Với Hiệp định RCEP, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây, giúp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Do vậy, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn.
Để hiểu rõ hơn về lợi ích và thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Thời báo Kinh Doanh đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương xung quanh nội dung này.
Thưa ông, Hiệp định RCEP được ký kết có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình khôi phục kinh tế hậu COVID-19 tại Việt Nam hiện nay?
Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.
Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Việc tìm kiếm và xây dựng thị trường ổn định cho các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt với các sản phẩm mà ta có thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những thách thức khó lường trong tương lai.
Bên cạnh thuận lợi, Hiệp định RCEP cũng đang đem tới những thách thức, trong đó phải kể tới lo ngại Việt Nam nhập siêu từ phần lớn các quốc gia trong RCEP, thưa ông?
Với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã có FTA với các đối tác. Thay vào đó, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác trong một Hiệp định FTA.
Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.
Đơn cử như doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác. Với Hiệp định RCEP, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực. Tương tự, trước đây nếu có tranh chấp thương mại với một đối tác lớn thì các nước ASEAN cũng khó giải quyết hơn. Nay với một cơ chế mang tính đa phương với cả 15 nước tham gia thì các quy tắc thương mại sẽ được tuân thủ triệt để hơn.
Với góc độ như vậy, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn.
Quá trình đàm phán các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định RCEP đều có sự nghiên cứu và góp ý chặt chẽ từ các các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.
Hơn nữa, nhập siêu hay không là một yếu tố cần xem xét nhưng không phải là yếu tố duy nhất khi cân nhắc lợi ích của các FTA. Đơn cử như trường hợp chúng ta có FTA song phương và khu vực với Hàn Quốc, nay thêm FTA thông qua Hiệp định RCEP. Mặc dù còn nhập siêu lớn nhưng không thể phủ nhận giá trị của các Hiệp định này trong việc giúp gắn kết hai nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều giá trị cụ thể cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Khi chúng ta gia nhập WTO thì nhập siêu cũng rất lớn nhưng từ việc chấp nhận hội nhập để tự vươn lên thì doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp không bị giảm đi mà còn tăng lên đáng kể.
Nay chúng ta đã hội nhập trong nhiều năm nên hy vọng sẽ rút ra được các kinh nghiệm cần thiết để hội nhập thành công khi tham gia Hiệp định RCEP.
Còn về vấn đề nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị thì thế nào, thưa ông? RCEP sẽ đem tới cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Thời gian qua ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã không ngừng phát triển, thể hiện qua con số đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Tuy vậy vẫn có những nhận định hai chiều về quá trình hội nhập của Việt Nam. Trong đó có ý kiến cho rằng Việt Nam còn thua kém trong hội nhập. Tuy nhiên, nên xem xét 2 mặt, một là chúng ta mong muốn hưởng lợi nhiều hơn từ các FTA, song nhiều lĩnh vực sản xuất chưa đạt được. Nhưng mặt khác rõ ràng bên ngoài họ xem Việt Nam là nước hội nhập thành công.
Về sản xuất, theo xu hướng trên thế giới, người ta ít xem xét sản xuất từ A đến Z mà coi thành công là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo báo cáo từ Tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam và Trung Quốc đang là 2 nước tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa của thế giới ở công đoạn phức tạp.
Thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt ở mức cao, tất nhiên không chỉ doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi mà còn cả doanh nghiệp FDI. Đồng thời, giai đoạn đầu nên Việt Nam chủ yếu làm công đoạn gia công trong chuỗi cung ứng, giá trị thu về chưa cao. Tuy nhiên, Bộ Công Thương kỳ vọng vị trí của Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao trong chuỗi cung ứng.
Các nền kinh tế trong RCEP có mối tương đồng và cạnh tranh rất cao. Làm sao để hàng hoá Việt Nam" có tính cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong nội khối. Đặc biệt, về phần sân nhà", Bộ Công Thương đã tính đến các chính sách phòng vệ, hàng rào thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa?
Khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.
Tuy nhiên trên thực tế, Hiệp định RCEP về cơ bản là một khuôn khổ mang tính kết nối các cam kết hiện hành của ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trong một Hiệp định FTA theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hơn. Do đó, về cơ bản Hiệp định RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, với các công cụ phòng vệ thương mại trong khuôn khổ RCEP và WTO, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước.
Việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/goc-nhin-chuyen-gia/rcep-se-khong-lam-tram-trong-hoa-nhap-sieu-cua-viet-nam-1074848.html