Tập trung giám sát 5 nội dung trọng điểm trong lĩnh vực công

23/09/2021 08:25

Ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo một số nội dung dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

12-1632360291.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo tại UBTVQH. Ảnh: Bùi Hùng

Tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua giám sát, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm; kiến nghị hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối tượng giám sát gồm: Các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; doanh nghiệp nhà nước; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phạm vi giám sát bao gồm: Giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công (không giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân) từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Qua giám sát nhằm kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm; kiến nghị hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường việc tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.

Phạm vi giám sát được xác định trong khu vực công từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan; không giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân. Cụ thể, giám sát tập trung 5 lĩnh vực gồm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Đối với từng lĩnh vực cụ thể, dự thảo kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát.

Nhận định đây là chuyên đề giám sát quan trọng, phạm vi phức tạp và rất rộng, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đối tượng của chuyên đề giám sát này; tận dụng tối đa báo cáo kết quả của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong các lĩnh vực, từ đó có thông tin khách quan, đa chiều hơn.

Đề cập đến vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải làm rõ cả nước có bao nhiêu đất được giao và thu tiền sử dụng đất? Bao nhiêu diện tích đất được giao rồi nhưng sử dụng không đúng mục đích, địa chỉ nằm ở đâu? Hay trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, việc cơ cấu lại các công ty nông, lâm trường đã góp phần giao lại bao nhiêu đất cho địa phương, bao nhiêu đất chưa giao về cho địa phương? Số đất địa phương nhận về thì đến nay, bao nhiêu phần trăm đã có kế hoạch giao và sử dụng đất, đất để không, chưa có kế hoạch sử dụng là bao nhiêu? Đất nông nghiệp cũng cần được tập trung giám sát, tổng diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang hóa không sử dụng và chưa sử dụng là bao nhiêu?

Đối với lĩnh vực ngân sách, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đoàn giám sát nên tập trung vào các khoản chi cho lễ hội, hội nghị, khánh tiết, tiếp tân, đi công tác nước ngoài…

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tap-trung-giam-sat-5-noi-dung-trong-diem-trong-linh-vuc-cong/447346.vgp

Bạn đang đọc bài viết "Tập trung giám sát 5 nội dung trọng điểm trong lĩnh vực công" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin