Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ nhập chung các vụ tham nhũng với một loạt tội phạm kinh tế, buôn lậu thì thấy tội phạm tham nhũng rất ít, trong khi theo nhận định của cử tri và cơ quan chức năng thì tội phạm này gia tăng.
Đây là đánh giá của các đại biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp (UBTP) diễn ra từ ngày 3-6/9.
Phát hiện 281 vụ phạm tội về tham nhũng
Tại phiên họp, báo cáo về tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong vòng 10 tháng (từ tháng 10/2018 đến hết tháng 7/2019), các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế. Trong đó, khởi tố 2.196 vụ án với 3.408 bị can; xử lý hành chính 11.072 vụ với số tiền trên 244 tỉ đồng. Con số này, ít hơn 11,02% so với cùng kỳ năm 2018. Các lực lượng chức năng cũng phát hiện 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, trong đó, khởi tố 274 vụ với 683 bị can, ít hơn 0,35% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Vương, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội; sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Bên cạnh đó, hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...
Cùng thời gian trên, các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể, đã xét xử sơ thẩm 240/409 vụ thụ lý với 517 bị cáo, tăng 83 vụ với 119 bị cáo so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội Đưa hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, Tổ chức đánh bạc... xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương…
Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.
Vụ án đưa và nhận hối lộ 3 triệu USD được nhắc đến
Theo ý kiến của Nhóm nghiên cứu của UBTP Quốc hội về một số vấn đề báo cáo nêu trên, tội phạm tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan, nhân viên nhà nước và tham nhũng trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong nhân dân, công luận. Điển hình là vụ một số cán bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận hối lộ. Hay vụ 5 cán bộ của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang cũng với hành vi này…Tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ.
Việc phát hiện các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý như vụ Trịnh Sướng làm giả 6 triệu lít xăng giả diễn ra từ năm 2017 tại nhiều tỉnh thành nhưng đến năm 2019 mới bị phát hiện. Việc sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bán hàng đa cấp trái pháp luật... vẫn diễn ra tràn lan nhưng số vụ việc bị phát hiện và xử lý chưa nhiều.
Đối với các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ĐB Trương Trọng Nghĩa - TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Qua báo cáo công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ trong hàng loạt các loại tội phạm kinh tế, buôn lậu thì thấy tội phạm tham nhũng rất ít, trong khi tình hình chung theo nhận định của nhiều cơ quan chức năng và cử tri thì tội phạm tham nhũng còn nhiều và gia tăng.
Điều đáng nói, trong nhiều vụ án đã xét xử, có những vụ rất lớn, hành vi phạm tội nguy hiểm nhưng lại không thấy có tội danh về tham nhũng. Hiện nay mới chỉ có vụ án mà nhân dân đang chờ đợi là vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) có khởi tố về tội “Nhận hối lộ”, còn nhiều vụ nằm trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo nhưng không thấy hành vi tham nhũng. Ngay cả vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỷ liên quan tới hai vị tướng ngành Công an cũng không thấy yếu tố tham nhũng nổi lên. Điều đó có phải là thực tế hay không, hay là không điều tra ra được vì khó quá? ông Nghĩa nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên UBTP cũng cho rằng, như vụ án AVG đúng là chấn động dư luận, bị can thừa nhận nhận hối lộ tới 3 triệu USD thì xưa nay chưa từng có. Tình trạng tham nhũng tiềm ẩn và rất khó phát hiện. Qua đây cho thấy, trong điều tra tội phạm, CQĐT đã “phá” được những vụ án tham nhũng, đánh bạc lớn. Vụ AVG là kết quả quá trình đấu tranh bằng nhiều kỹ năng, thu thập chứng cứ tốt… của CQĐT.
Một số ĐB đề nghị Chính phủ cần có giải pháp liên quan tới “tham nhũng vặt” vì đây là vấn đề cử tri, người dân phản ánh rất nhiều, tình trạng ngày càng gia tăng. Không có phong bì, phong bao thì cán bộ không chịu làm khi thực thi công vụ. Vì vậy, cần phải có giải pháp để xử lý tình trạng này.
ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, Ủy viên Thường trực UBTP cũng cho hay, Tòa án đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, quán triệt yêu cầu xử lý theo hướng rõ đến đâu xử lý đến đó, chia thành các giai đoạn để xử lý dứt điểm. Trong kỳ báo cáo, Tòa án đã xét xử 240 vụ án, 517 bị cáo về tội phạm tham nhũng (tăng 83 vụ, 119 bị cáo), áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, chú trọng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, biện pháp tư pháp để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản… Việc cho các bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/tham-nhung-xay-ra-nhieu-vi-sao-xu-ly-van-con-it-311632.html