Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraina đã từng gây chấn động toàn cầu. Và nguy cơ này một lần nữa có thể tái diễn sau khi hệ thống giám sát bức xạ tự động của nhà máy bị các tin tặc tấn công.
Theo Rt, ngày hôm qua 27/6, chính phủ, ngân hàng và công ty điện quốc gia, các sân bay ở thủ đô của Ukraina đang hứng chịu các cuộc tấn công mạng cực lớn. Không những thế, hệ thống giám sát bức xạ tự động của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cũng vừa bị các tin tặc tấn công. Đây là cuộc tấn công mạng thứ ba nhằm vào hệ thống này.
Các chuyên gia của Kaspersky Lab cho biết, lần tấn công này tin tặc đã sử dụng mã độc nguy hiểm chưa từng thấy trước đây, một biến thể của Petya được tạm đặt tên là NotPetya.
Theo cơ quan kiểm soát khu vực ngoại vi nhà máy Chernobyl, sau khi sự cố xảy ra hệ thống máy tính sử dụng hệ điều hành Windows tại Chernobyl đã tạm thời bị ngắt kết nối. Do đó, toàn bộ việc giám sát nồng độ bức xạ trong khu vực đều được thực hiện bằng tay.
Tuyên bố của vị đại diện nhà máy này cũng cho biết, các hệ thống máy móc vận hành nhà máy vẫn hoạt động ở chế độ bình thường. Tuy vậy, trang web chính thức của nhà máy Chernobyl hiện không thể truy cập được.
Hiện tại, cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Chernobyl, bởi đây từng là nơi diễn ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Sự cố này diễn ra vào ngày 26/4/1986 khi lò phản ứng hạt nhân số 4 tại đây phát nổ.
Tai nạn này đã khiến các nhà chức trách phải di tản toàn bộ dân cư trong một khu vực rộng lớn có bán kính 19 dặm xung quanh nhà máy. Sau đó, một công ty nhà nước đã bịt kín lò phản ứng này bằng 200 m3 bê tông, chôn vùi nguồn chất độc hại chết người đó.
Trước đó, một số công ty và các doanh nghiệp trên khắp châu Âu đồng loạt cho biết họ cũng đang phải đối mặt với một cuộc tấn công mạng. Trong số này có công ty dầu khí Rosneft của Nga, công ty quảng cáo WPP của Anh, tập đoàn công nghiệp Saint-Gobain của Pháp, công ty vận tải Maersk của Đan Mạch.
Theo Congly