Tồn tại “sới bạc online trá hình”: Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại sao hệ thống vận hành sai trái, hoàn toàn không có phép như Rikvip lại có khả năng tồn tại lâu và thu lời “khủng” như vậy? Trong những mắt xích liên quan đến đường dây Rikvip (con người, “lỗ hổng” pháp lý, nhà mạng và thẻ cào, các cổng trung gian thanh toán…), đâu là những mắt xích then chốt, cần chịu trách nhiệm đối với sự tồn tại, thậm chí là bùng nổ của “sới bạc online trá hình”?

Cổng Rikvip. Ảnh minh họa.
Cổng Rikvip. Ảnh minh họa.)

“Phần nổi” của “tảng băng chìm”

Dù có mô hình hoạt động và vỏ bọc tinh vi nhưng rõ ràng các đường dây như Rikvip sẽ không thể hoạt động ngang nhiên nhiều năm trời và thu lời khủng đến như vậy nếu không có những bàn tay đứng sau cố tình vận hành nó không phép, trên quy mô rộng với sự cấu kết của một bộ phận cán bộ có quyền lực, chức năng, nhiệm vụ nhưng thoái hóa, biến chất…

Những quyết định khởi tố, bắt tạm giam của cơ quan điều tra đã cho thấy rõ điều này: Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc tại VTC Online; Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT CNC, được coi là cầm đầu đường dây Rikvip; ông Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50)…

Chỉ trong vài năm, một số cá nhân đã xây dựng nên một hệ thống đại lý rộng khắp cho Rikvip tại tất cả các địa phương trên cả nước, không chỉ đóng vai trò là kênh thu mua trao đổi tiền mà còn trực tiếp cho các con bạc vay tiền nạp vào game. Họ cũng tìm mọi hình thức che đậy, hợp lý hóa chứng từ một cách tinh vi, thậm chí là tẩu tán hàng triệu USD ra nước ngoài.

Nhiều cổng trung gian thanh toán do nhà đầu tư nước ngoài thao túng

Trong câu chuyện Rikvip, vai trò của nhà mạng và thẻ cào điện thoại cũng được nói đến rất nhiều, bởi giá trị thẻ cào di động chiếm tới hơn 9.200 tỷ đồng trong tổng doanh thu của đường dây này.

Trước khi có sự tham gia của thẻ cào làm phương tiện thanh toán, thị trường game online Việt Nam chỉ đạt mức 55 triệu USD. Tới năm 2012, doanh thu 250 triệu USD của toàn thị trường chủ yếu đến từ thẻ game (thẻ Zing, Vcoin, Gate…) với 68%, thẻ cào cùng một số loại thẻ khác (thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ,…) mới chỉ giữ ở mức 32%.

Trong đó, thẻ game là thẻ do các nhà phát hành game sở hữu và quản lý, ví dụ như thẻ V-Coin là của Công ty VTC, thẻ Garena của zcông ty Garena, thẻ Zing là thuộc Công ty VNG… Riêng thẻ Gate, đã có sự chuyển đổi chủ sở hữu từ FPT Online sang MeCorp (chủ sản phẩm iWin một thời)...

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn 2008-2012, khi trào lưu webgame nở rộ và số lượng nhà phát hành mới tăng mạnh thì thị trường thẻ game bắt đầu cho thấy điểm yếu: người chơi khó phân biệt được trò chơi nào của nhà phát hành nào để mua thẻ game tương thích. Đó chính là lúc các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone gia nhập thị trường thanh toán game.

Ưu điểm rõ rệt nhất của thẻ cào điện thoại là có thể thanh toán cho bất kỳ tựa game nào có mặt trên thị trường, cộng thêm những chiêu khuyến mãi khủng của nhà mạng, vì thế thẻ cào điện thoại dần trở thành kênh thanh toán mặc định của giới game thủ. Thị phần thẻ game bị co lại một cách nhanh chóng và các công ty game phải chia sẻ lợi nhuận với các nhà mạng ở mức rất cao là 15-16%, nếu như muốn được nhà mạng thanh toán cho game của mình.

Nhà mạng khẳng định họ chỉ ký hợp đồng với các cổng trung gian thanh toán (TGTT) chứ không phải với Rikvip, và những cổng TGTT được nhắc tên trong vụ này gồm có VNPT Epay, Ngân lượng, Home Direct và Giải trí số. Vậy các cổng này đóng vai trò như thế nào trong toàn bộ vụ việc?

Ngày 9/4 vừa qua, 2 lãnh đạo VNPT Epay đã bị khởi tố và bắt tạm giam với tội danh “Đánh bạc” và “Mua bán hóa đơn bất hợp pháp”. Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn VNPT lại cho biết, trên thực tế, VNPT không phải là cổ đông chi phối và không được tham gia điều hành hoạt động của VNPT Epay. 65% cổ phần doanh nghiệp này hiện đang thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư UTC – Hàn Quốc.

Tương tự, Ngân lượng - một cổng TGTT cũng được nhắc tên trong vụ Rikvip, đang có 50% cổ phần thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn MOL Global Corporation (Malaysia).

Điều này cho thấy, ở một số cổng TGTT có vốn nước ngoài chiếm áp đảo, khả năng kiểm soát hoạt động đang “có vấn đề”. Các cổng TGTT thậm chí đã bị lợi dụng vào các hoạt động phạm pháp.

Tất nhiên, đây có lẽ chỉ là thiểu số trong số 27 doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép TGTT (tính tới tháng 3/2018). Nhiều cổng TGTT vẫn đang hoạt động đúng theo giấy phép và tuân thủ nghiêm túc các quy định về việc chỉ thanh toán cho các dịch vụ có phép. Nhưng rõ ràng, qua vụ Rikvip, cần phải xem xét cẩn trọng việc quản lý đối với các cổng TGTT có vốn nước ngoài lớn.

Những “lỗ hổng” pháp lý

Từ việc thẻ cào được sử dụng để thanh toán tràn lan cho game đánh bạc trá hình cho đến sự liên quan của các cổng TGTT núp bóng trong đường dây Rikvip đều cho thấy, hành lang pháp lý đang tồn tại những “lỗ hổng” và cần nhanh chóng được hoàn thiện để tránh tình trạng quản lý lúng túng như hiện nay.

Việc quản lý thẻ cào viễn thông hiện đang được quy định tại Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ dừng lại ở việc quy định thẻ cào viễn thông là một loại hàng hóa chuyên dụng mà không nêu rõ mục đích sử dụng hợp pháp của loại thẻ này là gì, trách nhiệm của nhà mạng trong việc cung cấp thẻ cào viễn thông làm trung gian thanh toán ra sao…

Bên cạnh đó, Thông tư 24/2014/TT-BTTTT (về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng) quy định, doanh nghiệp viễn thông phải chủ động từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, các nhà mạng đều phủ nhận trách nhiệm do họ khẳng định chỉ kí hợp đồng với đơn vị trung gian thanh toán chứ không nắm được số thẻ cào đó sẽ được dùng vào mục đích gì. Thế nhưng với việc hằng tháng nhà mạng phải đối soát doanh thu nhưng lại "không hay biết" thì đối với nhiều người, lý giải trên của họ rõ ràng thiếu thuyết phục… Đây cũng là một lỗ hổng pháp lý trong phát hành và quản lý thẻ cào của nhà mạng cần nhanh chóng được "vá" lại.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước, với tư cách đơn vị đang trực tiếp cấp phép và quản lý hoạt động của các cổng TGTT, cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp cổng TGTT núp bóng, nhất là các cổng TGTT có vốn sở hữu nước ngoài… để đảm bảo những vụ việc như Rikvip không tái diễn.

Một Rikvip được triệt phá không có nghĩa là sẽ không có những Rikvip tiếp theo ra đời. Chính vì vậy, việc nhanh chóng tìm ra gốc rễ trách nhiệm của vụ việc cần được ưu tiên hàng đầu, để kịp thời bổ sung, chỉnh lý các quy định nhằm theo kịp tốc độ phát triển của thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước với các nhà mạng, cũng như giữa các doanh nghiệp nội dung số trong nước với những đối thủ nước ngoài mạnh vượt trội về tiềm lực, kinh nghiệm.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin