Tổng thống Mỹ có những thẩm quyền gì?

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống phải đảm nhiệm hai chức năng, vừa là người đứng đầu Nhà nước vừa đứng đầu ngành hành pháp.

Thẩm quyền của Tổng thống Mỹ

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống phải đảm nhiệm hai chức năng, vừa là người đứng đầu Nhà nước (giống như Vua hay Tổng thống của nhiều nước khác), vừa đứng đầu ngành hành pháp (giống như Thủ tướng của các nước khác).

Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Tổng thống Mỹđại diện cho nước Mỹ ở cả trong lẫn ngoài nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tại vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng ở thành phố Nashville, bang Tennesse tối 22/10/2020 (giờ Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Với tư cách này, Tổng thống phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ lễ tân, như tiếp nhận thư ủy nhiệm của đại sứ các nước khác, chủ trì các bữa tiệc khánh tiết, khai mạc một số hoạt động văn hoá nghệ thuật và thể thao quan trọng.

Tổng thống ký lệnh ban hành các đạo luật đã được Quốc hội thông qua, ký kết các hiệp định với nước ngoài và bổ nhiệm các quan chức cao cấp trong chính quyền liên bang.

Tổng thống cũng có quyền triệu tập phiên họp bất thường của bất cứ viện nào, hoặc của cả hai viện Quốc hội.

Trong vai trò là người đứng đầu ngành hành pháp, Tổng thống có nhiệm vụ ký kết các hiệp định; bổ nhiệm Đại sứ, Bộ trưởng, cố vấn, Thẩm phán Toà án Tối cao và các quan chức cao cấp khác của chính quyền liên bang.

Tổng thống cũng phải thông báo về tình hình liên bang cho hai viện Quốc hội; kiến nghị một số dự luật, đề ra các điều lệ, quy định và chỉ thị có hiệu lực giống như luật của các cơ quan Liên bang mà không cần phải thông qua Quốc hội.

Về mặt lập pháp, Tổng thống có quyền phủ quyết (veto) bất cứ đạo luật nào từ Quốc hội, trừ khi có hơn 2/3 số nghị sĩ trong mỗi viện bác bỏ phủ quyết.

Bên cạnh quyền phủ quyết dự luật, Tổng thống còn có trách nhiệm kiến nghị về một số dự luật để Quốc hội xem xét thông qua.

Kiến nghị về dự luật của Tổng thống thường được thể hiện trong Thông điệp liên bang đầu năm, trong dự thảo ngân sách và trong những kiến nghị cụ thể.

Hầu hết những kiến nghị này của Tổng thống cũng chính là đòi hỏi của ngành hành pháp đối với ngành lập pháp.

Những kiến nghị này có thể trở thành luật hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chính trị của Tổng thống và ưu thế tương đối của đảng của Tổng thống trong Quốc hội.

Về mặt tư pháp, Tổng thống có quyền bổ nhiệm các thẩm phán liên bang, kể cả các thẩm phán trong các Toà án tối cao, nhưng phải được Thượng viện chấp thuận.

Tổng thống cũng có thể bác bỏ bản án hoặc ân xá cho các phạm nhân phạm luật Liên bang.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn được coi là nhà lãnh đạo tượng trưng cho chính đảng của mình. Các chương trình, các sáng kiến mà Tổng thống đưa ra thường phản ánh quan điểm của đảng mà ông là thành viên.

Có thể nói, Tổng thống là trung tâm của nền chính trị Mỹ. Tổng thống có quyền lực rất lớn trong lĩnh vực đối ngoại và quân sự, nhưng thường không mạnh trong các quyết sách về đối nội vì còn phải tùy thuộc vào Quốc hội.

Thông thường, Tổng thống chỉ đạt được những mục tiêu về chính sách đối nội khi ông thuyết phục được Quốc hội và các chính đảng rằng lợi ích của họ trong trường hợp này là tương đồng.

Để giám sát quyền lực của Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức cao cấp khác trong chính phủ, Hiến pháp Mỹ quy định Hạ nghị viện là cơ quan có quyền luận tội những người này, còn Thượng nghị viện là cơ quan có quyền xét xử.

Trong lịch sử nước Mỹ, đã từng có hai Tổng thống bị luận tội, nhưng đều vượt qua được, đó là ông Andrew Johnson và Bill Clinton. Trong khi đó, ông Richard Nixon vì vụ bê bối Watergate đã từ chức trước khi bị luận tội.

Những nhân tố quyết định quyền lực to lớn của Tổng thống Mỹ là gì?

Tổng thống Mỹ là người duy nhất có toàn quyền về hành pháp ở nước Mỹ. Việc tập trung quyền lực vào tay một người đã cho phép Tổng thống hành động một cách tự do và có hiệu lực lớn.

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống Mỹ 2020 tại điểm bầu cử ở Washington, DC ngày 27/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiệm kỳ của Tổng thống là 4 năm, không phụ thuộc vào tỷ lệ ủng hộ trong dư luận hay sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong Quốc hội.

Điều này cho phép Tổng thống có thể đưa ra những quyết định nhất thời không hợp với lòng dân, mà không sợ bị mất chức.

Sự phân chia quyền lực tương đối trong thể chế "Tam quyền phân lập" đã cho phép Tổng thống có thể tự do hành động, mà không sợ bị cản trở quá nhiều, đặc biệt là bởi sự can thiệp của nghị viện.

Cơ chế bầu Tổng thống qua hệ thống phiếu đại cử tri đã làm cho Tổng thống luôn phải là ứng cử viên của một đảng chính trị lớn.

Vai trò tăng lên của các chính đảng cũng đồng thời làm tăng vai trò của Tổng thống. Bởi vậy Tổng thống cũng được coi là nhà lãnh đạo của đảng mình.

Điều 2 Hiến pháp Mỹ dành "quyền hành pháp và tư lệnh quân đội" cho Tổng thống đã tạo điều kiện cho Tổng thống đưa ra rất nhiều quyết định quan trọng.

Ví dụ như: Quyết định mua bang Louisiana của Tổng thống Jefferson; hàng loạt quyết định của Tổng thống Lincoln trong thời kỳ nội chiến; tuyên bố tình trạng khẩn cấp dẫn đến việc huy động quốc phòng và triển khai quân đội ra nước ngoài của Tổng thống Roosevelt; quyết định trưng thu các nhà máy luyện thép của Tổng thống Truman,… đã từng bước làm tăng dần quyền lực của Tổng thống Mỹ./.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/tong-thong-my-co-nhung-tham-quyen-gi/176158.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin