin ít ỏi: chồng ả là cổ đông lớn nhất của IGOFX, hiện đang sống tại Malaysia. Sau khi Kiều bỏ trốn, các nạn nhân ở các thành phố lớn tới tấp đến cơ quan báo án, nhiều người thi nhau tự sát, khi đó vụ việc mới vỡ lở, cả xã hội mới bàng hoàng trước quy mô lớn khủng khiếp của vụ lừa đảo.

Nhưng điều khiến dư luận quan tâm là, IGOFX sau khi vào Trung Quốc đã được một số chuyên gia trong giới tiền tệ xác định rõ đây là sàn kinh doanh ngoại tệ lừa đảo hoạt động không phép, không chịu sự quản lý của nhà nước và cảnh báo mọi người đừng mắc lừa. Thế nhưng, IGOFX vào hoạt động lừa đảo công khai suốt nửa năm trời mà không có cơ quan nào kiểm tra hay quản lý giám sát hoạt động của nó. Cho đến khi Trương Tuyết Kiều bỏ trốn, những người bị hại ở Chiết Giang, Hồ Bắc, Thường Châu, Nam Kinh, Thạch Gia Trang… tới tấp báo án, ngành công an mới thông báo để hệ thống cả nước biết và nhận xử lý vụ việc.

Theo phân tích của những người trong nghề, sàn kinh doanh ngoại tệ IGOFX thực ra là một công ty lừa đảo kiểu đa cấp, núp vỏ bọc sàn kinh doanh ngoại tệ để lừa những người tham lam bỏ tiền đầu tư. Hiện nay khi tìm kiếm trên mạng vẫn còn đầy rẫy những thông tin như: IGOFX được khen ngợi tại Hội chợ triển lãm về thương mại - tiền tệ Thâm Quyến 2017 cùng những bài viết quảng cáo do IGOFX đăng tải trên các đài, báo. Theo đó, IGOFX là một công ty ngoại hối của New Zealand, những nhà đầu tư chỉ việc giao tiền cho một nhóm kinh doanh, không cần làm gì, hệ thống sẽ tự động tính toán ra số lời lãi với 70% lợi nhuận thuộc về người đầu tư, 20% dành cho những người tính toán, 10% còn lại được chia đều cho những người môi giới, giới thiệu thành viên theo 4 cấp, cấp càng cao thì được chia lãi càng nhiều; lợi nhuận có thể lên tới từ 15 - 40%/tháng; ngoài ra còn được chia lời phí giới thiệu tính theo đầu người.

Với khẩu hiệu “Chỉ việc nằm đếm Dollar”, cộng với các chiêu “nhận lãi mỗi tuần” và “kéo người để nhận thưởng”, những trùm cá sấu giới tài chính đã đánh trúng tâm lý hám tiền, tọa hưởng kỳ thành, ai chịu thiệt cũng được, miễn không phải mình để xây dựng phát triển thành hệ thống huy động vốn hình chóp, nhanh chóng thu hút dân chúng móc hầu bao đầu tư, chỉ trong vòng 6 tháng đã phát triển được hơn 400 ngàn hội viên; thậm chí một số người biết đó là lừa đảo, nhưng tự cho mình thông minh hơn người, chủ động tham gia để kéo người khác xuống nước tranh thủ kiếm chác rồi rút, nhưng kết quả tự vác đá ghè chân mình, vừa hại người lại hại chính mình, giờ hối hận thì đã muộn.

Theo các chuyên gia phân tích, thủ đoạn lừa đảo của IGOFX rất chuyên nghiệp, bao gồm cả việc tuyên truyền và tài trợ cho một số đội bóng đá trong giải C-league và nước ngoài cùng các giải đua xe khiến nhiều người tin tưởng IGOFX là một công ty uy tín có thật. Nhóm lừa đảo này lập trang web giả, dựng lên hệ thống giả để lừa những người đầu tư. Thực tế tiền của các nhà đầu tư không được giao cho bất cứ sàn giao dịch ngoại tệ thật nào cả; chúng chỉ đưa ra danh sách giả để lừa những người đầu tư. Truy tìm nguồn gốc thì thấy IGOFX được đăng ký tại đảo quốc Vanuatu nơi có thủ tục đơn giản, quản lý giám sát lỏng lẻo, chỉ cần nộp ít tiền là có giấy phép hoạt động.

Mấy năm gần đây, hoạt động lừa đảo tài chính đã trở thành vấn đề xã hội ở Trung Quốc; nguyên nhân do cơ quan quản lý không có biện pháp ngăn cản, chỉ khoanh tay ngồi nhìn, các cơ quan truyền thông, nhất là các đài truyền hình thì chỉ biết phát quảng cáo thu tiền, vô hình trung tiếp tay cho bọn lừa đảo. Đáng chú ý nhất là các vụ “e Tô Bảo” lợi dụng quảng cáo giờ vàng trong chương trình thời sự buổi tối của Đài truyền hình trung ương (CCTV) để quảng cáo huy động vốn, chỉ sau một năm rưỡi đã huy động được hơn 50 tỷ NDT, các nhà đầu tư bị hại có ở khắp 31 tỉnh thành, khu trong cả nước. Một tổ chức lừa đảo khác là Sở giao dịch kim loại màu PanAsia Côn Minh, lợi dụng sàn giao dịch của chính quyền địa phương để huy động vốn với lãi suất 13%/năm; tháng 8/2016, 20 kẻ lừa đảo đã bị khởi tố, nhưng hiện nay hơn 43 tỷ NDT của 220 ngàn nhà đầu tư thuộc hơn 20 tỉnh, thành khó có thể đòi lại được.

Theo thống kê chính thức được công bố, chỉ riêng năm 2016 trên toàn Trung Quốc đã xảy ra 5.197 vụ huy động vốn trái phép, trong đó có hơn 100 vụ có số tiền trên 100 triệu NDT. Hiện nay tình hình hoạt động huy động vốn trái phép vẫn đang gia tăng, lan truyền nhanh chóng, diện phủ sóng rộng, chính quyền không kiểm soát được.

Theo Tiền Phong

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin