Nhất trí cao với quan điểm sử dụng các công cụ kinh tế linh hoạt thay cho công cụ hành chính cứng nhắc nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, nhưng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thận trọng khi áp dụng một số công cụ kinh tế đối với công tác bảo vệ môi trường.
Sáng 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi.
Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định về công cụ, chính sách kinh tế cho BVMT. Theo đó, đã mở rộng lĩnh vực và đối tượng chịu thuế, phí, như thuế BVMT đối với chất thải, phí BVMT đối với hoạt động khác có tác động xấu đến môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, đặt cọc và hoàn trả bao bì sản phẩm.
Ngoài ra, có quy định chi trả dịch vụ hệ sinh thái, thị trường phát thải, bổ sung bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường là loại hình bảo hiểm bắt buộc, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…
Về Quỹ BVMT, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nguyên tắc huy động, sử dụng quỹ, nội dung chi của quỹ theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, khắc phục những tồn tại, thu chi bất hợp lý của một số quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước mà Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 đã chỉ ra.
Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy việc nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng xã hội về BVMT là cần thiết; nhất trí cao với quan điểm sử dụng các công cụ kinh tế linh hoạt thay cho công cụ hành chính cứng nhắc nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác BVMT.
Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thận trọng khi áp dụng một số công cụ kinh tế như quy định về đóng góp tài chính cho xử lý chất thải khó có khả năng tái chế, chứa chất độc hại, chi trả dịch vụ hệ sinh thái và nhất là thị trường phát thải…, sẽ gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh khi đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu, rộng.
Có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn điều kiện thực tiễn trước khi ban hành chính sách quyền chuyển nhượng giấy phép phát thải để tránh tác động tiêu cực đến môi trường.
Về ưu đãi, hỗ trợ về BVMT, có ý kiến đề nghị cần phải nghiên cứu rà soát để đảm bảo tính khả thi và tương thích với quy định về ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư và nội dung chính sách được ưu đãi theo quy định tại Luật Đầu tư, nhất là cần rà soát những ưu đãi về thuế phải tương thích với pháp luật về thuế.
Bên cạnh đó, “vốn tự nhiên” là khái niệm mới, các nội dung quy định về đầu tư phát triển vốn tự nhiên còn khá tổng quát, chưa xác định rõ chủ thể thực hiện, cũng như chưa quy định điều kiện, nguyên tắc để đầu tư phát triển vốn tự nhiên. Do đó, căn cứ quy định đầu tư phát triển vốn tự nhiên “đảm bảo đạt mục tiêu tối thiểu 4% GDP” cần phải được giải trình rõ.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban KH,CN&MT đồng tình việc bổ sung quy định trong dự thảo Luật về ngân sách Nhà nước cho BVMT và quy định mục chi sự nghiệp BVMT có tính chất đầu tư; nhất trí tăng chi ngân sách nhà nước cho BVMT nhằm đáp ứng các yêu cầu về BVMT và khẳng định vai trò BVMT là một trong ba trụ cột chủ yếu của nền kinh tế, đó là Kinh tế - Xã hội - Môi trường, cần được tập trung đầu tư.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp với các cơ quan có liên quan làm rõ cơ sở đề xuất mức chi 2% tổng chi ngân sách Nhà nước cho BVMT, bổ sung đánh giá tác động của mức chi này đối với việc cân đối ngân sách Nhà nước để Quốc hội có căn cứ xem xét.
Một số kiến cho rằng, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi những quy định cụ thể liên quan đến thuế, phí BVMT là chưa phù hợp; yêu cầu bổ sung đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thuế, phí BVMT, cung cấp thông tin việc phân bổ, sử dụng số thuế, phí BVMT thu được, những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện để các vị ĐBQH có cơ sở xem xét, quyết định.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/kinh-te/them-nhieu-cong-cu-kinh-te-va-nguon-luc-cho-bao-ve-moi-truong-519387.html