SCIC bán 100 triệu cổ phiếu Tisco: Những câu hỏi khó

04/05/2017 10:18

“Ai là người đứng ra mua hàng trăm triệu cổ phiếu đó? Ý đồ của họ đằng sau đó là gì? Tại sao việc bán cổ phiếu diễn ra quá nhanh?”.

Bán cổ phiếu quá nhanh chóng

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa bán toàn bộ 100 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco), tương ứng tỷ lệ vốn góp 35,21%. Sau giao dịch, SCIC không còn là cổ đông lớn của Tisco.

Trước đó, ngày 17/4, theo chỉ đạo của Chính phủ, SCIC đã gửi công văn trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên Tisco diễn ra 3 ngày, quyết định rút toàn bộ 1.000 tỉ đồng vốn đầu tư tại Tisco.

100 triệu cổ phiếu này là số cổ phần Tisco phát hành riêng lẻ cho SCIC năm 2015. Sau khi phát hành, Tisco tăng vốn điều lệ lên 2.840 tỉ đồng. Mục đích tăng vốn đầu tư cho dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007.

 Các chuyên gia cho rằng việc bán 100 triệu cổ phiếu của Tisco diễn ra quá nhanh chóng và cần phải công khai.
Các chuyên gia cho rằng việc bán 100 triệu cổ phiếu của Tisco diễn ra quá nhanh chóng và cần phải công khai.)

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, GS.TSKH Bùi Văn Mưu, nguyên Giảng viên Bộ môn Luyện kim đen – Khoa KH & CN Vật liệu – ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, cá nhân ông cảm thấy buồn khi nghe thông tin trên.

Là người trong nghành và trực tiếp theo dõi nhà máy gang thép Thái Nguyên từ lúc thành lập đến khi đi vào hoạt động, ông Mưu cho rằng đây là công trình Việt Nam bỏ nhiều vốn cũng như nhiều công sức của các kỹ sư, lãnh đạo nhà nước.

Tuy nhiên sau một thời gian dài đi vào hoạt động, Tisco liên tục làm ăn thua lỗ, không hiệu quả và phải xin cầu cứu Chính phủ.

“Không biết những người khác thế nào nhưng cá nhân tôi là dân trong ngành cảm thấy rất buồn và đau xót. Anh em đóng góp vào đó rất nhiều nhưng cuối cùng hoạt động không hiệu quả, buộc phải bán. Vấn đề chính là do chúng ta quản lý yếu kém dẫn tới tình trạng thua lỗ”, ông Mưu nói.

Một vấn đề khác vị giáo sư cũng bày tỏ băn khoăn, đó là thời gian bán cổ phiếu của Tisco diễn ra quá nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã tìm được người mua toàn bộ 100 triệu cổ phiếu.

“Việc bán cổ phiếu làm nhanh quá. Thực tế với một dự án thua lỗ như Tisco thì việc bán là hợp lý nhưng nên theo tôi nên đấu thầu công khai cả trong và ngoài ngành.

Tôi chưa nghe thấy chuyện SCIC tiến hành các hoạt động đấu thầu cổ phiếu nhà máy gang thép Thái Nguyên. Trước đây làm bất cứ việc gì trong ngành họ cũng đều thông báo với tôi, thậm chí là mời đi nơi này, nơi khác. Tuy nhiên bây giờ không có gì cả”, ông Mưu buồn bã nói.

Cần công khai doanh nghiệp mua Tisco

Cùng nêu quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng việc cắt lỗ, tìm đối tác mua lại cổ phiếu của Nhà máy gang thép Thái Nguyên vào thời điểm này là hợp lý.

Tuy nhiên ông Thịnh lưu ý, cần phải xem xét, đánh giá giá trị tài sản của doanh nghiệp một cách thận trọng để bán với giá cao nhất, tránh những thiệt hại, thất thoát cho nhà nước.

“Việc rút nhanh vốn khỏi nhà máy gang thép Thái Nguyên là đòi hỏi cần thiết đối với các cơ quan quản lý và các nhà kinh tế. Tuy nhiên việc bán hàng trăm triệu cổ phiếu của Tisco trong khoảng thời gian rất ngắn thì đây là vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét một cách cẩn trọng.

Bán cổ phiếu hiện nay trên thị trường chứng khoán ở một mức độ nào đó đã có sự công khai và minh bạch. Thông qua thị trường chứng khoán chúng ta có thể biết đầu ra, đầu vào, người mua và những yếu tố liên quan đến cổ phiếu này. Về mặt giá cả cũng dựa theo những biến động lên, xuống của thị trường.

Tuy nhiên do nhà máy gang thép thái nguyên giai đoạn vừa qua đang bị thua lỗ nên các cổ phiếu của họ bị các nhà dầu tư đánh giá thấp. Cho nên nó có thể không phải là giá trị thực trên thị trường.

Vì thế chúng ta phải xem xét thời điểm bán cổ phiếu cho hợp lý chứ không phải bán ồ ạt bằng mọi giá. Cần đánh giá xem cổ phiếu của Tisco bán vào lúc này liệu có quá thấp hay không? Nếu thật sự hợp lý mới tiến hành các hợp đồng mua bán”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị Phó Giáo sư cũng đề nghị công khai doanh nghiệp đã mua các cổ phiếu của Tisco để người dân và các chuyên gia cùng biết.

“Ai là người đứng ra mua hàng trăm triệu cổ phiếu đó? Ý đồ của họ đằng sau đó là gì? Cơ quan quản lý nhà nước cần phải công khai việc này.

Nếu như doanh nghiệp mua để tiếp tục sử dụng nhà máy và đẩy những công nghệ, thiết bị lạc hậu không được sử dụng ở các quốc gia khác vào Việt Nam thì đây là việc hết sức nguy hiểm. Từ vấn đề đề sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, đến xả thải, đến cuộc sống của người dân.

Những vấn đề phải đối phó nhiều khi không chỉ dừng lại ở bài toán kinh tế mà có thể liên quan đến chính trị, xã hội. Đây là việc mà chúng ta nên thận trọng”, ông Thịnh lưu ý.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Bùi Văn Mưu cũng đề nghị phía SCIC công khai doanh nghiệp đã đứng ra mua toàn bộ 100 triệu cổ phía của Tisco trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

"Tôi nghĩ việc công khai là cần thiết. Doanh nghiệp nào đứng mũi chịu sào để mua cổ phiếu Tisco, người dân muốn biết điều đó. Nếu việc này làm công khai, minh bạch thì rõ ràng không cần phải giấu ai", ông Mưu nêu quan điểm.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "SCIC bán 100 triệu cổ phiếu Tisco: Những câu hỏi khó" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin