Toàn cảnh phòng chống dịch covid-19 các tỉnh phía Nam và những bài học kinh nghiệm bước đầu

01/09/2021 10:01

(Pháp lý) – Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt và linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng, đến thời điểm này có thể nói dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh, thành phía Nam đã cơ bản được kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng giảm. Những thành công bước đầu cho thấy các giải pháp phòng chống đại dịch đưa ra là đúng hướng, rất cần được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới…

 

181-1630457802.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vắc-xin, vắc xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”

Đã cơ bản kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng giảm

Tính đến ngày 30/8, 5 tỉnh thành phía Nam ghi nhận số mắc cao là TP HCM 215.810 ca, Bình Dương 110.258 ca, Đồng Nai 23.132 ca, Long An 21.457 ca và Tiền Giang 9.438 ca. Trong đó riêng tại TPHCM, các bệnh viện đang điều trị 40.133 bệnh nhân, trong đó có 2.449 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số ca tử vong cộng dồn đến nay ở TPHCM là 8.869 người, chiếm gần ¾ số ca tử vong cả nước và hơn ¾ số ca tử vong ở các tỉnh phía Nam.

Trước sự gia tăng của số ca mắc mới trong ngày trong những ngày gần đây, nhất là số ca mắc mới trong cộng đồng, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện các địa phương đang tăng cường tầm soát diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, vậy nên không đáng quan ngại. Trong đó điển hình là tại TP HCM (29/8), ghi nhận 4.931 ca nhiễm, trong đó có 3.593 F0 cộng đồng; (30/8), 5.889 ca, có hơn 4.000 F0 cộng đồng. So với tuần trước đó, có 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh thành còn lại cộng lại. Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%). 

Sau 7 ngày thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách, triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, chiều 29/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã có những tổng kết khả quan: Với tổng số 1.677.154 mẫu test nhanh (cho toàn bộ người dân trong vùng cam và vùng đỏ), phát hiện ra 64.299 người dương tính, chiếm tỉ lệ 3,8% số mẫu xét nghiệm. Tại các địa phương còn lại ở miền Nam, dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần. Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre… có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây. 10 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước đó là Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. 

Trong khi đó, bớt lo khi tại TPHCM mặc dù số F0 tăng cao nhưng xu hướng bệnh nhân COVID-19 tử vong đang có chiều hướng giảm. Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM (chiều 30/8): Ngày 22/8 là 340 ca, 23/8 (292 ca), 24/8 (266 ca), 25/8 (242 ca), 26/8 (287 ca), 27/8 (271 ca), 28.8 (256 ca) và 29.8 (245 ca).  Tính đến nay tổng số tử vong cộng dồn trên địa bàn TPHCM từ 1/1/2021 là 8.869 ca. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ F0 tử vong sau khi vào ICU (tầng 3) ở TPHCM hiện nay là 29%; trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc là 49%; Italy từ 25 đến 48%; Ấn Độ là 54%, Pakistan là 56%…

183-1630457842.jpg
 TP HCM  và  Bình Dương đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

PGS-TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM quả quyết, cùng với biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, việc tập trung xét nghiệm diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng, chắc chắn F0 sẽ giảm trong thời gian tới. Sau đợt này, đến đầu tháng 9, TP sẽ “vẽ” lại bản đồ chống dịch Covid-19 mới. Sau đó, “vùng đỏ” sẽ quét F0 mỗi 2 ngày 1 lần. Cũng theo ông Thượng, F0 cách ly tại nhà, cách ly tập trung ở quận, huyện với sự hỗ trợ, các giải pháp từ bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19… sẽ không lo F0 tăng dẫn đến không còn giường. Bên cạnh đó, tập trung tăng cường ô xy, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất khi cần, kéo giảm tỷ lệ tử vong.

Những bài học kinh nghiệm bước đầu

Trước mắt, đại dịch còn diễn biến phức tạp, thậm chí còn tiếp tục kéo dài, nhưng với những kết quả đạt được bước đầu như đã nêu ở trên cần được ghi nhận, tổng kết, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm để có quyết sách hiệu quả hơn trong thời gian tới. Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt và sáng tạo trong từng giai đoạn của Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, đã huy động được sức mạnh của cả cộng đồng và cả hệ thống chính trị nhập cuộc với tinh thần cao nhất…

1.Lời kêu gọi của TBT Nguyễn Phú Trọng lay động trái tim mỗi người dân: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, tối 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng”. 

Đây là lần thứ hai, Tổng Bí thư có lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta đã chạm đến trái tim của mỗi người, hiệu triệu toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, tính đến 29.8, TPHCM đã được các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành chi viện giúp đỡ 4.666 nhân sự thuộc các bệnh viện của Bộ Y tế điều động, 786 cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an, 11.177 chiến sĩ, y bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu… 
                

184-1630457867.jpg
Gần 12.000 chiến sĩ, y bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu…đã được chi viện hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch Covid-19.

2. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần cao nhất:  Với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”, những cán bộ Mặt trận, khu phố… tại TP Hồ Chí Minh đã đến tận nhà để trao những túi thuốc an sinh cho các F0 đang điều trị, cách ly tại nhà. Nhờ những túi thuốc này, các F0 đã và đang có thêm động lực để chiến thắng dịch bệnh COVID-19. TP.HCM đã và đang “thực hiện đúng phương châm, toàn dân chống dịch, toàn hệ thống chính trị làm tốt gương mẫu đi đầu, đúng tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu dân cư, mỗi tổ chức là một pháo đài”, như Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 20 tỉnh, thành phố; 209 quận, huyện, thị xã; 1.060 xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 (29/8); Thủ tướng đề nghị các địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ phòng, chống dịch, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân. 

Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc tích cực, thực sự vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được kết quả nhất định: có 6 tỉnh đang kiểm soát dịch tốt gồm Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; 13 tỉnh, thành phố đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. Đặc biệt, 4 địa bàn là TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang mặc dù chưa đạt như mong muốn do nhiều yếu tố, song đã và đang nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch. 

3. Sự điều hành linh hoạt, quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ:  Cùng với các Chỉ thị 19, 15 và 16 về giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, 20/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về phòng, chống dịch COVID-19, đồng ý thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/TTg tại 19 tỉnh thành phía Nam, nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời quyết nghị thành lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên đỉnh cao của sự điều hành linh hoạt, sáng tạo thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phòng chống đại dịch: Đó là ngày 6/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó áp dụng một số nội dung khác với quy định của luật. Có thể nói, đây là một Nghị quyết tổng hợp nhất từ Chính phủ về phòng chống COVID-19, đề cập nhiều vấn đề, từ công tác tổ chức, các hoạt động chuyên môn, kinh phí… đến cơ chế hoạt động, phân công trách nhiệm rất rõ ràng. Nghị quyết đã mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch. Trong đó, tiếp tục khẳng định một cách đúng đắn rằng vaccine là chìa khóa then chốt để khống chế dịch COVID-19 ở nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều cách để có nguồn vaccine tiêm cho người dân, từ ngoại giao vaccine, tìm quan hệ, mở rộng đối tượng tìm kiếm, sản xuất vaccine trong nước đến chuyển giao công nghệ…

Nghị quyết 86/CP là cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ nhất diễn ra trước đó. Lần đầu tiên Quốc hội biểu quyết giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch…

                                 

185-1630457914.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Phải làm quyết liệt, đồng chí nào thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ thì đứng sang một bên. Trong chiến dịch này, không được phép không thắng lợi”.

4. Không để dân đói trong những ngày giãn cách xã hội: Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ đến nay các địa phương khu vực phía Nam đã hỗ trợ người dân trong phòng chống đại dịch với số kinh phí chiếm 72,5% so với cả nước. Toàn bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, phù hợp với từng địa phương như người lao động bán vé số, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động... Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu không được để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội, nếu để xảy ra tình trạng này thì Bí thư tỉnh sẽ từ chức.

Tại TP HCM thời gian qua, công tác chăm lo cho người nghèo, lao động tự do, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được TPHCM thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mức độ bao phủ đã tốt hơn. Ngoài gói 26.000 tỷ áp dụng toàn quốc, trong đợt dịch thú 4 này, thành phố triển khai hai gói hỗ trợ riêng tổng giá trị gần 1.800 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành gói hỗ trợ thứ nhất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với kinh phí hơn 700 tỷ đồng và đang triển khai gói thứ hai. Đến nay, TP đã hỗ trợ cho gần 68.000 lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương (đạt 97,9%) với kinh phí hỗ trợ 142 tỷ đồng; hỗ trợ cho gần 1 triệu lao động tự do bị mất việc làm với tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng…

Đặc biệt, TP đã sáng kiến và triển khai có hiệu quả mô hình Trung tâm An sinh xã hội ở 3 cấp thành phố, quận, huyện, xã, phường để hỗ trợ người dân khó khăn. Đến nay đã vận động được 1,8 triệu túi an sinh, kế hoạch đến 15/9 hơn 2 triệu túi. Thành phố đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân. Từ ngày 20/8, Trung tâm đã thành lập Đội SOS để hỗ trợ người dân trong trường hợp khẩn cấp, riêng đội này đã chuyển hơn 5.000 túi an sinh đến người khó khăn…

5. Tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và chăm sóc F0 tại nhà: Trong khi TPHCM tầm soát 1.677.154 mẫu test nhanh (cho toàn bộ người dân trong vùng cam và vùng đỏ), phát hiện ra 64.299 người dương tính, chiếm tỉ lệ 3,8% số mẫu xét nghiệm ổn định; thì ở Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh cho biết, TP cũng đã nhanh chóng bóc tách 1.100 ca F0 ra khỏi cộng đồng. Nhờ đó số ca mắc mới trong cộng đồng giảm nhanh, chỉ còn khoảng từ 20-40 ca mỗi ngày, phần lớn trong khu cách ly, giãn cách. Điều này cho thấy chiến lược xét nghiệm diện rộng càng nhanh càng tốt là hết sức đúng đắn. Tình hình điều trị cũng rất tốt, 2.700 ca đã xuất viện, còn 1.300 ca đang điều trị, trong đó có 36 ca ICU và khoảng 200 ca điều trị ở tầng 2. Tuy nhiên, Cần Thơ xác định không được chủ quan và sau ngày 5/9 sẽ báo cáo cấp trên về việc có tiếp tục thực hiện giãn cách hay không.

Cùng với bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, các tỉnh phía Nam, trước đó từ 16/8, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0, sau đó sẽ triển khai ở cộng đồng. Các F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng, được cung cấp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe.

186-1630457956.jpg
Cán bộ y tế quận Tân Bình (TPHCM) trao túi thuốc F0 tại nhà

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh, (29/8), TP đang theo dõi, chăm sóc, điều trị tại nhà cho hơn 52.146 F0; trong đó có 27.469  trường hợp F0 mới và 24.497 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 15.357 người. Những túi thuốc an sinh vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp các trường hợp F0 sớm khỏi bệnh, vừa động viên tinh thần, giúp người bệnh an tâm điều trị tại nhà đang được các tỉnh phía Nam vận dụng có hiệu quả. 

Đây cũng là một giải pháp để giảm áp lực cho ngành y tế, tránh quá tải để ngành y tế thành phố tập trung nguồn lực điều trị những ca bệnh nặng, giảm tối đa thiệt hại của bệnh COVID-19 cũng như các bệnh khác. Để thực hiện tốt công tác này, TP đã lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà và triển khai hàng ngàn túi thuốc an sinh để F0 chiến thắng COVID-19, cùng với đó là 413 Trạm y tế lưu động cũng nhập cuộc. 

6. Xử lý nghiêm minh các cá nhân xem thường các qui định phòng chống dịch: Thời gian qua, người dân trên cả nước, nhất là ở những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, đã cơ bản tuân thủ yêu cầu của chính quyền, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Tuy vậy cá biệt vẫn có những trường hợp vi phạm, làm dịch lây lan, gây vất vả cho lực lượng chống dịch và tốn kém ngân sách của địa phương.

Gần 50 vụ bị phát hiện và xử lý vì đã vi phạm công tác phòng chống dịch Covid-19 có liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có 12 vụ với 16 đối tượng bị xử lý hình sự từ đợt dịch bùng phát thứ 4 (từ đầu tháng 4/2021 cho đến nay). Các hành vi vi phạm chủ yếu, đó là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS do Phan Văn Hòa ở TP Phan Rang - Tháp Chàm gây ra (19/8). Trước đó người này từ vùng dịch TP HCM về nhưng không khai báo y tế, đi ăn giỗ làm lây lan Covid-19 cho 4 người. 

Cùng hành vi trên, các ngày 31/7, 21/6, 11/6, 22/7, 24/7 và 14/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), Công an huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng); Công an TX Cai Lậy (Tiền Giang); Công an phường Bình Định và xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn, Bình Định); và Công an thị xã Hoài Nhơn đã ra quyết định khởi tố các vụ án “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại địa bàn 6 địa phương này. Đặc biệt là trước đó ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng…

Ngày 11/8, TAND TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Vũ Nhật Tân (sinh năm 1983) 14 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Trước đó, khi lực lượng trực tại chốt yêu cầu khai báo y tế, Tân không chấp hành mà liên tục chửi bới, thách thức, xúc phạm, thậm chí đạp một cán bộ công an; ngày 21/6, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 02 tháng đối tượng tung tin xuyên tạc liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015; ngày 25/8, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM bắt tạm giam Nguyễn Đức Thuận cùng Dương Quốc Chính, Nguyễn Thị Kim Tuyến vì đã có hành vi Sản xuất thuốc chữa Covid-19 giả…

7. Kiên quyết “trảm” quan chức lơ là, thiếu trách nhiệm: Không chỉ người dân, thậm chí có cả cán bộ lãnh đạo vi phạm quy định phòng, chống dịch cũng bị “trảm”. Câu chuyện Giám đốc Sở Du lịch Bình Định và Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định cùng đi đánh golf (và tiếp xúc với F0) trong khi tỉnh này đã dừng hoạt động du lịch, thể thao và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng thật sự làm “sốt” dư luận. Liên quan đến vụ việc đến nay đã có 3 cán bộ bị đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật, gồm: ông Nguyễn Văn Dũng – GĐ Sở Du lịch tỉnh; ông Nguyễn Công Thành – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và bà Huỳnh Thị Kim Bình – GĐ Trung tâm XTDL tỉnh.

Đến nay các tỉnh thành phía Nam, liên quan đến lơ là, thiếu trách nhiệm để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn gây tốn kém tiền của và nhân lực, đã có 07 cán bộ bị kỷ luật và đình chỉ công tác. Trong đó, tại Bình Dương, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên bị khiển trách; ông Nguyễn Văn Đặng, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên bị điều chuyển công tác; tại An Giang, bà Trần Thị Kim Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ; ông Huỳnh Quang Diễn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ bị đình chỉ công tác; trước đó, tại Bình Định, ông Ngô Văn Tân - Bí thư Đảng ủy và ông Trương Minh Tâm - Chủ tịch UBND phường Đập Đá, (thị xã An Nhơn); và bà Phạm Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) cũng bị tạm đình chỉ công tác…

8. Tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đã áp dụng: Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 20 tỉnh, thành phố; 209 quận, huyện, thị xã; 1.060 xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, hôm 29/8.

Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, kể cả tại các nước có tiềm lực hàng đầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh; thực hiện quyết liệt các biện pháp, kiểm soát dịch bệnh để tập trung cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu, trên tin thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trước hết, trên hết. 

Từ nhận định trên, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định, các giải pháp phòng, chống dịch như hiện nay đang thực hiện là đúng hướng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nếu có những phát sinh hoặc chưa phù hợp với từng địa phương cụ thể thì kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội; vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết, vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết.

188-1630458008.jpg
Chiều 29/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 họp báo thông tin kết quả phòng chống dịch sau 7 ngày tăng cường thực hiện biện pháp giãn cách xã hội

Các ngành, địa phương, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn cần xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có lộ trình để thực hiện có kết quả theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, phù hợp với từng địa phương; ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh sớm, hiệu quả, không để kéo dài giãn cách xã hội. Nếu địa phương nào thực hiện chưa hiệu quả thì phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra các biện pháp, giải pháp, lộ trình phù hợp, triển khai nghiêm túc. “Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đến 30/8, 19 tỉnh phía Nam, đã cấp được 12.306.010 liều vắc xin, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 11.551.088 liều (đạt 89,7%). Tại TP.HCM đã triển khai tiêm chủng được 6,1 triệu  liều vắc xin cho người dân, trong đó có 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người đã tiêm mũi 2. Đồng thời, Bộ Y tế đã điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này, thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam. Tại TP.HCM đã có 6 trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong.

VŨ LÊ MINH 

Bạn đang đọc bài viết "Toàn cảnh phòng chống dịch covid-19 các tỉnh phía Nam và những bài học kinh nghiệm bước đầu" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin