Rà soát, loại bỏ những quỹ tài chính ngoài ngân sách kém hiệu quả và không cần thiết

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ trên cơ sở báo cáo giám sát rà soát lại tất cả các quỹ; cương quyết loại bỏ quỹ có tên nhưng không quan trọng, kém hiệu quả và không cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Chiều 13/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018.

Chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ

Trình bày báo cáo giám sát, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành văn bản pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quỹ chậm được ban hành hoặc chậm được sửa đổi, không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng ở một số quỹ.

Theo Đoàn giám sát, giai đoạn trước khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) vào năm 2015 chưa có một khái niệm thống nhất để luật hóa về nội hàm quỹ tài chính ngoài ngân sách và không có quy định về thẩm quyền thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đến năm 2015, Luật NSNN (sửa đổi) đã quy định: “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước là Quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với NSNN, nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, việc quy định như Luật NSNN năm 2015 cũng chưa thực sự rõ ràng, chưa làm rõ được cơ quan có thẩm quyền thành lập quỹ, dẫn đến có rất nhiều cách hiểu khác nhau về quỹ tài chính ngoài ngân sách.

“Hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định tại Luật NSNN 2015 nhằm điều chỉnh các nguyên tắc chung về quỹ tài chính ngoài ngân sách”, ông Hải nêu rõ.

 

 Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giám sát
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giám sát)

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ rõ: Mặc dù nhiều quỹ thành lập với mục tiêu là huy động nguồn lực khác ngoài NSNN, nhưng kết quả cho thấy, nguồn lực tài chính của một số quỹ về cơ bản được hình thành từ nguồn NSNN cấp. Trong khi, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, từ năm ngân sách 2017, NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách . Theo đó, đối chiếu với các quỹ được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động hiện nay có rất nhiều quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN năm 2015, ngoại trừ các quỹ được NSNN cấp kinh phí để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước.

Nhiều quỹ cần được bãi bỏ, sắp xếp lại

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và khẳng định “lâu lắm mới có cuộc giám sát nêu rõ địa chỉ hạn chế, đưa ra đề xuất thẳng thắn”. Với các tài liệu gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng, đây là một cuộc giám sát có chất lượng tốt.

Điều tạo ấn tượng nhất với Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến với báo cáo kết quả giám sát có lẽ là sự thẳng thắn trong đánh giá hạn chế, tồn tại trong việc ban hành và thực thi văn bản pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Điều này có thể thấy ngay trong nhận định về khái niệm quỹ tài chính ngoài ngân sách được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 chưa thực sự rõ ràng, chưa làm rõ được cơ quan có thẩm quyền thành lập quỹ, dẫn đến có rất nhiều cách hiểu khác nhau về quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Đặc biệt, không chỉ nêu ra những hạn chế, tồn tại có vẻ nhiều hơn so với tác động tích cực của quỹ tài chính ngoài ngân sách, Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ rõ, Chính phủ cần nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với 6 quỹ: Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ Hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng, chống thiên tai. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá; Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Hay như, để có thể tập trung nguồn lực, giảm các đầu mối quản lý quỹ, hướng tới nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, Đoàn giám sát đề nghị, cần rà soát, sáp nhập các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động (cho vay) hoặc trùng lặp về đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng chuyển các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động tín dụng của các quỹ về Ngân hàng Chính sách xã hội để thống nhất quản lý, tận dụng được hệ thống, tổ chức bộ máy, biên chế hiện có của Ngân hàng Chính sách xã hội. Một số quỹ khác được đề xuất thực hiện rà soát để chuyển vào cân đối ngân sách nhà nước đối với các nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách.

Không chỉ có các quỹ “vô thưởng, vô phạt”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ ra hiện tượng “quỹ có tên song chưa hình thành”, tức là quỹ được quy định trong luật chuyên ngành, song đến nay chưa thành lập. Quỹ Phát triển du lịch được đưa ra như một ví dụ. Quỹ này được Luật Du lịch cũ quy định từ cách đây 10 năm, song không hình thành được vì không biết nguồn thu ở đâu. Quỹ Phát triển du lịch hiện đã được thành lập sau nhiều nỗ lực, song Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ, đang hoạt động khó khăn, vì nếu để Nhà nước quản lý quỹ này, doanh nghiệp sẽ ngại đóng góp. Và tình trạng tương tự cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đưa ra với Quỹ Điện ảnh hay Quỹ Thủy sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn trước đề nghị sáp nhập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo trong khi vẫn giữ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, quỹ tài chính ngoài ngân sách là một công cụ, đòn bẩy quan trọng để các tổ chức đoàn thể có thể chuyển từ hoạt động “chay” sang có nội dung. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, cần cân nhắc khi đề xuất sáp nhập quỹ của các tổ chức đoàn thể, không thể chỉ vì nhỏ bé mà sáp nhập, mà cần chú ý đến ảnh hưởng của quỹ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tán thành với đánh giá của Đoàn giám sát về Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng, vì không chỉ cần rà soát lại những khoản thu, chi trùng với nhiệm vụ thu, chi của ngân sách. Qua giám sát tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng thấy, vai trò bảo vệ rừng của quỹ này không được thể hiện rõ, mới thấy rõ chức năng chuyển khoản tiền này cho từng hộ dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, cơ chế giao khoán rừng và mức chi dịch vụ rừng nhìn chung đều thấp, không bảo đảm công bằng giữa các địa phương.

Rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch sắp xếp các quỹ

Ghi nhận những ý kiến phân tích của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, việc duy trì quá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ làm phân tán nguồn lực nhà nước. Mối quan hệ giữa quỹ tài chính ngoài ngân sách với ngân sách nhà nước được Chủ tịch Quốc hội so sánh với hiện tượng đang xảy ra ở một số địa bàn nước ta, khi dòng sông chính đang cạn dần, song các hồ lớn, hồ nhỏ xung quanh lại giữ nước.

“Dòng sông khi còn đầy chảy vào các hồ, các hồ đầy hết rồi thì sông cạn nước không còn nguồn vào nữa. Hồ là các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết đánh giá thực trạng ở các quỹ và yêu cầu Chính phủ rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch sắp xếp.

"Nghị quyết mang tính định hướng chung, những quỹ nào hoạt động không rõ mục đích, không hiệu quả hoặc không hoạt động, thu nhiều nhưng chi rất ít, để tồn kết dư quỹ rất lớn thì xem xét lại. Còn quỹ nào hoạt động hiệu quả, đúng tôn chỉ mục đích thì tiếp tục cho tồn tại” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên thảo luận)

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với một số kiến nghị của Đoàn giám sát; ban hành Nghị quyết để tăng cường quản lý và đề xuất một số hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý các quỹ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ trên cơ sở báo cáo giám sát rà soát lại tất cả các quỹ, đánh giá tác động hiệu quả từng quỹ và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp lại các quỹ theo thẩm quyền; cơ cấu lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ ngành, địa phương; cương quyết loại bỏ quỹ có tên nhưng không quan trọng, kém hiệu quả và không cần thiết.

“Thường vụ Quốc hội không chỉ ra loại bỏ quỹ nào mà giao Chính phủ trên cơ sở đánh giá, báo cáo sắp xếp. Giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng luật nếu cần thiết để thống nhât quản lý các quỹ; phân công bộ máy quản lý nhà nước; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát các quỹ, xử lý nghiêm sai phạm...”, ông Phùng Quốc Hiển cho biết và nhấn mạnh tiến tới giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách đối với các quỹ, cương quyết không thành lập quỹ mới.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/ra-soat-loai-bo-nhung-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-kem-hieu-qua-va-khong-can-thiet-309258.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin