Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhìn từ kinh nghiệm ở một số nước

08/12/2017 13:07

(Pháp lý) - Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, nhiều chế định tiến bộ nếu mạnh dạn đưa vào Luật thì hoàn toàn có thể thực thi để đảm bảo trách nhiệm bồi thường của nhà nước minh bạch, kịp thời và đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.

Bồi thường ngay cả khi không có lỗi

Một trong những bị đơn thường xuyên trong các vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại các nước phát triển là nhà nước hoặc cơ quan nhà nước như chính quyền địa phương. Họ trở thành bị đơn vì đã được xã hội giao cho các quyền (nghĩa vụ) thực hiện công việc nhất định như cấp phép, bảo đảm chất lượng cuộc sống, xây dựng công trình công cộng... nhưng đã không hoàn thành những công việc này mà còn gây thiệt hại cho người khác.

 Một phiên xử của Tòa án Indonesia (ảnh minh họa)
Một phiên xử của Tòa án Indonesia (ảnh minh họa))

Thụy Sĩ, Nhật Bản là 2 đất nước có các quy định pháp luật tiến bộ về bồi thường nhà nước. Đặc biệt, họ quy định nhà nước phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi. Từ năm 1958, Luật của Thụy Sĩ đã cải cách một nội dung cơ bản, xóa bỏ yêu cầu về lỗi của người gây thiệt hại: việc người này hành động có lỗi cố ý hay sơ ý không quan trọng, chỉ cần các điều kiện khác được đáp ứng. Luật quy định chế độ trách nhiệm khách quan và dựa trên quan hệ nhân quả, do đó Liên bang phải chịu trách nhiệm trong trường hợp bất ngờ, trừ trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, riêng đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần do hành vi xâm phạm thân thể hoặc chết trong những hoàn cảnh đặc biệt và thiệt hại tinh thần do hành vi xâm phạm nhân thân trái pháp luật thì Luật liên bang của Thụy Sỹ đòi hỏi phải có điều kiện lỗi.

Tương tự, ở Nhật Bản, Luật nước này quy định, nhà nước phải bồi thường khi có thiệt hại dù không có lỗi. Từ năm 1947 nước này đã ban hành Luật về bồi thường nhà nước (Kokka baisho ho) quy định về những trường hợp nhà nước phải bồi thường. Cụ thể điều 1.1 luật này quy định: “Khi thực thi công vụ, nếu một quan chức chính quyền có hành vi vi phạm, dù cố ý hoặc vô ý, mà gây thiệt hại cho người khác thì nhà nước hoặc cơ quan có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Điều 2.1 luật này quy định: “Trong trường hợp có khiếm khuyết khi xây dựng hoặc quản lý đường sá, sông ngòi và các cơ sở công cộng khác mà gây thiệt hại cho người khác thì nhà nước hoặc cơ quan có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Như vậy, luật này có hai nội dung lớn liên quan đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước/cơ quan nhà nước. Thứ nhất, nhà nước phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi sai trái của nhân viên của mình. Thứ hai, nhà nước phải chịu trách nhiệm đối với tài sản của mình. Điều đáng lưu ý khác ở đây là điều 2.1 Luật về bồi thường nhà nước của Nhật Bản mặc nhiên thừa nhận nhà nước/cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm ngay cả khi họ không có lỗi khi tranh chấp liên quan đến khiếm khuyết của công trình công cộng. Tức là, nguyên đơn sẽ không phải chứng minh rằng người vi phạm cố ý hay buộc phải biết rằng hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác.

Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc (ảnh minh họa)
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc (ảnh minh họa))

Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ SMON năm 1977. Hơn 5.000 nguyên đơn khởi kiện bị đơn gồm các công ty Ciba-Geigi, Japan Ltd., Takeda Chemical Industries Ltd., Tanabe Seiyaku Co. Ltd. và Chính phủ Nhật Bản. Nguyên đơn khởi kiện các công ty này vì loại thuốc có tên gọi Clioquinol gây ra bệnh cho hệ thống thần kinh của họ và khởi kiện Chính phủ Nhật Bản vì đã cấp phép lưu hành thuốc này. Chín tòa khu vực gồm Tokyo, Kanazawa, Fukuoka, Hiroshima, Sapporo, Kyoto, Shizuoka, Maehashi và Osaka đều tuyên phần thắng thuộc về nguyên đơn. Bị đơn là các công ty bị tuyên phải bồi thường vi phạm ngoài hợp đồng theo điều 709 Bộ luật Dân sự, còn Chính phủ Nhật Bản bị tuyên vi phạm theo Luật về bồi thường nhà nước khi cấp phép lưu hành thuốc.

Một vụ khác xảy ra năm 1959. Nhiều người tại vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto khi ăn cá hoặc sò đánh bắt tại khu vực này bị các chứng bệnh rối loạn thần kinh và sau đó tử vong. Sau quá trình điều tra lâu dài, kết luận nguyên nhân của bệnh là do việc thải thủy ngân của Công ty Chisso. Các nguyên đơn đã khởi kiện Công ty Chisso và chính quyền tỉnh Kumamoto. Chisso bị khởi kiện do vi phạm quy định cấm xả chất độc hại theo quy chế phối hợp ngư nghiệp tỉnh Kumamoto; còn chính quyền tỉnh Kumamoto là đồng bị đơn do không thực thi thẩm quyền ngăn ngừa sự lan rộng của chứng bệnh như được quy định tại Luật Bảo tồn chất lượng nước tại khu vực nước công cộng, và Luật Kiểm soát xả thải nhà máy.

Khi không thực thi thẩm quyền này, hành vi của chính quyền hay quan chức bị coi là vi phạm điều 1.1 Luật về bồi thường nhà nước. Sau nhiều cấp xét xử, cuối cùng ngày 15/10/2004, Tòa án Tối cao Nhật Bản tuyên Chisso và chính quyền tỉnh Kumamoto phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường cho các nạn nhân với mức bồi thường là 320 triệu yên Nhật. Đây đều là những vụ kiện hi hữu, và những nạn nhân yếu thế hơn nhà nước đã nhận được công lý nhờ các quy định pháp luật tiến bộ của Nhật Bản.

Thủ tục giải quyết bồi thường cần thuận tiện, đơn giản

Thủ tục giải quyết bồi thường được quy định rất khác nhau trong pháp luật các nước, trong đó, tập trung vào một số vấn đề như loại hình thủ tục tố tụng, có hay không quy định về thủ tục thương lượng bắt buộc giữa người bị thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường… Pháp luật của Canada quy định Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết bồi thường và thủ tục giải quyết bồi thường là thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Canada chưa có văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề đền bù thiệt hại cho người buộc tội oan mà chủ yếu thực hiện thông qua án lệ. Ngoài ra, tại các bang của Canada, việc xem xét đền bù nạn nhân của tội phạm cũng được mỗi bang ban hành Luật riêng để điều chỉnh. Về cơ bản, thủ tục này được thực hiện thông qua một Ủy ban về đền bù nạn nhân của tội phạm. Ủy ban tiếp nhận đơn yêu cầu và sẽ tiến hành họp công khai. Nếu Ủy ban này xét thấy người yêu cầu có khả năng được đền bù thì có thể quyết định đền bù tạm thời với chi phí chữa bệnh, chi phí mai táng…
Pháp luật của Hoa Kỳ thì quy định là trong thời gian 02 năm kể từ ngày phát sinh yêu cầu bồi thường, bên bị thiệt hại phải làm đơn theo mẫu gửi tới cơ quan liên bang có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường, cơ quan liên bang đó thực hiện giải quyết bồi thường. Hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường, cơ quan liên bang có trách nhiệm giải quyết bồi thường không đưa ra bất cứ quyết định nào thì bên yêu cầu bồi thường có thể khởi kiện ra Toà án liên bang cấp quận với thời hiệu không giới hạn. Thủ tục giải quyết bồi thường tại toà án đối với các vụ việc này là thủ tục đặc biệt, không có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn.

 Công chức Nhật Bản trên đường đến công sở (ảnh minh họa)
Công chức Nhật Bản trên đường đến công sở (ảnh minh họa))

Ngược lại với các quốc gia vừa nêu, pháp luật Indonesia quy định thủ tục giải quyết bồi thường là thủ tục tố tụng hành chính và khi xét xử vụ án, Tòa án có thể ra một trong các phán quyết sau đây: Bác đơn yêu cầu; công nhận đơn yêu cầu; không chấp nhận đơn yêu cầu; tuyên bố đơn yêu cầu vô hiệu và không có giá trị. Trong trường hợp đơn yêu cầu được chấp nhận, Tòa án có thể ra các lệnh đối với cơ quan hành chính hoặc công chức đã ra quyết định bị khiếu kiện, bao gồm: Hủy quyết định bị khiếu kiện; hủy quyết định bị khiếu kiện và thay thế bằng một quyết định mới; ra một quyết định hành chính mới nếu có yêu cầu.

Pháp luật Thụy Sỹ thì quy định việc giải quyết bồi thường trước hết được thực hiện bằng việc gửi yêu cầu tới Bộ Tài chính liên bang, sau đó, tùy từng trường hợp mà người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Theo quy định của pháp luật Trung Quốc thì về cơ bản, người bị thiệt hại không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường ngay, mà phải yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường trước. Trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết hoặc yêu cầu của họ không được giải quyết thì khi đó, người bị thiệt hại mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, cụ thể thì trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và tố tụng hình sự của Luật Trung Quốc thì lại tương đối khác nhau, mà trong đó, thủ tục giải quyết bồi thường do bị thiệt hại trong tố tụng hình sự mang tính hành chính rõ nét.

Pháp luật của Cộng hòa Pháp thì cho phép bên bị thiệt hại yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường cho họ, ngay cả khi thiệt hại do lỗi của cá nhân công chức gây ra. Trong trường hợp này, người bị hại có quyền lựa chọn một trong hai khả năng: khởi kiện công chức ra Tòa án tư pháp để yêu cầu bồi thường theo thủ tục dân sự, hoặc khởi kiện cơ quan nhà nước ra trước Tòa án hành chính để yêu cầu bồi thường theo thủ tục bồi thường nhà nước. Điều quan trọng của việc phối hợp trách nhiệm bồi thường, đó là lỗi đó (lỗi cá nhân) xảy ra trong thời gian làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc được thực hiện bằng những phương tiện do cơ quan nhà nước cung cấp. Về mặt thủ tục tố tụng, Tòa hành chính là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi hoàn. Về cơ bản, có thể chia làm hai loại yêu cầu, một yêu cầu là chỉ yêu cầu hủy quyết định hành chính, đối với yêu cầu này, người yêu cầu có thể khởi kiện ngay đến Tòa hành chính có thẩm quyền. Đối với yêu cầu có bồi thường, người bị thiệt hại phải khiếu nại đến cơ quan hành chính trước, trong trường hợp cơ quan hành chính không đồng ý thì khi đó họ mới có quyền kiện đến Tòa hành chính - việc khiếu nại đến cơ quan hành chính là một thủ tục bắt buộc.

Tại Nhật Bản, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ bắt buộc của Nhà nước, do vậy, cơ chế thực hiện trách nhiệm là cơ chế dân sự, theo đó, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thông qua thương lượng hoặc khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường theo pháp luật tố tụng dân sự. Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ là toàn bộ thiệt hại nếu bên bị thiệt hại chứng minh được những thiệt hại của mình. Trong trách nhiệm đền bù tổn thất, do đây là một chính sách của Nhà nước nhằm bù đắp một phần thiệt hại, vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc, khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc sẽ quyết định luôn việc đền bù theo mức cố định đã được pháp luật quy định.

Minh Hải

Bạn đang đọc bài viết "Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhìn từ kinh nghiệm ở một số nước" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin