Tác động của sự kiện Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam.

Ngày 12/2/2020, tại Strasbourg, Pháp, Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.

Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Hiệp định EVFTA nhận được 401 phiếu thuận, đạt tỉ lệ 63,33% (192 phiếu chống và 40 phiếu trắng). Hiệp định EVIPA được thông qua với tỉ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.

Trong tiến trình phê chuẩn 2 Hiệp định này, về thủ tục nội bộ của EU, sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực.

Còn Hiệp định EVIPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: Dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong 2 năm tới.

Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD). Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của của các nghị sỹ và các quốc gia thành viên EUvề vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU. Hai Hiệp định sẽ tạo dựng các khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào với xu thế chung về thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.

Thứ hai, việc phê chuẩn các Hiệp định cũng khẳng định chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.

Thứ ba, việc EP bỏ phiếu thuận phê chuẩn hai Hiệp định ngay đầu nhiệm kỳ mới cũng cho thấy lợi ích kinh tế to lớn mà EVFTA và EVIPA mang lại cho cả hai bên. EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035. Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của ta tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025. Do vậy, quyết định của EP đã nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Thứ tư, tuy quan điểm giữa các nghị sỹ EP còn khác biệt, song việc ủng hộ thông qua FTA chất lượng cao đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển cho thấy quyết tâm của EU tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư dựa trên luật lệ. Quyết định của EP sẽ tạo thêm niềm tin và củng cố xu thế liên kết kinh tế quốc tế và thương mại mở và tự do. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang đe dọa tăng trưởng của kinh tế thế giới, của nhiều khu vực và quốc gia.

Chúng ta tin tưởng các Hiệp định EVFTA và EVIPA sau khi hoàn tất quá trình phê chuẩn và đi vào triển khai trong năm 2020 sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam – EU, tạo những dấu mốc mới trong phát triển kinh tế – xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhận định: Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và EU, tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng của hai bên. Với mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện và do tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, EVFTA sẽ đem lại lợi ích lớn cho hai bên. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế từ Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm; trong khi Việt Nam xóa bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp chúng ta sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU để gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh và được ưu đãi thuế quan như dệt may, da giày, nông thủy sản… Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước hết sức phức tạp, Hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp chúng ta đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người dân Việt Nam cũng tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có.

Hiệp định EVFTA và EVIPA cũng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU, đi kèm với công nghệ, tri thức quản lý tiên tiến hàng đầu và những lĩnh vực mới của kinh tế số.

Bên cạnh các cam kết về kinh tế, EVFTA cũng bao quát nhiều cam kết mới về phát triển bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, quản trị rừng bền vững, các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường… Sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong thực thi các cam kết này sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy cải cách, tăng trưởng bền vững, nâng cao tiêu chuẩn lao động và đời sống của nhân dân.

Để EVFTA sớm được triển khai, các cơ quan liên quan cần hoàn thành các thủ tục cần thiết để trình Quốc hội sớm xem xét phê chuẩn hai Hiệp định. Chúng ta cũng cần tích cực thúc đẩy Nghị viện các quốc gia thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Các Bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định, tuyên truyền, phổ biến các cam kết, nắm chắc các quy định mới để có thể tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời ứng phó với những thách thức có thể phát sinh khi thực thi các hiệp định.

Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) Trần Quốc Khánh thì cho rằng có những ngành sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu sau khi EVFTA có hiệu lực, đó là những ngành được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có mức độ giảm thuế trên 3% tính theo số tuyệt đối bởi 3% trên doanh số là tỷ lệ khá lớn trên thị trường đã khá ổn định về lợi nhuận gộp như thị trường EU. Nông sản, thuỷ sản và nhiều sản phẩm gỗ là những mặt hàng có cơ hội rất lớn.

Hiệp định EVFTA giúp ta có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho đầu tư, cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới.

Xuất khẩu tăng là hiệu ứng đầu tiên, dễ nhận biết nhất nhưng cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, cả từ trong nước và từ nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực sản xuất mới là hiệu ứng được trông đợi nhất bởi nó sẽ giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn. Nhiệm vụ của ta là chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng, về nhân lực, về cơ chế .. để đón dòng đầu tư này. Nếu không làm được những việc đó thì kỳ vọng sẽ mãi chỉ là kỳ vọng mà thôi.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/nghi-vien-chau-au-ep-da-bo-phieu-phe-chuan-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-va-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-giua-eu-va-viet-nam

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin