(Pháp lý) - Thời gian gần đây, diễn ra những tranh chấp pháp lý quốc tế nhằm vào Trung Quốc vì cách quốc gia này cư xử trước và sau dịch covid. Hình ảnh của quốc gia này tệ đến mức nhiều người phải thốt lên "thế này thì ai còn muốn làm ăn với Trung Quốc" ? … Việc mà các nghị sĩ Mỹ đề xuất một dự luật loại bỏ quyền miễn trừ Quốc gia của Trung Quốc để công dân mình có thể kiện Trung Quốc cho thấy thế giới ngày càng phẳng về mặt pháp luật. Những trật tự pháp luật cũ có thể bị thay đổi từ yêu cầu chính đáng của thực tế thế giới. Những vụ kiện nhằm vào Trung Quốc hay những vụ kiện có yếu tố quốc tế tại Trung Quốc đều thu hút sự quan tâm của dư luận toàn thế giới. Trách nhiệm, thái độ của mỗi quốc gia sẽ được xem xét và phán xét công bằng, công lý sẽ được thực thi.
Một số bang , cá nhân và doanh nghiệp của Mỹ muốn kiện Trung Quốc…
Trong khi Bắc Kinh (Trung Quốc) luôn thanh minh mình là nạn nhân của Covid thì nhiều nước trên thế giới lại chỉ trích nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và hậu quả nặng nề nếu cố ý để vi rút Covid -19 lây lan. Washington gần đây liên tục yêu cầu Bắc Kinh mở cửa cho chuyên gia Mỹ vào Vũ Hán để điều tra.
Truyền thông và giới chức Mỹ đã tung ra hàng loạt điều tra và nghiên cứu buộc tội Trung Quốc che đậy thông tin vi rút SARS-CoV-2 và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Một số giả thuyết cũng cho rằng phòng thí nghiệm tại Vũ Hán đã nghiên cứu một loại vũ khí sinh học mới và vô tình để lọt ra môi trường tự nhiên.
Ngày 21/4, Missouri là bang đầu tiên của Mỹ kiện Trung Quốc 'vì một chiến dịch lừa dối đáng sợ' liên quan đại dịch COVID-19. Một ngày sau đó, bang Mississippi cũng hé lộ kế hoạch khởi kiện tương tự.
Trong đơn kiện, tổng trưởng lý bang Missouri, ông Eric Schmitt, cáo buộc "Chính phủ Trung Quốc đã nói dối thế giới về sự nguy hiểm và bản chất lây nhiễm của COVID-19, bịt miệng những người cảnh báo dịch bệnh và ít hành động để ngăn chặn dịch bệnh lây lan".
Ngoài Missouri và Mississippi khởi kiện với tư cách tiểu bang, còn có ít nhất 5 vụ kiện tập thể, đại diện cho các cá nhân và doanh nghiệp ở Mỹ đã bị tổn thất, thiệt hại liên quan tới đại dịch COVID-19. Đơn kiện của 5 vụ này đã được nộp tại các tòa án liên bang ở California, Florida, Nevada, Pennsylvania và Texas.
Đó là chưa kể hơn 20 dân biểu Mỹ đã cùng ký đơn kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tư pháp William Barr khởi kiện Trung Quốc ra Tòa công lý quốc tế vì những hành động của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 mà theo họ đã vi phạm Điều lệ y tế quốc tế 2005
Liên quan đến các vụ việc , tờ Washington Post dẫn quan điểm của ông John B. Bellinger III - nguyên cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2005-2009 và nguyên cố vấn pháp lý cho Hội đồng An ninh quốc gia giai đoạn 2001-2005 dưới thời tổng thống George W. Bush - cho rằng những vụ kiện này sẽ bị lờ đi vì các chính phủ nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ quốc gia (state immunity) khỏi việc kiện tụng tại các tòa án Mỹ căn cứ theo Đạo luật miễn trừ đối với quốc gia có chủ quyền (Foreign Sovereign Immunities Act - FSIA). Đạo luật phê chuẩn năm 1976 này nêu rõ các chính phủ có chủ quyền không thể bị kiện tại tòa án của các quốc gia khác.
Một điểm yếu khác khi kiện Trung Quốc đó là các vi phạm của Trung Quốc chủ yếu dừng ở cáo buộc. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã cố ý gây ra những hành động sai trái ở Mỹ, hay đại dịch COVID-19 phát sinh từ các hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Mỹ.
Tòa án Mỹ liệu có quyền tài phán với Chính phủ Trung Quốc ???
Tuy nhiên để có thể chuẩn bị tốt cho việc kiện như cách làm “thực tế” của người Mỹ, mong muốn kiện là thắng. Giới lập pháp Mỹ cũng đã soạn luật nhằm loại bỏ quyền miễn trừ quốc gia của Trung Quốc tại các tòa Mỹ. Hai thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa là Tom Cotton và Josh Hawley đã soạn luật nhằm tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia của một chính phủ nước ngoài vì bất cứ hành động nào nhằm cố tình che giấu hoặc bóp méo thông tin về sự tồn tại cũng như bản chất của virus corona.
Dự luật của ông Cotton và ông Hawley có vẻ được căn cứ theo mô hình Luật công lý chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố (JASTA) được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2016. Luật này cao hơn cả lệnh phủ quyết của tổng thống, cho phép người Mỹ được khởi kiện chống lại Saudi Arabia và các chính phủ khác vì những hành động ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Ngoài cách kiện trên, chuyên gia John B. Bellinger III cho rằng chính quyền Mỹ vẫn có thể buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm theo những cách khác. Chẳng hạn, Mỹ nên có một ủy ban lưỡng đảng được ủy thác trách nhiệm điều tra về nguyên nhân cũng như sự lây lan của virus corona chủng mới, có hay không chuyện Trung Quốc che giấu hay xuyên tạc thông tin về đại dịch.
Về mặt tố tụng, theo thông tin ban đầu thì việc khởi kiện trên chủ yếu diễn ra tại các Tòa án của các bang khác nhau tại Mỹ. Quy trình tố tụng sẽ được tiến hành theo pháp luật nước Mỹ. Chính vì lý do trên nên phát ngôn viên ngoại giao của Trung Quốc tỏ ra ngạo mạn và thách thức: Tòa án Mỹ không có quyền tài phán với Chính phủ Trung Quốc.
Sẽ khởi phát nhiều tranh chấp đầu tư…
Trong một diễn biến khác, 3 tuần qua, nhiều lãnh đạo của các nền kinh tế lớn đã công khai thảo luận các kế hoạch lôi kéo doanh nghiệp trong nước ra khỏi Trung Quốc. Cơ sở cho việc này là cú sốc cung ứng nguyên liệu hoặc hàng hóa sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để ngăn dịch COVID-19.
Xem ra, các quốc gia có thể không muốn “làm ăn” với Trung Quốc. Theo trang Politico, ngày 21/4, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu Phil Hogan cho biết khối này sẽ tìm cách "giảm sự lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc" sau khi dịch bệnh kết thúc. Theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật, quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng đã đành, việc Nhật Bản - nước đang “rã bang” quan hệ với Bắc Kinh - cũng tung gói hỗ trợ doanh nghiệp hồi hương, đã khiến chính giới Trung Quốc xôn xao. Theo đó, Nhật Bản công bố khoản tiền 2,2 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp dời dây chuyền từ Trung Quốc về nước, hoặc thậm chí Đông Nam Á cũng được, để tránh những rủi ro về sau. Mỹ thì chưa có một chương trình chính thức như Nhật, nhưng ông Larry Kudlow - giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, đề xuất chính phủ trả mọi chi phí di dời cho các doanh nghiệp Mỹ muốn rút khỏi Trung Quốc. Tôi dám nói là sẽ bồi hoàn 100% từ nhà máy, thiết bị, tài sản trí tuệ, cải tạo…
Trước dịch bệnh, thực ra đã có hiện tượng một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Âu rút bớt ra khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, còn áp lực bây giờ là đẩy nhanh quá trình này.
Cùng với xu hướng chuyển dịch nhà máy thì chuyển dịch các ngành sản xuất cũng sẽ là xu hướng mới. Các mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế chắc chắn nhận được sự hậu thuẫn lớn của các chính phủ trong việc nội địa hoá sản xuất, vì không ai muốn bị bất ngờ thêm lần nữa. Còn các lĩnh vực khác, đa phần doanh nghiệp không muốn bị cuốn vào vòng xoáy của các trào lưu chính trị.
Các động thái trên được cho rằng, sẽ là yếu tố khởi phát hàng loạt các tranh chấp về kinh doanh, đầu tư tại Trung Quốc. Các tranh chấp này dự kiến sẽ được đệ ra Tòa án (ở Trung Quốc) hoặc trọng tài (có thể ở các quốc gia khác nhau theo thỏa thuận đầu tư) để giải quyết tranh chấp. Hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển dịch của chính phủ các nước khác nhau được đánh giá là “bảo trợ pháp lý” quan trọng đối với các bên trong tranh chấp.
Công lý sẽ đến theo một cách khác…
Cách mà người Mỹ quyết tâm khởi kiện Trung Quốc bằng các hình thức khác nhau, ngay cả việc họ vừa khởi kiện vừa ban hành ra các quy định pháp luật để có thể khởi kiện và mong muốn thắng kiện cho thấy trong thời đại này, các quốc gia không chỉ có trách nhiệm với công dân của mình mà còn phải có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu.
Việc mà các nghị sĩ Mỹ đề xuất một dự luật loại bỏ quyền miễn trừ Quốc gia của Trung Quốc để công dân mình có thể kiện Trung Quốc cho thấy thế giới ngày càng phẳng về mặt pháp luật. Những trật tự pháp luật cũ có thể bị thay đổi từ yêu cầu chính đáng của thực tế thế giới.
Những vụ kiện nhằm vào Trung Quốc hay những vụ kiện có yếu tố quốc tế tại Trung Quốc đều thu hút sự quan tâm của dư luận toàn thế giới xem xét. Thời đại 4.0 với các thông tin mở, không có gì có thể che đậy. Trách nhiệm, thái độ của mỗi quốc gia sẽ được xem xét và phán xét công bằng.
Trước đây, Trung Quốc trả giá nhiều trong thương chiến Mỹ - Trung, đến nay thì trào lưu của giới đầu tư nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Đức rời bỏ Trung Quốc với sự hậu thuẫn của Chính phủ các quốc gia này, cho thấy nền kinh tế nước này sẽ phải lãnh hậu quả không nhỏ.
Có thể công dân Mỹ, các bang khác nhau của Mỹ đứng đơn kiện Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài tranh chấp với doanh nghiệp Trung Quốc… không thể thắng kiện tại Tòa án nhưng công lý vẫn có thể đạt được theo những cách khác. Bởi thế giới đã có những nhìn nhận rõ ràng về Trung Quốc. Các nước “tẩy chay” dẫn đến tổn thất kinh tế, hư hoại danh tiếng quốc gia là thứ mà Trung Quốc mất mát và đó có thể là công lý rõ ràng nhất.
Minh Minh