Tiếp tục hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đồng thuận tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà về việc hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào chiều 15/5.

Buổi làm việc tập trung vào một số nội dung chi tiết của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Cụ thể, các khái niệm, thuật ngữ cần phải rà soát để tập trung, thống nhất để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện rõ nội hàm; Dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung quy định chung chung, cần phải có hướng dẫn chi tiết.

Về phạm vi điều chỉnh và việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật hoặc không thống nhất, đồng bộ với một số nội dung có liên quan tại các Luật đang có hiệu lực hoặc đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn, các quy định thuộc nhóm công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường (về thuế, phí, tín dụng xanh, trái phiếu xanh tại dự thảo Luật) mang tính chuyên ngành thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật khác như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Phí, lệ phí…

Bên cạnh đó, quy định trong dự thảo Luật chưa đảm bảo tính thống nhất hoặc có sự trùng lặp với Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Trong khi đây là Luật quy định tổng thể toàn bộ các vấn đề về chế tài hành chính như thời hiệu; thẩm quyền; quản lý và sử dụng tiền thu từ XPVPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… Một số nội dung quy định lại quy định của Luật XLVPHC hoặc có sự trùng lặp nhưng không có tiêu chí phân biệt đó là biện pháp quản lý nhà nước hay chế tài XPVPHC.

Như vậy, dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ rất nhiều nội dung lớn, quan trọng, có tính nguyên tắc của Luật XLVPHC. Báo cáo đánh giá tác động chính sách số 35/BC-BTNMT ngày 5/4/2020 không có nội dung đánh giá tác động đối với hầu hết các vấn đề nêu trên, chỉ có một số nội dung liên quan đến sửa đổi quy định về thời hiệu XPVPHC, các bảo đảm việc chấp hành quyết định xử phạt. Trong khi đó, Luật XPVPHC hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XPVPHC đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến không đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các vấn đề trên.

Mặt khác, các vấn đề nêu trên được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ sẽ có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân nhưng chưa được đánh giá tác động trong quá trình xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Như vậy là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường, gây nên tình trạng xung đột, chồng lấn, không thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nhiều đại biểu tham dự buổi làm việc đã bàn bạc, thảo luận để hoàn thiện một số quy định của dự thảo, đồng thời đưa ra các đề nghị, đề xuất để thống nhất, không chồng chéo với các văn bản pháp luật; thực hiện đầy đủ báo cáo thẩm định; tập trung hoàn thiện đánh giá báo cáo tác động chính sách; hoàn thiện hồ sơ và làm việc chi tiết, cụ thể với các bộ, ngành có liên quan…

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị rà soát thật kỹ lưỡng, giải thích lại khái niệm, từ ngữ trong dự thảo rõ ràng, dễ hiểu; rà soát lại mức độ cụ thể của các nội dung được quy định trong dự thảo luật; tiếp tục phối hợp, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng bị tác động để hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo và hồ sơ, tài liệu có liên quan…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Bộ TNMT là cơ quan chủ trì soạn thảo phải hoàn thiện việc đánh giá tác động của các chính sách có trong dự án Luật, đảm bảo sự phù hợp, đồng bộ, thống nhất của các chính sách được thể hiện trong dự án Luật với các quy định pháp luật có liên quan theo đúng quy trình, thủ tục soạn thảo dự án Luật; đáp ứng đầy đủ tiêu chí về đánh giá tác động chính sách của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị tập trung vào Tờ trình bổ sung trên cơ sở ý kiến kết luận của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 (tháng 4/2020), kết quả làm việc trực tiếp với các bộ, ban, ngành.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết/: https://baophapluat.vn/tu-phap/tiep-tuc-hoan-thien-quy-dinh-cua-du-thao-luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-516975.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin