TP HCM: Nhiều dự án bất động sản có nguy cơ đối diện với kiện tụng

Dù đã bị khởi tố bắt giam về hành vi sai phạm trong quản lý sử dụng đất ở đại án Vũ nhôm, nhưng hậu quả mà các cựu quan chức TP HCM để lại cho nhiều dự án BĐS khác đang triển khai rơi vào tình thế có nguy cơ bị kiện tụng.

Từ lạm quyền, ký vội…

Đến thời điểm này, giới kinh doanh bất động sản vẫn xì xầm về các quyết định của ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM về thu hồi và giao đất tại Dự án 1bis 1kep đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1. Khu nhà đất này có diện tích gần 1,8ha, có vị trí tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, có giá trị hàng ngàn tỷ đồng gần 25 năm vẫn “đắp chiếu”.

Theo chủ trương của TP HCM, nhằm mục đích đảm bảo nhà ở cho người dân bị giải tỏa ven kênh rạch, cũng như tái định cư tại chỗ cho 213 hộ dân có thu nhập thấp, ngày 30/7/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/TTg giao đất để Công ty phát triển và dịch vụ nhà Quận 1 thực hiện dự án. Nhưng sau nhiều năm “đôi co” với 213 hộ dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Dự án vẫn chỉ đạt tiến độ là dựng rào tôn để hoang cho cỏ mọc.

Khu nhà đất có giá trị hàng ngàn tỷ đồng tại số 1bis 1kep đã được tư nhân hóa chỉ bằng một chữ ký lạm quyền.
Khu nhà đất có giá trị hàng ngàn tỷ đồng tại số 1bis 1kep đã được tư nhân hóa chỉ bằng một chữ ký lạm quyền.)

Thay vì dùng ngân sách để tiến hành dự án hoặc tổ chức đấu giá đất để có kinh phí xây dựng dự án và bồi thường cho người dân thì ngày 22/5/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM lúc bấy giờ đã ký Quyết định số 2403/QĐ-UBND thu hồi đất của Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà Quận 1 giao cho Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy để xây dựng nhà cao tầng kết hợp khách sạn.

Điều đáng nói là thẩm quyền của Phó Chủ tịch UBND TP HCM không được phép điều chỉnh Quyết định số 490/TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng hồ sơ dự án vẫn lọt qua tất cả các cơ quan chức năng.

Sau đó, đến ngày 9/8/2016, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã ký cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất số CT56516, CT 56517 cho Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy.

Nhận thấy dấu hiệu sai phạm, lạm quyền của nhiều vị quan chức liên quan đến việc chuyển đổi tài sản nhà nước, không tuân thủ đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở đô thị, hàng loạt hộ dân đã tiếp khiếu đến Thanh tra Chính phủ, cũng như khởi kiện hành chính đề nghị hủy các quyết định giao đất cho Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy.

…đến lỗ hổng pháp lý

Theo hồ sơ, ngày 30/6/2004, tức là trước thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực đúng 1 ngày, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã ký quyết định thu hồi và tạm giao 300ha đất tại Quận 9 cho Công ty Đầu tư và xây dựng Thanh niên Xung phong làm dự án khu dân cư công viên Phước Thiện. Sau khi nhận đất, một pháp nhân mới là Công ty CP phát triển thành phố Xanh đã được thành lập để tiến hành dự án với quy mô đến thời điểm năm 2009 là xây dựng khu nhà ở cao tầng, thấp tầng với số lượng hơn 45.000 căn, với vốn đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là nhiều quy định pháp luật đã bị vô hiệu hóa do các quyết định cá biệt được ông Nguyễn Thành Tài, ông Nguyễn Hữu Tín ký với tư cách là Phó Chủ tịch UBND TP HCM trong giai đoạn 2007 – 2013 đối với dự án “đại đô thị” này.

Ngoài ra, các văn bản kiến nghị, tham mưu do ông Nguyễn Hoài Nam ký trình với tư cách là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM về quy hoạch sử dụng đất, quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng tạo ra nhiều mâu thuẫn về pháp lý khi đối chiếu với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, cùng các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đối diện với nguy cơ kiện tụng vì các văn bản sai luật.
Chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đối diện với nguy cơ kiện tụng vì các văn bản sai luật.)

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng địa phương cho thấy có 142 hộ dân có nhà đất trong quy hoạch của dự án này và quá trình UBND Quận 9 tiến hành các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì nhiều hộ dân đã gửi đơn khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra làm rõ sai phạm.

Đến thời điểm này, nhiều hạng mục của dự án đã được triển khai, thậm chí có hạng mục đã bị Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM lập biên bản, xử phạt, nhưng về tổng thể chung pháp lý các văn bản do lãnh đạo UBND TP HCM qua các thời kỳ dù đã ký ban hành sẽ đối diện với nguy cơ vô hiệu nếu người dân khởi kiện hành chính. Khi đó, chủ đầu tư sẽ phải tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, còn tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng, trong khi nguồn tài chính phần lớn là vay ngân hàng.

Nhận định về câu chuyện pháp lý này, Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn cho rằng, thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính đã được pháp luật xác định rõ. Hành vi ký quyết định với tư cách là Phó Chủ tịch UBND TP HCM để thay thế, hủy bỏ quyết định của Thủ tướng Chính phủ là có dấu hiệu lạm quyền. Trong thực tế đã xảy ra việc Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ký Quyết định số 6565/QĐ-UBND ngày 27/12/2005 thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng vẫn chưa bị xử lý đã tạo ra tâm lý lạm quyền tại một số dự án phát triển đô thị khác. Đây là hành vi cần xử lý nghiêm để bảo đảm uy tín nhà nước, quyền lợi của chủ đầu tư, lợi ích hợp pháp của người dân có nhà đất nằm trong quy hoạch.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/ban-doc/tp-hcm-nhieu-du-an-bat-dong-san-co-nguy-co-doi-dien-voi-kien-tung-324684.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin