Muốn xóa bỏ cơ chế xin cho: Cốt lõi phải xây dựng được hệ thống văn bản QPPL minh bạch

24/06/2016 06:36

(Pháp lý) - Xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ điện tử, chuyển phương thức điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và xây dựng… Những thông điệp gần đây của Chính phủ cho thấy một quyết tâm cải cách với mục tiêu hạn chế và xóa bỏ dần cơ chế xin cho, tạo môi trường lành mạnh để doanh nghiệp và người dân hoạt động hiệu quả.

>> Bài 1: Ở ta xin từ hạt gạo đến dự án: Lý do to hơn… mục đích

>> Bài 2: Xin tiền và xin quyền- Hậu họa không kể hết

Nhưng để thông điệp này chuyển hóa vào những hành động cụ thể trên thực tế thì còn rất nhiều việc phải làm, nhiều trở ngại thách thức.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý có cuộc trao đổi với chuyên gia pháp luật, Luật sư Trần Quốc Hùng (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội). Nói với chúng tôi, ông Hùng tỏ ra lạc quan về quyết tâm xóa bỏ cơ chế xin cho của Chính phủ. Nhưng theo ông Hùng, muốn xóa bỏ được cơ chế xin cho thì vấn đề cốt lõi nhất là Quốc hội, Chính phủ phải xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ( QPPL) rõ ràng, đầy đủ và minh bạch.

Phóng viên: “Thể chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực chưa minh bạch; chưa xóa được cơ chế xin - cho, đây là điều kiện dung dưỡng làm nảy sinh tham nhũng”. Đó là nhận định được Thanh tra chính phủ đưa ra tại Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng của Việt Nam 2015. Là một luật sư, ông đánh giá thế nào về sự tồn tại của cơ chế xin cho tại Việt Nam?

[caption id="attachment_143166" align="aligncenter" width="410"]Luật sư Trần Quốc Hùng trao đổi với Phóng viên Pháp lý Luật sư Trần Quốc Hùng trao đổi với Phóng viên Pháp lý[/caption]

Luật sư Trần Quốc Hùng: Cơ chế xin - cho là một trong những sản phẩm của thời kỳ bao cấp. Tuy nhiên, khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì chính cơ chế này lại làm sản sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Tại Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng của Việt Nam 2015, Thanh tra Chính phủ đã nhận định, chính cơ chế xin - cho là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng. Điều đó hoàn toàn có cơ sở, bởi vấn đề phổ biến nhất hiện nay là trong quá trình thực thi công vụ, nhiều nơi tự đặt ra những quy định trái pháp luật, hoặc không làm đúng quy định, gây ra những phiền nhiễu, cửa quyền, làm khó theo kiểu “hành dân”, hành doanh nghiệp. Vì vậy, không có cách nào khác, chúng ta cần phải chuyển dần từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ. Theo đó người dân và doanh nghiệp phải được phục vụ. Bộ máy hành chính sinh ra là để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức cần phải loại bỏ tư duy người dân, doanh nghiệp tìm đến mình để “xin” và mình được quyền “cho”. Có như vậy, cơ chế xin - cho sẽ không có môi trường để tồn tại.

Ông đánh giá thế nào về quyết tâm hạn chế tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho của Chính phủ?

Không phải đến thời điểm này Đảng và nhà nước ta mới quan tâm đến việc phải từng bước xóa bỏ cơ chế xin - cho. Năm 1994, Chính phủ đã chọn cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá của cải cách hành chính. Theo đó, nhiều loại giấy phép “lớn”, giấy phép “con” đã bị loại bỏ. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực cảng biển, hải quan, xuất nhập khẩu, đầu tư... đã được đơn giản hóa, góp phần tạo thuận lợi, giảm bớt phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức. Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định rằng, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là trong thu chi ngân sách, đầu tư công, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền, đặc lợi và cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra quyết tâm mà mọi người dân đều rất mong đợi, đó là “xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. Đây chính là thông điệp của người đứng đầu Chính phủ về quyết tâm hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong thời gian tới.

[caption id="attachment_143167" align="aligncenter" width="410"]Giao dịch tại bộ phận một cửa của cơ quan BHXH (ảnh minh họa) Giao dịch tại bộ phận một cửa của cơ quan BHXH (ảnh minh họa)[/caption]

Đã có nhiều cuộc cải cách mong mỏi có thể tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi khi giao tiếp với cơ quan công quyền tuy nhiên nó chưa mang lại hiệu quả như người dân mong đợi. Theo ông tại sao cơ chế xin - cho hiển nhiên tồn tại và bám rễ quá lâu?

Như chúng ta đã biết, xin - cho có liên quan đến tiền và quyền, đó là những lợi ích gắn chặt với những người đi xin và người cho. Đây là sản phẩm có từ nền kinh tế bao cấp cũ mà cụ thể là nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Trong quá trình đổi mới, chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của nền kinh tế cũ. Chính vì thế, một bộ phận lớn cán bộ công chức được nhà nước trao quyền đều không muốn xóa bỏ cơ chế này.
Chúng ta đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, trong đó việc xây dựng pháp luật luôn hướng tới hạn chế thấp nhất cơ chế xin - cho. Tuy nhiên, khi thi hành thì nhiều địa phương, nhiều Bộ ngành vẫn đặt ra nhiều hướng dẫn trái luật nên trong một khía cạnh nào đó, cơ chế xin - cho vẫn mặc nhiên tồn tại và chưa được khắc phục. Luật thì thông thoáng nhưng đến nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành lại bị bó hẹp. Nhiều khi, quy định của địa phương "to" hơn Trung ương; Thông tư "to" hơn Nghị định; Nghị định "to" hơn Luật ngành... Đơn cử Luật luật sư quy định luật sư khi tham gia bào chữa hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thì chỉ cần Thẻ luật sư và Đơn yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, Thông tư 70 của Bộ Công an quy định còn phải có thêm Giấy giới thiệu của Tổ chức hành nghề luật sư và nhiều địa phương họ còn bắt phải có cả Chứng chỉ hành nghề luật sư và Hợp đồng dịch vụ pháp lý… Vì vậy, muốn được cấp chứng nhận, lại phải “Xin” và họ có “cho” hay không là quyền của họ.

Để hạn chế và từng bước xóa bỏ được cơ chế xin cho, theo ông chúng ta cần làm gì?

Biểu hiện của tiêu cực trong nhiều trường hợp đã núp danh dưới các “thủ tục hành chính”, lợi dụng những bất hợp lý trong những quy định hiện hành để nhũng nhiễu, gây phiền hà. Để hạn chế và từng bước xóa bỏ cơ chế xin - cho, chúng ta cần phải xây dựng được cơ chế để loại bỏ được những yếu tố dẫn tới khả năng tiêu cực. Trong đó vấn đề cốt lõi nhất là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để không còn phát sinh điều kiện xin - cho. Luật ban hành ra càng cụ thể thì càng hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng luật khung và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện chính quyền điện tử, xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả các hoạt động của cán bộ, công chức... Cần đơn giản và công khai hóa thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép “con” không phù hợp. Tiếp tục rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính đang gây phiền hà, cản trở công việc làm ăn của nhân dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc tin học hóa trong các cơ quan hành chính Nhà nước, giảm tới mức tối thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người đến giao dịch với cán bộ giải quyết. Định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cần loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, nhũng nhiễu nhân dân.

[caption id="attachment_143168" align="aligncenter" width="410"]Người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ tại UBND quận Tân Bình, TP HCM (ảnh minh họa) Người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ tại UBND quận Tân Bình, TP HCM (ảnh minh họa)[/caption]

Ông có lạc quan về quyết tâm cũng như cố gắng của Chính phủ để hạn chế hay xóa bỏ cơ chế xin cho hay không?

Nhiều dấu hiệu gần đây làm tôi lạc quan về quyết tâm xóa bỏ cơ chế xin - cho của Chính phủ. Đó là việc Chính phủ đã có nghị quyết về việc xây dựng Chính phủ điện tử. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào viêc quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương. Trong việc giải quyết các thủ tục hành chính ngày càng đơn giản và công khai minh bạch. Chính điều đó đã và sẽ góp phần tích cực trong việc cải thiện việc giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục những khâu khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện thủ tục hành chính.

Gần đây, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhậm chức đã thể hiện mong mỏi của mình là xây dựng một Chính phủ liêm chính. Việc này có liên hệ mật thiết với quyết tâm hạn chế và dần dần xóa bỏ cơ chế xin - cho. Tôi tin rằng, với những hành động cụ thể và quyết liệt, Chính phủ sẽ thực hiện được mục đích xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông./.

Phan Tĩnh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Muốn xóa bỏ cơ chế xin cho: Cốt lõi phải xây dựng được hệ thống văn bản QPPL minh bạch" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin