Sharp tố Asanzo giả mạo bằng chứng sở hữu công nghiệp: Những vấn đề pháp lý đặt ra…

(Pháp lý) - Thời gian gần đây Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Asanzo) trở thành điểm nóng của dư luận khi liên tiếp bị phanh phui dấu hiện lách thuế và giả xuất xứ hàng hóa. Trong cuộc họp báo “minh oan”, công ty này lại đưa ra bằng chứng về “công nghệ Nhật Bản” do có hợp tác về công nghệ với một công ty con của Sharp.

Đáp lại, Sharp HongKong cho rằng thông tin được công bố bởi Asanzo tại buổi họp báo ngày 17/9/2019 là giả mạo. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh của Tập đoàn này.

Asanzo – Sự kiện đã nóng lại thêm nóng…

Xung quanh việc Asanzo bị cáo buộc gian lận xuất xứ hàng hóa đã ghi nhận nhiều ý kiến trong thời gian qua. Đến nay, kết luận điều tra chính thức vẫn chưa được các cơ quan chức năng công bố. Tuy nhiên, ngày 17/9 vừa qua, Asanzo đã tổ chức họp báo với nội dung “Chúng tôi được minh oan”. Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo cho biết, hiện nay, Asanzo đã có tất cả kết luận về các cáo buộc trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng không công bố chính thức nên tập đoàn phải tổ chức họp báo để “tự cứu lấy mình”.

Cuộc họp báo với chứng cứ về “công nghệ Nhật Bản” đã làm cuộc khủng hoảng truyền thông và pháp lý của Asanzo thêm trầm trọng.
Cuộc họp báo với chứng cứ về “công nghệ Nhật Bản” đã làm cuộc khủng hoảng truyền thông và pháp lý của Asanzo thêm trầm trọng.)

Các nội dung được phía Asanzo đưa ra để “minh oan” cáo buộc gian lận xuất xứ, thương mại gồm văn bản của các đơn vị Tổng cục Hải quan, VCCI, Cục Kiểm tra sau thông quan… Tuy nhiên, việc đưa ra các chứng cứ trên chưa thuyết phục được dư luận, bởi đó đều là những văn bản công khai trước đó.

Một nội dung quan trọng mà doanh nghiệp này công bố trước công chúng đó là bằng chứng Công ty Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản bằng quan hệ hợp tác giữa Công ty Asanzo và Công ty Sharp-Roxy (Hồng Kông). Cùng với đó, Công ty Asanzo đã công bố Thư xác nhận của Công ty Sharp-Roxy về mối quan hệ hợp tác này vào ngày 12/09/2019. Trong thư nội dung thể hiện: Sharp-Roxy Hồng Kông tuyên bố và khẳng định rằng, chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan.

Phản ứng trước thông tin này, ngay ngày 19/09/2019, Công ty TNHH điện tử Sharp Việt Nam (Công ty Sharp Việt Nam) đã có Công văn gửi các Cơ quan hữu quan để khẳng định công bố của Công ty CP tập đoàn Asanzo là giải mạo. Cũng với tuyên bố của mình, Công ty Sharp Việt Nam cũng phân tích lý do giả mạo của chứng cứ mà Công ty Asanzo đã công bố và đưa ra quan điểm của mình trong việc bảo vệ thương hiệu Sharp của Công ty. Đại diện Sharp cũng cho biết sẽ tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp trên toàn cầu.

Nhiều vấn đề pháp lý đặt ra

Trao đổi với phóng viên Pháp lý, Luật sư Lê Trung – Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á cho rằng: Đối với vụ việc trên, cần phân tích và làm rõ vấn đề “có hành vi gian dối hay không”?!

Với những phân tích rất rõ ràng trong Công văn gửi các Cơ quan hữu quan của Công ty Sharp Việt Nam thì gần như chắc chắn khẳng định Công ty Sharp-Roxy, là sản phẩm của sự hợp tác giữa Tập đoàn Sharp và Công ty Roxy, đã chấm dứt hoạt động từ 31/10/2016. Đặt giả thiết, trong thời gian gian từ 31/10/2016, có thể có một công ty khác mang tên là Công ty Sharp-Roxy mới được thành lập mà không liên quan gì với Công ty Sharp-Roxy trước đây hay không? Có thể Công ty Sharp-Roxy mới được thành lập đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty Asanzo và đã có Thư xác nhận mà Công ty Asanzo dùng để công bố khiến cho tất cả mọi người cũng như Công ty Sharp Việt Nam hiểu nhầm là Công ty Sharp-Roxy trước đây đã chấm dứt hoạt động lại có thư xác nhận. Theo Luật sư Lê Trung, có thể có hai tình huống xảy ra:

Tình huống thứ nhất: Sau ngày 31/10/2016 có Công ty Sharp-Roxy mới được thành lập, Công ty này đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty Asanzo. Khi đó, thư xác nhận của Công ty Sharp-Roxy mới này không phải là giả mạo. Giữa Công ty Asanzo và Công ty Sharp-Roxy mới có thể ký hợp đồng liên doanh để sản xuất những mặt hàng của hai bên theo thỏa thuận và phù hợp với pháp luật. Như vậy, khó có thể cáo buộc Asanzo giả mạo.

Tình huống thứ hai: Sau ngày 31/10/2016 không có Công ty Sharp-Roxy mới nào được thành lập. Khi đó, Công ty Asanzo trưng ra thư xác nhận là không có cơ sở bởi Công ty Sharp-Roxy đã chấm dứt hoạt động nên không thể có Thư xác nhận hợp pháp, hay nói cách khác Thư xác nhận là giả mạo. Khi đó, trách nhiệm pháp lý mà Công ty Asanzo trở nên vô cùng nặng nề.

Về mặt hình sự, Công ty Asanzo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 về “tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Cùng với đó là các chế tài kèm theo như: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động tạm thời; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định… được quy định trong Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Công ty Asanzo, thì trách nhiệm hình sự của cá nhân cũng được xem xét do có liên quan đến việc gian dối trong hoạt động kinh doanh của Công ty. Cá nhân có thể phạm tội lừa đảo hay những tội danh khác khi Cơ quan có thẩm quyền vào làm sáng tỏ vụ việc, chỉ ra sự vi phạm của từng cá nhân trong vụ việc này.

Về mặt dân sự: Công ty Asanzo buộc phải chấm dứt mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình. Không những vậy, Công ty Asanzo phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra cho Tập đoàn Sharp và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Công ty Asanzo không chỉ bị mất uy tín trên thị trường mà còn phải công khai xin lỗi về hành vi vi phạm của mình trên phương tiện thông tin đại chúng.

PV

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin