Tháo gỡ khó khăn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

15/01/2023 15:22

(Pháp lý) - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 được đánh giá là điểm sáng trong “bức tranh màu xám” của kinh tế khu vực cũng như thế giới, song vẫn còn một số bất cập, hạn chế ở một số thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản,... đòi hỏi Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, căn cơ hơn để khơi thông và tháo gỡ khó khăn, bất cập của những thị trường “nóng” này.

anh-1-1671690089.jpg

Vực dậy thị trường chứng khoán năm 2023 cần nhiều giải pháp

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2022 với nhiều thăng trầm, chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh lịch sử hồi đầu năm và ở mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán đạt 1.528 điểm hồi tháng 1/2022. Tuy nhiên, sau đó thị trường gặp khó và giảm mạnh với thanh khoản ở mức rất thấp, chỉ số VN-Index chạm đáy ở mức 873 điểm hồi giữa tháng 11/2022.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022, giới chuyên gia chỉ ra một số lý do chính như: do xu hướng chung về điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng; những rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gia tăng; dòng tiền vào thị trường chứng khoán sụt giảm và áp lực giải chấp lớn… Đặc biệt, do tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng sau những sai phạm trên thị trường của một số chủ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dần về cuối năm 2022, thị trường chứng khoán có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường liên tục chứng kiến những phiên tăng điểm. Vấn đề đáng lưu ý là sự đi lên của VN-Index chủ yếu nhờ sự trỗi dậy của dòng vốn ngoại. Trong tháng 11/2022, khối ngoại đã mua ròng 16.000 tỷ đồng và 2 phiên đầu tháng 12/2022 là 3.200 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng.

Trái ngược với xu hướng của khối ngoại, trong tháng 11/2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng kỉ lục với quy mô chưa từng có trong lịch sử, lên tới gần 19.000 tỷ đồng. Đặc biệt, điều này lại diễn ra trong bối cảnh thông tin tích cực được đẩy ra thị trường rất nhiều, bao gồm cả kết quả đạt được và triển vọng của kinh tế đất nước. Thực tế đó cho thấy tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư chưa thể vực dậy tâm lý sau hàng loạt cú sốc từ sai phạm trên thị trường

Mặc dù vậy, với những tín hiệu tích cực từ thị trường trong giai đoạn cuối năm 2022, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán 2023 sẽ phục hồi. Theo Báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2023 do VNDirect công bố, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau. Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường tăng phần lớn do định giá các tài sản quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi và có thể đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023.

anh2-1671690109.jpg

Năm 2023 kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi

Để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phục hồi, phát triển lành mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới các chuyên gia khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế;  đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong Chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công; đẩy nhanh hoàn thiện và thực thi thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát hợp lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường; tăng cường củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư; xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán vừa qua. Đối với nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, không nên dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông, mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp, đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy và kiên trì nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán…

Thị trường trái phiếu 2023: lấy lại niềm tin nhà đầu tư là quan trọng nhất

Trái phiếu doanh nghiệp được cho là một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp song cũng ghi nhận tình trạng tương tự chứng khoán. Sau giai đoạn bùng nổ 2020-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên trầm lắng (sau một số vụ việc tiêu cực bị phát giác) với giá trị phát hành giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành giảm 31,6% so với cùng kỳ 2021. Khối lượng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp là 161 nghìn tỷ đồng, tương đương 114% của khối lượng mua lại năm 2021.

Nguyên nhân cũng bởi thời gian qua, đã xảy ra không ít vấn đề tiêu cực khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút, thị trường trái phiếu doanh nghiệp "đóng băng" tạm thời khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức phát hành khó khăn.

Đề cập tới thực tế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã nhấn mạnh tới câu chuyện niềm tin, cho rằng niềm tin của thị trường giảm sút, ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tại cuộc họp với 39 công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngày 23/11/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nếu thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững – cầu chắc”.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngắn hạn, giải pháp trước mắt cho thị trường trái phiếu là làm sao giải tỏa áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp phát hành. Theo đó, các giải pháp như: mua lại, hay chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu…, thậm chí đối với các doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh buộc phải có kế hoạch tái cấu trúc, bán bớt tài sản…

anh3-1671690109.jpg

Thị trường trái phiếu 2023 cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Bên cạnh yếu tố tâm lý thị trường, một số ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua, xuất phát từ sự thắt chặt của chính sách. Điển hình như Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quy định về điều kiện phát hành và điều kiện với nhà đầu tư khá lỏng lẻo. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tăng trưởng nóng, giá trị phát hành tăng rất nhanh. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định 65/2022 ngày 16/9/2022 lại phanh quá gấp theo hướng siết cả đầu ra, đầu vào với trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp với 39 công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính sẽ rà soát khung pháp lý, đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán, kể cả Nghị định 65 mới ban hành về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để góp phần ổn định thị trường.

Tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt sau khi cơ quan quản lý Nhà nước đã có những quy định sửa đổi với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn. Tuy nhiên, nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Mặc dù các sai phạm bị xử lý chỉ xuất hiện ở một số trường hợp nhất định, song tính “nhạy cảm” của thông tin đã vô tình tạo tâm lý bất an, khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, năm 2023 muốn đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở lại phát triển lành mạnh, ổn định thì niềm tin nhà đầu tư phải được “vá lành”.

Pháp lý là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản

Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2022, đã phải đối diện với hàng loạt khó khăn như: những tác động tiêu cực của biến động của kinh tế và thị trường thế giới; nguồn cung giảm, giao dịch cũng trở nên trầm lắng; lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ tăng cao khiến cho thị trường đầu tư khó khăn càng thêm khó khăn, thị trường đang có sự lệch pha cung - cầu, thiếu ổn định…

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước rủi ro mất thanh khoản, buộc phải thực hiện các biện pháp chưa có tiền lệ để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp giữa Chính phủ và các doanh nghiệp bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra hồi đầu tháng 11/2022, nhận định nguyên nhân tình trạng này, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Bên cạnh khó khăn về vốn, nhiều chuyên gia cho rằng "vướng mắc pháp lý" là vướng mắc lớn nhất, thực tế pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất.

anh-4-1671690109.png

Vực dậy thị trường bất động sản 2023, cần phải tháo gỡ được các vướng mắc

pháp lý

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, vướng mắc lớn nhất của thị trường là pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt là sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 cùng các văn bản dưới luật…

Vướng mắc lớn thứ hai là thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng... đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3-5 năm), thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp,…

Cũng tại cuộc họp này, các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp cấp bách tháo gỡ thị trường bất động sản như: kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng thêm 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi;  thành lập "ban công tác đặc biệt" hoặc "tổ công tác đặc biệt" để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình; có giải pháp gỡ vướng pháp lý…

Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp. Đây là quyết định kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn đang bủa vây, khơi thông những ách tắc trong triển khai các dự án bất động sản, tạo động lực thúc đẩy thị trường hồi phục.

Tiếp đó, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng nghĩa, quy mô tín dụng ước tính có thể tăng thêm hơn 150.000 - 200.000 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hành động rất cần thiết đối với thị trường bất động sản. Song, để vực dậy thị trường không chỉ cần tiền mà còn phải giải quyết vấn đề gốc rễ là pháp lý.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng,  năm 2023, sẽ tiếp tục có thêm room tín dụng của năm mới, từ đó, thị trường sẽ có thêm những giao dịch từ nhu cầu thực, và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ. Song, ông Điệp cho rằng, dòng tiền dù rất quan trọng, nhưng chỉ giải quyết vấn đề ngay trước mắt, còn gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý. Đây sẽ là kim chỉ nam để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng tạo ra được tâm lý lạc quan trên thị trường. Nhưng cần có những giải pháp đồng bộ, tránh trường hợp manh mún, gỡ được chỗ này nhưng lại khó chỗ khác.

Thay lời kết

Năm 2023, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn và sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Song, để nền kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đặt ra sẽ còn rất nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Đặc biệt, cơ quan chức năng phải sớm hoàn thiện chính sách pháp luật, tháo gỡ những điểm nghẽn của chính sách, bít những lỗ hổng của hệ thống pháp luật, sớm hoá giải được các điểm "nóng" của nền kinh tế , đáng chú ý như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản,...để các thị trường này tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Xuân Trường
Bạn đang đọc bài viết "Tháo gỡ khó khăn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản: Cần nhiều giải pháp đồng bộ" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin