(Pháp lý). Thực tế thời gian qua có những hợp đồng dự án PPP được đóng dấu "mật". Điều đó không chỉ chặn đứng sự giám sát của báo chí, người dân, mà ngay cả chuyên gia cũng không đủ thông tin để phân tích, đánh giá và có những khuyến cáo cần thiết về dự án. Luật về PPP phải có nhiệm vụ qui định rõ về giải pháp giám sát dự án PPP.
Dự Luật đã quy định phải công khai để các bên giám sát
Thực tế thời gian qua có những hợp đồng dự án PPP được đóng dấu "mật". Điều đó không chỉ chặn đứng sự giám sát của báo chí, người dân, mà ngay cả chuyên gia cũng không đủ thông tin để phân tích, đánh giá và có những khuyến cáo cần thiết về dự án.
Người dân bị đặt vào thế đã rồi phải miễn cưỡng sử dụng dịch vụ, với địa điểm đặt trạm, mức phí/giá, thời gian thu... hoàn toàn "bí mật". Những con số thu - chi, lỗ - lãi của nhà đầu tư khó biết thật - giả. Chỉ đến khi dự án "có vấn đề", cơ quan chức năng vào cuộc kết luận, dư luận mới tường tận những vi phạm trong thực hiện dự án.
Để lấp lỗ hổng trên, điều 10 của dự thảo luật quy định một số nội dung thông tin dự án phải công khai, minh bạch.
Cùng với đó, hai điều 84 và 85 dự thảo luật còn đưa ra cơ chế giám sát cộng đồng đối với các dự án PPP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định công khai từng đó thông tin sẽ không tạo ra cơ chế đủ mạnh để giám sát hiệu quả các dự án PPP thực tế triển khai đầy phức tạp.
Quyền giám sát của người dân chỉ đảm bảo khi toàn bộ thông tin tiêu chí mời thầu, các báo cáo thẩm định dự án, hợp đồng PPP và cả phụ lục (trừ những thông tin bí mật, tài sản trí tuệ), báo cáo hoạt động của dự án; sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng cần được quy định phải công khai.
Không thể coi việc đầu tư công (của Nhà nước) trong các dự án PPP là hoạt động kinh doanh thương mại nhằm "lót đường" cho các bên hưởng quy chế "bí mật kinh doanh" để "giấu" các thông tin về hợp đồng và dự án.
Nhà đầu tư khi ký hợp đồng với Nhà nước đã hưởng được nhiều ưu đãi, ngược lại họ cũng phải chịu đặt dưới sự giám sát chặt chẽ trong các hoạt động, các khâu làm dự án.
Dự Luật đã quy định những nội dung phải công khai trong hoạt động PPP. Nhưng người dân vẫn phải giám sát những dấu "mật" bất thường để đảm bảo tính công khai minh bạch một cách tuyệt đối. Chỉ có giám sát, phản biện mới nhận được sự đồng thuận của người dân, tránh cảnh "tiến thoái lưỡng nan" như một số chủ dự án BOT đang gánh chịu.
Phương thức giám sát cụ thể cần thế nào?
Một trong những phương thức giám sát dự án PPP mạnh nhất đó là giám sát từ nhà nước. Bằng con mắt của người am hiểu sâu, ông Hồ Đức Phước chia sẻ những góc nhìn cho thấy sự bất cập của dự luật này. Tại Điều 79 Dự thảo Luật quy định, chỉ có thanh tra chuyên ngành kế hoạch đầu tư mới được thanh tra các dự án; như vậy thì Thanh tra Chính phủ hay thanh tra cấp tỉnh không được làm. Đây là một quy định hạn chế sự giám sát từ nhà nước đối với hoạt động của dự án PPP ?!
Trong khi Dự thảo Luật quy định vấn đề chia sẻ rủi ro trong đầu tư , nhưng kiểm toán nhà nước và thanh tra các cấp không được thanh tra, kiểm toán dự án PPP thì không biết cơ sở nào để thanh quyết toán và cơ sở nào để chia sẻ rủi ro? Tại Điều 80 Dự thảo Luật quy định, KTNN chỉ kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 cũng không đúng. Bởi Điều 65 quy định KTNN chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước. Nếu như vậy thì có gì để kiểm toán?
Không phát huy tác dụng của kiểm toán. Từ thực tế này, nhiều ý kiến kiến nghị các quy định về giám sát dự án PPP cần cụ thể hơn nữa và không được bó hẹp, hạn chế cơ quan thanh tra và kiểm toán.
Bàn về phương thức giám sát từ người dân, đại biểu Phạm Phú Quốc (Phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cũng cho rằng việc xây dựng các dự án PPP sẽ "đụng chạm" đến đất đai, đời sống, công ăn việc làm… của người dân, do đó trước khi thực hiện hợp đồng dự án cần phải công khai lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị tác động và xem đó là là thành tố đưa vào hợp đồng.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM): Theo ông Dũng, dự thảo luật này cần quy định rõ thêm trách nhiệm, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm giám sát của Nhà nước đối với dự án PPP. Từ thực tế các dự án PPP đã triển khai trong thời gian qua, điển hình là các dự án giao thông BOT, đại biểu Dũng cho rằng việc giám sát của Nhà nước với các dự án này là "rất lỏng lẻo".
Minh Minh