Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại đang được Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện. Một nội dung mới của Dự thảo là mở rộng địa bàn lập vi bằng của Thừa phát lại. Theo đó, Thừa phát lại được lập vi bằng ra ngoài tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Theo Bộ Tư pháp, năng lực, trình độ của Thừa phát lại ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của Thừa phát lại là phù hợp và cũng góp phần tạo điều kiện để tăng nguồn thu cho các văn phòng, đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, TP chưa thực hiện chế định Thừa phát lại.
Mặt khác, qua nghiên cứu pháp luật về công chứng cho thấy, chỉ đối với hoạt động công chứng các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản mới bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở (ngay cả với các loại giao dịch về bất động sản thì công chứng viên cũng không bị hạn chế công chứng về di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản). Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại rất đa dạng về sự kiện, hành vi trên thực tế, có những sự kiện diễn ra từ tỉnh, TP này sang tỉnh, TP khác. Việc mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, TP nơi văn phòng đặt trụ sở vì vậy là phù hợp.
Dự thảo Nghị định cũng tiếp tục duy trì việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp; tuy nhiên, Sở Tư pháp chỉ đăng ký vi bằng về mặt hình thức (căn cứ vào thời hạn gửi vi bằng để vào Sổ đăng ký) nhằm xác nhận việc Thừa phát lại có lập vi bằng trong thực tế để tránh việc “tạo lập” nguồn chứng cứ sau này. Khi đăng ký, Sở Tư pháp không xem xét phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của thừa phát lại. Nội dung của vi bằng và những vấn đề liên quan khác sẽ do Thừa phát lại chịu trách nhiệm nhằm nâng cao tính độc lập, trách nhiệm cá nhân của Thừa phát lại.
Nhiều văn phòng Thừa phát lại đã bày tỏ sự đồng tình cao với việc mở rộng địa bàn Thừa phát lại được lập vi bằng được quy định trong Dự thảo Nghị định. Theo ông Phạm Anh Dũng – Phó Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) việc mở rộng phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức được quyền lựa chọn văn phòng Thừa phát lại phục vụ cho nhu cầu của mình. Về phía các văn phòng cũng sẽ có điều kiện tồn tại, phát triển, xây dựng thương hiệu cạnh tranh lành mạnh. Chú trọng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để phục vụ khách hàng vì nếu văn phòng nào không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường dịch vụ pháp lý tự khắc sẽ bị đào thải.
Đối với việc tiếp tục duy trì đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp; nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc kỹ bởi nếu đăng ký chỉ nhằm xác nhận về mặt hình thức thì sẽ làm phát sinh thêm thủ tục không cần thiết. Mặt khác, nếu bắt buộc đăng ký thì phải quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp, của người đăng ký cũng như Thừa phát lại trong trường hợp vi bằng không được công nhận, để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của Thừa phát lại.
Theo Bộ Tư pháp, do tầm quan trọng của vi bằng trong đời sống, nên việc quy định cụ thể phạm vi, thẩm quyền, giá trị pháp lý... của vi bằng sẽ được cơ quan soạn thảo chú trọng, xem xét kỹ lưỡng.
Hà Nội hiện có 8 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động. Quá trình hoạt động, số lượng vi bằng được các tổ chức, cá nhân yêu cầu Thừa phát lại lập ngày càng tăng lên với sự đa dạng về nội dung, yêu cầu; Năm 2016, các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP đã lập được 2.308 vi bằng, doanh thu 7.245.272.000 đồng. Trong đó, nhiều trường hợp tổ chức chính quyền dùng dịch vụ lập vi bằng của Thừa phát lại để ghi nhận khách quan việc thu, giải phóng mặt bằng. Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các Hội nghị tập huấn, trao đổi hướng dẫn nghiệp vụ cho các Thừa phát lại trong việc lập và đăng ký vi bằng nhằm tránh sai sót trong quá trình thực hiện công việc của Thừa phát lại.
Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi một cách trung thực, khách quan
Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông Bùi Trọng Hào cho biết, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các quan hệ dân sự kinh tế phát triển đa dạng, phức tạp. Nhiều tranh chấp, vi phạm pháp luật đã nảy sinh do những mâu thuẫn và xung đột về lợi ích. Vì thế hoạt động Thừa phát lại đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, giúp khách hàng ghi nhận các sự kiện, hành vi một cách trung thực, khách quan, giúp họ cung cấp chứng cứ và tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nhiều việc người dân có thể sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại. Chẳng hạn khi nhà cửa, công trình xây dựng bị nứt, lún, đổ vỡ…. do người khác thi công công trình xây dựng liền kề gây ra, Thừa phát lại sẽ lập vi bằng ghi nhận hiện trạng thiệt hại để làm cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hay một người có quyền lợi trong việc thừa kế tài sản của người quá cố để lại và không muốn khối tài sản thừa kế thất thoát hoặc phát sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền thừa kế hợp pháp của mình và những người liên quan thì vi bằng kiểm kê hoặc ghi nhận hiện trạng tài sản của Thừa phát lại sẽ đáp ứng yêu cầu của họ.
Theo PL&XH