Ngày 20/4, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về phương án phân bổ chi tiết trên 650.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn đợt 2 mà Chính phủ trình. Danh mục dự án khiến nhiều uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội chú ý khi một huyện của Ninh Bình được “xếp” tới 8 dự án, tổng vốn hàng trăm tỷ đồng, trong đó có cả dự án tôn tạo đình chùa của một xã…
Một khoản lớn trong dự kiến phân bổ vốn đầu tư Chính phủ đề xuất là phương án xử lý đối với Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Trước đó, vào tháng 12/2016 Chính phủ đề xuất bố trí gần 4.500 tỷ đồng để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng trên nhưng Bộ Tài chính nói không khả thi.
Lần này, Chính phủ muốn giao kế hoạch vốn trung hạn 20.800 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội. Do ngân hàng này có kết quả hoạt động tương đối tốt, nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,75%, nợ quá hạn khoảng 0,35% và nợ khoanh khoảng 0,4%. Đồng thời, Ngân hàng chính sách xã hội có đóng góp tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo trong 15 năm qua và hiện được giao triển khai một số nhiệm vụ mới.
Đối với VDB, kiến nghị từ Chính phủ là giao 12.670 tỷ đồng phần ngân sách còn nợ ngân hàng này (phần cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến hết 31/12/2016). Số vốn còn lại dự kiến giao kế hoạch cho VDB là 15.015 tỷ đồng, Chính phủ kiến nghị bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung 4.000 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu biển Đông - hải đảo.
Thẩm tra phương án của Chính phủ, UB Tài chính - Ngân sách thống nhất chỉ giao vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam sau khi Chính phủ báo cáo đánh giá mô hình, các khoản nợ đọng, hiệu quả hoạt động, định hướng phát triển, kế hoạch bố trí vốn điều lệ, chi phí quản lý, cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân hàng.
Nhìn vào danh sách các dự án cụ thể được đề xuất phân bổ, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc ngạc nhiên khi chỉ riêng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình có đến 8 dự án. Điểm danh từng dự án cho thấy trong số này có cả dự án tôn tạo đình chùa của một xã, hay tu sửa đê điều, nâng cấp hai bờ kênh... với số tiền nhiều trăm tỷ.
“Huyện này có gì mà phải đầu tư nhiều như thế, trong khi Ninh Bình đã tự chủ được ngân sách còn nhiều nơi vùng sâu vùng xa còn rất khó khăn?”- ông Phúc đặt vấn đề.
Cùng quan tâm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết tiêu chí nào để đưa dự án vào danh mục. “Mỗi địa phương cần vài dự án hay căn cứ vào kết luận của các đồng chí lãnh đạo cao cấp khi đi làm việc tại các địa phương để bố trí?” - bà Hải đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ KH – ĐT Nguyễn Chí Dũng giải thích, đây không phải là những dự án mới mà là để bố trí vốn thanh toán nợ đọng thuôc trách nhiệm của ngân sách Trung ương. Vốn cho các dự án này là trả nợ.
Theo Dantri