Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mua bán người

Ngày 13/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo HĐND, UBND và các sở ban ngành TP Cần Thơ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc)

Tội phạm mua bán người rất khó kiểm soát

Mua bán người đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự địa phương. Từ đó, các cấp các ngành trong TP đều quan tâm và thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm mua bán người.

Đại tá Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc CA TP Cần Thơ cho biết, tội phạm mua bán người rất khó kiểm soát. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, đối tượng thường sử dụng việc môi giới hôn nhân bất hợp pháp để đưa phụ nữ ra nước ngoài sau đó thực hiện việc mua bán. Các quận Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh những địa bàn tội phạm mua bán người có nguy cơ xảy ra khá cao. Trong 5 năm qua, TP có 55 trường hợp nạn nhân bị mua bán và có nghi vấn bị mua bán.

Tương tự, ông Thái Quang Hải, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ thông tin, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016 tình hình tội phạm về mua bán người vẫn không giảm so với giai đoạn trước. Tòa án đã thụ lý 9 án hình sự sơ thẩm về tội mua bán người với 17 bị cáo. Đồng thời xét xử 04 bị cáo trong 2 án hình sự sơ thẩm về tội mua bán trẻ em.

Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc TP Cần Thơ cho biết, để góp phần phòng chống loại tội phạm trên, Sở đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân với các hình thức đa dạng, phong phú và sinh động, phát hành tời gấp về những điều cần biết về Luật phòng chống mua bán người năm 2011… giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật và hiểu biết về luật phòng chống mua bán người.

Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với hơn 50.000 cuộc cho hơn 1,7 triệu lượt người. Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý đối với các nạn nhân bị mua bán cũng được Sở thực hiện hiệu quả.

Trong thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức tư vấn về phòng ngừa mua bán người cho hơn 800 phụ nữ có ý định lấy chồng nước ngoài và tư vấn miễn phí cho hơn 1.700 trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Hội đã phối hợp với Sở Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức diễn đàn “Phụ nữ với pháp luật” và với chuyên đề về thực trạng kết hôn, ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Tích cực tiếp cận và hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng

Đại diện lãnh đạo TP Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố đã tổ chức thực hiện các quy định, chỉ đạo liên quan đến phòng chống tội phạm mua bán người. Từ công tác tuyên truyền hỗ trợ, cho đến chức năng, nhiệm vụ của các ngành các cấp đều được thực hiện có trách nhiệm.

Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các ngành các cấp có liên quan tích cực hành động phòng chống tội phạm mua bán người. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các tổ chức phi chính phủ chung tay thực hiện vì đời sống và quyền lợi của người dân

Sau khi lắng nghe báo cáo của các ban ngành trong thành phố về công tác phòng chống mua bán người, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Nguyễn Văn Pha đánh giá cao những hoạt động và những cố gắng nỗ lực của TP trong thời gian qua. Các cơ quan ban ngành thành phố có nhiều biện pháp hay, hiệu quả phòng ngừa, giáo dục để nâng cao hiểu biết của người dân, đặc biệt có nhiều cố gắng tiếp cận và hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Mặc khác, nạn nhân được hỗ trợ về sức khỏe, tâm lý, pháp lý để chống tái bị mua bán.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Một bộ phận người dân chưa có ý thức cảnh giác đối với tội phạm mua bán người.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp yêu cầu, các cơ quan trong thành phố cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá đường dây mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tiếp tục quan tâm đến công tác chăm lo, hỗ trợ cho các nạn nhân về sức khỏe, tâm lý, pháp lý để tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mua bán người.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin