Nhà nước cần quản lý giá dịch vụ KCB
Góp ý về khung giá dịch vụ KCB, ĐB Lê Văn Cường (Thanh Hóa) đề nghị cần quan tâm chi trả trong cấp cứu (Điều 59) để giúp giảm chi phí điều trị. Đồng thời, đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung nội dung về quản lý bệnh, quản trị BV vào đối tượng tại Điều 4, bởi hiện nay có khoảng 50.000 cán bộ y tế được đào tạo, nhưng lực lượng quản lý BV chỉ khoảng 200 người. “Đây là sự mất cân đối, nên về lâu dài, chúng ta cần đào tạo lực lượng này nhằm hạn chế sự dịch chuyển nhân lực từ khối lâm sàng lên làm chức năng và nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở KCB”- ĐB Cường lưu ý.
Đại biểu phát biểu tại Hội trường góp ý Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (Sửa đổi)
Trong khi đó, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động KCB, song cũng là vấn đề còn nhiều bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hiện nay, các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.
Do đó, dự thảo luật cần bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định việc xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Liên quan đến giá dịch vụ KCB (Điều 108), ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ KCB đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, khả thi theo tinh thần Nghị quyết 20 của BCH Trung ương, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB như: Yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, CNTT, đào tạo…
Vì vậy, ĐB Trần Thị Thanh Hương cho rằng, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ KCB đối với các cơ sở KCB công lập và quy định khung giá dịch vụ KCB đối với các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Còn giá dịch vụ KCB của cơ sở y tế tư nhân cần thực hiện theo quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất.
Sản phẩm dinh dưỡng cần được BHYT chi trả để bảo đảm quyền lợi trẻ em
Góp ý về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị quy định bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt trong điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng).
Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề xuất chi trả BHTY đối với sản phẩm dinh dưỡng
Theo đại biểu, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 34,9%, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 17,3%, thể thấp còi 27%, thể cấp tính vừa 7,5%, thể cấp tính nặng 0,9%, năm 2019 - 2021 tỉnh Điện Biên được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới lựa chọn thực hiện mô hình can thiệp dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng), với tổng số trẻ được tham gia điều trị là 360 trẻ. Kết quả, số trẻ được dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị của 2 mô hình đều đáp ứng rất tốt, tỷ lệ phục hồi hoàn toàn của trẻ ở mô hình của UNICEF là 82,7%.
Từ thực tiễn cuộc sống và kết quả điều trị của các mô hình trên, đại biểu cho rằng Nhà nước cần sớm có chính sách bảo đảm kinh phí chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị suy dinh dưỡng thể cấp tính cho trẻ.
“Trẻ không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo đều có thể bị suy dinh dưỡng. Nếu gia đình có điều kiện thì sẽ tìm cách để can thiệp ngay nhằm cải thiện thể trạng và số trẻ này sẽ không bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính. Số trẻ con nhà nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đa số sẽ bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính do không có điều kiện chăm sóc, bảo đảm dinh dưỡng”, đại biểu cho hay.
Theo đại biểu Luyến, sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt (thành phần có đủ năng lượng, dưỡng chất và vi dưỡng chất, có thể dùng thay thế hoàn toàn bữa ăn cho trẻ) như là một loại thuốc cứu cánh trong điều trị. Trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng sản phẩm này lại không được gọi là thuốc nên không được bảo hiểm y tế chi trả, trong khi gia đình khó khăn không có tiền mua. Vì thế, rất cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để bảo đảm yếu tố bền vững trong điều trị, cứu lấy sinh mạng và giúp số trẻ này được phát triển bình thường.
Đại biểu cũng cho rằng, theo Điều 65 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này (và trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện) thì việc phòng, chống suy dinh dưỡng tới đây vẫn chỉ được thực hiện bằng tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, truyền thông nâng cao nhận thức, thực hành dinh dưỡng hợp lý như những giai đoạn trước đã làm. Kết quả là hàng năm sẽ có 90% trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị hiệu quả và nếu bị mắc các bệnh khác thì sinh mạng trẻ sẽ bị đe dọa, nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ không bị suy dinh dưỡng.
Nội dung giải trình “Việc quy định bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khám bệnh, chữa bệnh” là chưa thỏa đáng. Bởi về cơ sở pháp lý, Quốc hội có đủ thẩm quyền để quy định một vài điều tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để sửa đổi một vài điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.
Đại biểu nêu rõ: “sản phẩm dinh dưỡng” là thuốc hay thực phẩm chức năng không quan trọng, quan trọng nhất là nó điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính hiệu quả, chỉ có điều chúng ta có chấp nhận cho bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm này hay không. Sản phẩm này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức giới thiệu công thức từ 2007, khuyến cáo sử dụng sản phẩm để điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính. Hiện có 53 quốc gia đã phân bổ kinh phí chi trả cho sử dụng sản phẩm này điều trị cho trẻ.
Với những phân tích như trên, đại biểu Luyến đề nghị Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quan tâm, bàn thảo thấu đáo, toàn diện vấn đề này và ban hành cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng)”, đại biểu đề xuất
Về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.
Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của mỗi người bệnh, việc điều trị thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất vi chất. Hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 năm 2018. Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết.