Thực thi pháp luật có biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại qua hai vụ án xảy ra tại Hà Nội và Đồng Nai

22/06/2016 07:23

(Pháp lý) - Thực thi pháp luật không nghiêm minh, không công bằng là một biểu hiện của việc bóp méo pháp luật, coi thường pháp luật, là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn xã hội. Nhìn lại hai vụ án ở Hà Nội và Đồng Nai liên quan đến quyền sử dụng đất mà TCPL đã nhiều lần lên tiếng có thể thấy thực trạng thực thi pháp luật qua hai vụ án này có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại.

>> Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng bất công trong thực thi pháp luật…

>> Bất công trong thực thi pháp luật, những chuyện rõ như ban ngày

Động cơ nào khiến UBND quận Long Biên “kiên quyết” thực hiện bằng được kết quả bán đấu giá QSD đất thiếu minh bạch?

Dự án Minh bạch Việt Nam do UK -Aid tài trợ thông qua Quỹ Tín thác VGEMS và do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2014 đã đánh giá, cùng với những thành tựu về kinh tế, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc khai thông các dòng chảy thông tin trong vài thập kỷ qua. Internet đã thâm nhập nhanh chóng. Người dân được tiếp cận tin tức trong nước và toàn cầu nhiều hơn bất kỳ lúc nào trước đó. Mặc dù vậy, người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục cho rằng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin mình cần và những vấn đề như tham nhũng, sử dụng sai và lãng phí nguồn lực vẫn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của Việt Nam. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, các khảo sát về nhận thức của người dân và doanh nghiệp đều cho thấy tình trạng thực thi không đầy đủ các quy định về minh bạch thông tin đất đai vẫn đang tồn tại. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ Việt Nam cần tăng cường thật mạnh mẽ tính minh bạch trong giai đoạn tiếp theo tập trung vào hiện đại hóa thể chế.

[caption id="attachment_143028" align="aligncenter" width="410"]Gia đình ông Lê Phúc Thủy trong ngôi nhà xây từ năm 1992, có nguy cơ sụp đổ, trong khi bản án có hiệu lực được TANDTC tuyên nhưng chỉ “nằm trên giấy” vì UBND quận Long Biên không thực hiện Gia đình ông Lê Phúc Thủy trong ngôi nhà xây từ năm 1992, có nguy cơ sụp đổ, trong khi bản án có hiệu lực được TANDTC tuyên nhưng chỉ “nằm trên giấy” vì UBND quận Long Biên không thực hiện[/caption]

Vụ án hành chính do vợ chồng ông bà Lê Phúc Thủy, Đặng Xuân Lập khởi kiện UBND quận Long Biên vì những quyết định thu hồi đất mà gia đình họ đang sinh sống để Quận bán đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những vụ điển hình về thiếu minh bạch thông tin.

Ngày 13/1/2007, UBND quận Long Biên đã bán đấu giá nhà đất của gia đình ông Thủy cho bà Chu Thị Mây, trong khi gia đình ông Thủy đang sinh sống trên mảnh đất này mà không hề hay biết. Để có đất trả bà Mây, ngày 16/4/2009, ông Đỗ Mạnh Hải (khi đó là Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên) ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 939/QĐ-CTUBND yêu cầu gia đình ông Thủy bàn giao mặt bằng cho bà Mây. Ngày 26/6/2009, ông Hải ký Quyết định cưỡng chế số 49/QĐ-CTUBND. Vợ chồng ông Thủy khởi kiện. Ngày 22/9/2009, ông Hải ký Quyết định số 71/QĐ-CTUBND thu hồi và hủy bỏ hai Quyết định số 939 và số 49.

Tưởng rằng, chủ động thu hồi văn bản bị kiện trước khi bị Tòa xét xử là đã nhận thức được việc ban hành quyết định không đúng pháp luật nhưng hóa ra không phải. Đến ngày 18/11/2009, ông Hải lại ký Quyết định số 4433/QĐ-UBND về việc “Thu hồi 90m2 đất do gia đình ông Thủy sử dụng trái phép tại số nhà 123 Nguyễn Văn Cừ...” và nói là “để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất”, trong khi việc mua bán đất giữa bà Mây với UBND quận Long Biên đã diễn ra gần 3 năm trước đó. Tiếp theo là Quyết định phê duyệt phương án bồi thường và Quyết định cưỡng chế. Ông Thủy kiện 3 quyết định này ra tòa. Bản án số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên hủy cả ba Quyết định số 4433, Quyết định số 5298 và Quyết định số 02 trên của UBND quận Long Biên. Như vậy, UBND quận Long Biên có nghĩa vụ thi hành bản án này theo qui định của Hiến pháp và pháp luật, nghĩa là việc mua bán đấu giá trái phép, thiếu công khai, minh bạch giữa UBND quận Long Biên và bên trúng đấu giá phải bị hủy bỏ, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số 396 tại Quyết định số 1615/QĐ-UBND cấp cho bên trúng đấu giá cũng phải thu hồi; thửa đất 123 Nguyễn Văn Cừ thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Thủy, đủ điều kiện và phải được cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vụ án trên đây vẫn chưa có kết thúc không phải do có kháng nghị mà là do phía UBND quận Long Biên cố tình trì hoãn không thực hiện bản án và cố tình thực hiện bằng được việc bán đấu giá đất sai trái trước đây.

Từ năm 2015 cho đến nay, ông Lê Phúc Thủy có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo cho hay ông Thủy nhận được bản sao Giấy phép xây dựng số 213/GPXD ngày 10/3/2014 do UBND quận Long Biên cấp cho bà Chu Thị Mây xây dựng nhà 4 tầng và 1 tum tại 123-125 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Đáng nói là địa chỉ 123 Nguyễn Văn Cừ là nhà đất mà gia đình ông đang sinh sống hợp pháp, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Giấy phép xây dựng được cấp theo sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số 396 tại Quyết định số 1615/QĐ-UBND (không ghi ngày) của UBND quận Long Biên.

Trước đó, gia đình ông Thủy làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ tại UBND phường Ngọc Lâm nhưng bị từ chối. Thông báo của địa phương cho biết hồ sơ của gia đình ông không có cơ sở để giải quyết với lý do “thửa đất gia đình ông Thủy đang đề nghị cấp sổ đỏ nằm trong chỉ giới thu hồi theo Quyết định 5688 của UBND TP.Hà Nội ngày 21/12/2006 và Bản án số 114… không tuyên hủy Quyết định 5688 và UBND phường chưa nhận được văn bản nào yêu cầu tạm dừng hay hủy Quyết định 5688 nên Quyết định 5688 vẫn có hiệu lực thi hành...”. Trong khi đó, Quyết định 5688 đã được phân tích nhận định kỹ tại bản án phúc thẩm, khẳng định Quyết định này ban hành do UBND quận Long Biên cung cấp thông tin không đúng sự thật và Quyết định 5688 thu hồi đất chung bao gồm: “164,9m2 đất tại phường Ngọc Lâm do UBND phường đang quản lý ”, trong đó không có địa chỉ 123 Nguyễn Văn Cừ và đất nhà ông Thủy do ông Thủy quản lý chứ không phải phường quản lý. Quận Long Biên đã viện dẫn Quyết định 5688 này để ban hành Quyết định thu hồi đất 4433 dẫn đến hậu quả bị hủy bỏ.

Đến nay nhà ông Thủy có nguy cơ sụp đổ do xuống cấp nghiêm trọng, do không có sổ đỏ để xin giấy phép xây dựng, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã quan tâm nhưng cũng chưa có hồi kết. Nhu cầu được đối xử công bằng, minh bạch của người dân vẫn còn xa vời, dù ngay giữa Thủ đô.

Trở lại với nghiên cứu Dự án Minh bạch Việt Nam, các chuyên gia cho biết, “một số đánh giá về tham nhũng ở cấp tỉnh có tương quan ngược với mức độ minh bạch thông tin về đất đai. Sự tương quan ngược này cho thấy việc tập trung vào công khai minh bạch làm công cụ để kiểm soát tham nhũng không phải là không có cơ sở… Khi lý giải vấn đề này còn có thể gây tranh cãi, sự khác biệt này cho thấy tầm quan trọng của việc người dân tham gia tích cực hơn…”.

Nhìn ở khía cạnh kiểm soát tham nhũng, người ta không thể không đặt câu hỏi về động cơ của việc UBND quận Long Biên kiên quyết thực hiện bằng được kết quả bán đấu giá thiếu minh bạch và bất chấp quyền lợi của gia đình ông Thủy dù đã được minh định bằng bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Lo ngại thực trạng xét xử “sáng đúng, chiều sai” nhìn từ vụ 14 năm đi tìm công lý ở Đồng Nai

Nếu vụ án trên đây, gia đình ông Lê Phúc Thủy đã tìm thấy công lý, được đối xử công bằng tại phiên tòa phúc thẩm của TANDTC thì vụ án của ông Nguyễn Xuân Phong, bà Trần Thị Lan ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai lại lận đận ngay tại Tòa án.

Tháng 1/1991, ông Nguyễn Thanh Quang, cán bộ địa chính xã Vĩnh Thanh chuyển nhượng cho vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan 2 ha đất. Năm sau bà Lê Thị Mỹ lên tiếng cho rằng 2 ha này bà nhờ ông Quang mua từ năm 1989. Ông Quang cho biết, mặc dù thỏa thuận như vậy nhưng vì bà Mỹ không thanh toán đủ tiền, không quan tâm đến việc đó nữa nên ông nhượng lại cho vợ chồng ông Phong.

Bà Mỹ có đơn yêu cầu nên ngày 19/5/1992, VKSND huyện Long Thành mời các bên đến giải quyết. Ông Quang đồng ý trả cho bà Mỹ số tiền mua đất, tiền cày cấy, cây giống là 5,7 chỉ vàng 24K. Thỏa thuận được lập thành văn bản. 10 năm sau, ông Quang vẫn chưa thanh toán món nợ nên bà Mỹ quay sang kiện đòi vợ chồng ông Phong trả tiền bằng trị giá 2 ha đất, mặc dù năm 1997 vợ chồng ông Phong đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[caption id="attachment_143029" align="aligncenter" width="410"] Bà Trần Thị Lan trên vườn cao su bị tranh chấp suốt 14 năm qua Bà Trần Thị Lan trên vườn cao su bị tranh chấp suốt 14 năm qua[/caption]

Bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai buộc vợ chồng ông Phong thanh toán giá trị 2 ha đất cho bà Mỹ là 900.000.000 đồng.

Không đồng tình với phán quyết của Tòa án, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị bản án. Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng liên tục có ý kiến quan tâm đến vụ án này. Sau tròn 10 năm, đến ngày 11/10/2012, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã kháng nghị tái thẩm. Căn cứ kháng nghị tái thẩm của Chánh án TANDTC được chấp nhận trong Quyết định tái thẩm nêu rõ: “Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm… công nhận cho vợ chồng ông Phong bà Lan có quyền sử dụng đất, đồng thời buộc vợ chồng ông Phong, bà Lan phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho bà Mỹ là không đúng quy định của pháp luật vì vợ chồng bà Lan đã thanh toán tiền sử dụng đất cho ông Quang”. Quyết định tái thẩm của Tòa Dân sự TANDTC đã chấp nhận kháng nghị và hủy Bản án phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai và Bản án sơ thẩm số 58/DSST của TAND huyện Nhơn Trạch, để xét xử lại theo đúng qui định của pháp luật.

Ngày 11/7/2014, TAND huyện Nhơn Trạch đưa vụ án ra xử sơ thẩm lại theo Quyết định tái thẩm của TANDTC, đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Mỹ đối với ông Phong, bà Lan. Như vậy là bản án sơ thẩm đã thực hiện đúng tinh thần kháng nghị và quyết định tái thẩm, khắc phục sai lầm của hai bản án đã bị hủy bỏ.

Nguyên đơn kháng cáo. Ngày 14/10/2015, HĐXX phúc thẩm do Thẩm phán Phan Thị Thu Hương làm chủ tọa đã tuyên sửa bản án sơ thẩm, phán quyết như hai bản án đã bị hủy trước đây, chỉ giảm từ 900 triệu xuống còn 700 triệu đồng.

Như vậy, HĐXX đã buộc ông Phong bà Lan, trả tiền cho bà Mỹ như hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đây đã bị Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình kháng nghị tái thẩm và sau đó Quyết định tái thẩm của HĐTP TANDTC hủy bỏ. Bằng phán quyết này, HĐXX của TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ kiện trở về thời điểm trước khi Chánh án TANDTC kháng nghị tái thẩm.

Kể từ bản án sơ thẩm lần đầu đến nay, vụ tranh chấp không phức tạp này đã kéo dài 14 năm, nhiều lần Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, các Ủy ban của Quốc hội quan tâm, Chánh án TANDTC kháng nghị tái thẩm để khắc phục sai lầm của cấp dưới… nhưng với thẩm quyền của mình, HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai đã khiến vợ chồng ông Phong bà Lan tiếp tục đội đơn đi tìm lẽ công bằng. Những người quan tâm theo dõi vụ án này đều lo ngại về thực trạng xét xử sáng đúng chiều sai như thế.

Kết ngỏ…

Bảo đảm công lý trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát, phán quyết của các cơ quan nhà nước, nhằm bảo đảm vị trí, vai trò tối thượng và tính bình đẳng của pháp luật trong đời sống và bảo đảm các quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật.

Điều 106 Hiến pháp 2013 qui định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Quy định này đã trở thành nguyên tắc cơ bản được ghi nhận xuyên suốt trong các Hiến pháp của Việt Nam (Điều 136 Hiến pháp 1992 và Điều 137 Hiến pháp 1980). Đây cũng chính là nguyên tắc cho mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, trong vụ án hành chính ở quận Long Biên trên đây, bản án có hiệu lực pháp luật không được chính cơ quan quyền lực Nhà nước, là người phải thi hành án không chấp hành. Đây quả là một thách thức đối với dư luận và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ rất khó khăn cho hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật hiện nay.

Vụ án giữa bà Lê Thị Mỹ và ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan tại Đồng Nai cũng khiến dư luận bất bình và lo ngại. Chúng ta biết rằng công tác bảo vệ công lý, bảo vệ cho quyền con người, quyền công dân được thể hiện tập trung trong lĩnh vực tư pháp, xét xử và ở lĩnh vực này hiện đang tồn đọng nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội, như tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố và xét xử... Các giá trị cao cả của lẽ phải, lương tâm, lòng trắc ẩn và các giá trị tiến bộ xã hội khác vẫn là những vấn đề cần xem xét trong việc hình thành các chuẩn mực để soi rọi các bản án, quyết định của cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó là cơ chế thải loại những Thẩm phán yếu kém nghiệp vụ hay thiếu khách quan trong công tác cũng đặt ra một cách cấp bách.

Thái Bảo

Bạn đang đọc bài viết "Thực thi pháp luật có biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại qua hai vụ án xảy ra tại Hà Nội và Đồng Nai" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin