(Pháp lý) - Việc phân định thẩm quyền giữa trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài có vai trò quan trọng trong việc thụ lý, giải quyết vụ kiện, đảm bảo cho quá trình tố tụng trọng tài được diễn ra thông suốt, thuận lợi, đảm bảo phán quyết trọng tài có khả năng thi hành trên thực tế. Bài viết sau đây sẽ đi sâu phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
Cơ sở lý luận
Về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài: Nếu thẩm quyền của Tòa án do luật pháp quốc gia quy định, được nhà nước trao quyền thụ lý, xét xử, thì thẩm quyền của Hội đồng trọng tài do các bên trong vụ tranh chấp giao phó. Thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng trọng tài xuất phát từ thỏa thuận trọng tài, sự thống nhất ý chí của các bên tranh chấp căn cứ vào quy định của luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài, luật áp dụng giải quyết tranh chấp và luật nơi công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài.
Trong pháp luật quốc tế, Hội đồng trọng tài có những thẩm quyền sau: Tiến hành tố tụng trọng tài một cách hợp lý; Quyết định luật áp dụng và địa điểm giải quyết tranh chấp; Quyết định về ngôn ngữ của trọng tài; Thu thập tài liệu, chứng cứ; Yêu cầu người làm chứng; Xác nhận lời khai của người làm chứng; Kiểm tra các vấn đề của vụ tranh chấp; Chỉ định chuyên gia; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Thu xếp đảm bảo tài chính cho chi phí trọng tài;
Hội đồng trọng tài được thành lập theo quy định của Luật Trọng tài thương mại Việt Nam và Quy tắc tố tụng của VIAC cũng có thẩm quyền tương tự.
Về thẩm quyền của Trung tâm trọng tài: Thẩm quyền của Trung tâm trọng tài được quy định khác nhau. Hiện nay, thẩm quyền của Trung tâm trọng tài được chia thành hai trường phái:
Trường phái thứ nhất: Trung tâm trọng tài đóng vai trò kiểm soát đối với quá trình tố tụng trọng tài, tiêu biểu cho trường phái này là quy định về thẩm quyền của Trung tâm trọng tài của phòng thương mại quốc tế (ICC) và Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), ví dụ như:
Điều 1 khoản 2, quy tắc ICC, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2017 quy định:
“Trung tâm trọng tài không tự mình giải quyết tranh chấp. Trung tâm quản lý việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài phù hợp với quy tắc trọng tài ICC. Trung tâm trọng tài chỉ là cơ quan được ủy quyền để quản lý việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Quy tắc này, bao gồm cả việc kiểm tra và phê chuẩn phán quyết được ban hành phù hợp với quy tắc này”.
Hay các quy định trong quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) 2017, vai trò kiểm soát của Trung tâm trọng tài (Court) đối với Hội đồng trọng tài (Tribunal) được thể hiện rất rõ vai trò quan trọng của Chủ tịch trung tâm trọng tài (President) và Tổng thư ký trung tâm trọng tài (Registrar) trong quyền quyết định các vấn đề mấu chốt của thủ tục nhằm đảm bảo quá trình tố tụng được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Trường phái thứ hai: Trung tâm trọng tài chỉ đóng vai trò giới hạn ở chức năng hành chính - văn thư, Hội đồng trọng tài có quyền độc lập và chủ động trong hoạt động tố tụng. Tiêu biểu cho trường phái này là Tòa trọng tài quốc tế London (LCIA) và Hiệp hội trọng tài Mỹ (AAA).
Quy tắc trọng tài LCIA 2014 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch trung tâm (President of the LCIA Court) và những người đảm trách vai trò của Chủ tịch trung tâm trọng tài khá mờ nhạt với quyền chỉ định trọng tài trong trường hợp hạn chế, vai trò của Chủ tịch trung tâm và những người đảm trách nhiệm vụ của Chủ tịch đối với quá trình tố tụng trọng tài chỉ được quy định duy nhất tại Điều 5.10. Vai trò của Thư ký trung tâm chỉ là nhận đơn từ, thu phí, đầu mối liên lạc giữa các bên và Hội đồng trọng tài (Điều 2, 3 Quy tắc LCIA). Có thể thấy, vai trò của Trung tâm trọng tài được thể hiện qua vai trò của Chủ tịch trung tâm và Thư ký trung tâm gói gọn trong chức năng hành chính, không có quyền quyết định liên quan tới các vấn đề thủ tục của vụ kiện như Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore. Quy tắc trọng tài thương mại và thủ tục hòa giải (Commercial Arbitration Rules and Mediation Procedures) của Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ (American Arbitration Association-AAA) cũng có cách thức quy định tương tự với Quy tắc của LCIA.
Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam dường như nghiêng về trường phái thứ hai khi quy định về thẩm quyền của Trung tâm trọng tài. Điều 23 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định chức năng của Trung tâm trọng tài như sau: “Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài”. Dễ dàng nhận thấy các quy định liên quan đến thẩm quyền của Trung tâm trọng tài trong tố tụng trọng tài theo pháp luật Việt Nam khá tương đồng với quy định của Quy tắc LCIA và AAA.
Thực tiễn phân định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài
Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích việc phân định thẩm quyền giữa Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) với Hội đồng trọng tài được thành lập và hoạt động theo quy tắc tố tụng của VIAC.
Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 (sau đây viết tắt là Luật TTTM) và Quy tắc tố tụng của VIAC 2017 (sau đây viết tắt là Quy tắc VIAC) phân định khá rõ về thẩm quyền giữa Trung tâm trọng tài và Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này trên thực tế phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, gây tranh cãi.
Trước hết, ở giai đoạn thụ lý đơn khởi kiện (đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp), Trung tâm trọng tài nhận đơn khởi kiện của Nguyên đơn (Điều 5, Điều 7 Quy tắc VIAC và Điều 30, 31 Luật TTTM). Sau đó, Trung tâm sẽ gửi thông báo về việc khởi kiện cho bị đơn để bị đơn nộp bản tự bảo vệ và đơn kiện lại (nếu có). Đơn khởi kiện, bản tự bảo vệ, đơn kiện lại (nếu có) sẽ được chuyển đến cho Hội đồng trọng tài sau khi được thành lập. Điều 5 Luật TTTM quy định điều kiện tiên quyết để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Điều 49 Luật TTTM quy định: trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài (có thuộc trường hợp vô hiệu hay không), thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Như vậy, khác với tố tụng Tòa án, việc thụ lý đơn kiện trong tố tụng trọng tài bắt đầu từ khi Hội đồng trọng tài (chứ không phải Trung tâm trọng tài) xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài chứ không phải xem xét nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn. Nếu thỏa thuận trọng tài đáp ứng điều kiện về hiệu lực, khả năng thực hiện thì vụ kiện được thụ lý.
Thực tế phát sinh trường hợp, ngoài điều kiện khởi kiện là phải có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp vô hiệu hay không thực hiện được, còn có điều kiện khởi kiện được quy định tại điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng của các bên. Các bên có thể thỏa thuận, để được khởi kiện ra trọng tài giải quyết tranh chấp, các bên tranh chấp phải trải qua quá trình thương lượng, hòa giải, thời gian thương lượng hòa giải, phải có thông báo đưa ra về việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải không thành, thông báo về ý định đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài và một số điều kiện khác…Khi điều kiện khởi kiện theo Hợp đồng chưa đáp ứng, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, Trung tâm trọng tài vẫn nhận đơn, Hội đồng trọng tài vẫn thụ lý, giải quyết. Vậy, việc thụ lý vụ kiện của Hội đồng trong tài là sai sót và tố tụng trọng tài có bị chấm dứt?
Điểm đ khoản 1 Điều 9 Quy tắc VIAC và khoản 4 Điều 35 Luật TTTM quy định “trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”. Nếu tại thời điểm nộp bản tự bảo vệ bị đơn không nêu nội dung vụ kiện thuộc một trong các trường hợp không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Hoặc tại thời điểm nộp bản tự bảo vệ, bị đơn chưa phát hiện ra nguyên đơn vẫn chưa đáp ứng một trong các điều kiện khởi kiện ra trọng tài. Sau đó, bị đơn phát hiện ra vụ kiện thuộc một trong các trường hợp này, bị đơn có quyền đưa ra phản đối? Hội đồng trọng tài có phải xem xét phản đối và chấm dứt tố tụng trọng tài.
Điều 13 Luật TTTM quy định“Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án”. Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thời hạn phản đối quy định “Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết”. Luật TTTM không quy định thời hạn phản đối, Quy tắc VIAC cũng không quy định, vậy thời hạn phản đối phải là trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết. Như vậy, kể cả khi bị đơn đã tham gia tố tụng trọng tài, tham gia thành lập hội đồng trọng tài, cũng như bị đơn đã tham gia tố tụng trong một quá trình giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài. Luật không có quy định về việc bị đơn ra phản đối đối với việc nguyên đơn chưa đủ điều kiện khởi kiện, nhưng vẫn khởi kiện và hội đồng trọng tài vẫn thụ lý, cũng như thời hạn ra phản đối này. Vậy có thể áp dụng các quy định tương tự trong Luật TTMT để bị đơn đưa ra phản đối đối với việc nguyên đơn chưa có kiện và hậu quả pháp lý của việc phản đối này của bị đơn có tương tự với việc phản đối liên quan đến thỏa thuận trọng tài?
Thứ hai, thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến thủ tục. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài ban hành lệnh thủ tục (Procedural Oder) và các lệnh thủ tục bổ sung cho lệnh thủ tục ban đầu về các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng. Nội dung của lệnh thủ tục bao gồm các nội dung cơ bản về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp, địa điểm giải quyết tranh chấp, luật áp dụng giải quyết tranh chấp, thời gian biểu tiến hành tố tụng, các vấn đề liên quan đến cung cấp chứng cứ, bằng chứng chuyên gia, phí trọng tài…
Điều 1 Quy tắc VIAC quy định “Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam”. Việc áp dụng quy tắc về thủ tục là bắt buộc nếu các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài VIAC. Trong trường hợp các bên lựa chọn luật áp dụng là luật Việt Nam, mọi quyết định liên quan đến vấn đề thủ tục do Hội đồng trọng tài ban hành đều phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy, giới hạn nào để xác định các lệnh về thủ tục do hội đồng trọng tài ban hành là trong phạm vi cho phép của pháp luật Việt Nam.
Ví dụ: Hội đồng trọng tài quy định biểu thời gian để các bên phải cung cấp chứng cứ. Hết thời hạn được quy định trong biểu thời gian, các bên không được cung cấp thêm chứng cứ. Hội đồng trọng tài có quyền ra một biểu thời gian cho quá trình tố tụng, nhưng việc không chấp nhận chứng cứ bổ sung khi đã hết thời hạn là trái với quy định tại Điều 46 Luật TTTM và vượt ra khỏi quy định tại Điều 19, Điều 25 Quy tắc VIAC về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong việc thu thập chứng cứ và quyền được cung cấp chứng cứ của các bên tranh chấp.
Về địa điểm xét xử, nếu các bên thỏa thuận trung tâm VIAC là cơ quan giải quyết tranh chấp giữa các bên, thì địa điểm trọng tài, địa điểm tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp có đồng thời là địa chỉ trụ sở chính (hoặc chi nhánh, tùy trường hợp) của trung tâm trọng tài. Trên thực tế, các bên tranh chấp đã tranh cãi và cho rằng địa điểm trọng tài, địa điểm tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp không phải là địa chỉ trụ sở chính của trung tâm trọng tài. Nếu các bên không thống nhất được địa điểm tổ chức phiên họp, hội đồng trọng tài sẽ có quyền quyết định (Điều 22 Quy tắc VIAC).
Về phí trọng tài, trong trường hợp Hội đồng trọng tài ban hành lệnh thủ tục có những nội dung trái với Luật trọng tài thương mại và Quy tắc VIAC, dẫn đến làm phát sinh chi phí giải quyết tranh chấp, những chi phí phát sinh này sẽ không được coi là phí trọng tài theo quy định tại tại Điều 34 Quy tắc VIAC.
Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hội đồng trọng tài chỉ được quyền áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 49 Luật TTTM và Điều 21 Quy tắc VIAC. Bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào do hội đồng trọng tài áp dụng khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định theo Luật TTTM và Quy tắc VIAC đều là vi phạm pháp luật Việt Nam. Hội đồng trọng tài sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả do áp dụng sai biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 49 Luật TTTM).
Giám sát hoạt động tố tụng của Hội đồng trọng tài
Khác với Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam không có quyền giám sát hoạt động tố tụng của hội đồng trọng tài. Do đó, quyền giám sát hoạt động tố tụng của Hội đồng trọng tài trước hết thuộc về các bên tranh chấp. Điều 43 khoản 2 Luật TTTM quy định “Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm xem xét, quyết định”. Cơ chế giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật Việt Nam rất hạn chế, theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Hiện nay, Luật TTTM quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài tại các Điều 1, 41, 42, 43, 44, 47, 48, 49, 53, 68, 68, 70, 71; vai trò của Tòa án chỉ nằm ở giai đoạn khởi đầu và khi đã kết thúc quá trình tố tụng trọng tài. Nếu hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền hoặc có những sai phạm trong suốt quá trình tố tụng, việc ngăn chặn và khắc phục hậu quả do hành vi sai phạm của Hội đồng trọng tài là hết sức khó khăn, nan giải, phải nhờ sự can thiệp của Tòa án. Nhưng vai trò của Tòa án trong quá trình tố tụng trọng tài được luật quy định rất mờ nhạt cả Luật TTTTM lẫn Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Pháp luật Việt Nam đã phân chia thẩm quyền của trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng. Hoạt động tố tụng của hội đồng trọng tài tương đối độc lập với trung tâm trọng tài. Vai trò giám sát của Tòa án khá mờ nhạt. Do đó, hội đồng trọng tài rất dễ lạm quyền trong quá trình tố tụng.
Ths. Luật sư Nguyễn Thị Thu Trang