Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trên bán đảo Sơn Trà.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà đã được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép trong giai đoạn từ năm 2003 (thời điểm Bộ Chính trị có Nghị quyết số 33, ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa) đến hết năm 2016 (thời điểm Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng được phê duyệt).
Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-3-2018.
Trước đó, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 29-8-2017 về rà soát toàn bộ bán đảo Sơn Trà, UBND TP Đà Nẵng vẫn giữ quan điểm tiếp tục quy hoạch nơi này thành khu du lịch quốc gia và xem xét các kiến nghị của nhà đầu tư.
Trong toàn bộ văn bản dài 50 trang, chỉ có 7 trang là báo cáo của UBND TP Đà Nẵng; số còn lại là phụ lục các dự án, phụ lục hệ động thực vật ở Sơn Trà và đơn kiến nghị của các nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết sau khi đọc báo cáo, cá nhân ông cảm nhận đó chỉ là bản giải trình chung chung về dự án chứ chưa thực sự tìm ra được giải pháp toàn vẹn cho bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt, trong phần đánh giá chung về dự án, UBND TP Đà Nẵng đã thừa nhận từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2015, định hướng 2030 thì vấn đề đa dạng sinh học mới được quan tâm đầy đủ.
"UBND TP Đà Nẵng nói căn cứ vào các tiêu chí bảo tồn sinh học, an ninh quốc gia nên đã hạ độ cao từ 200 m xuống còn 100 m, nhưng căn cứ vào đâu? Trong khi động thực vật ở Sơn Trà vẫn sinh sống dưới độ cao 100 m, voọc chà vá vẫn sống sát biển… Còn nói bảo đảm an ninh quốc phòng lại càng khiên cưỡng, vì cảng Tiên Sa, cảng quân sự nằm rất gần với các dự án đã được cấp phép. Nếu có nhiều người cư trú thì liệu an ninh quốc gia có được bảo đảm?" - ông Vinh đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Hồ Duy Diệm, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng, cho rằng báo cáo của UBND TP Đà Nẵng đã làm cho người dân TP thất vọng. "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định trước Quốc hội nếu Đà Nẵng không muốn quy hoạch thì Chính phủ cũng chấp thuận. Việc gì phải tham gia quy hoạch để mất rừng Sơn Trà?" - ông Diệm băn khoăn.
Trong buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng ngày 27-8, UBND TP cho biết trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, vấn đề về 137 lô biệt thự của các cá nhân sẽ được nêu đầy đủ. Tuy nhiên, báo cáo gửi đi ngày 29-8 vẫn không đề cập thông tin này.
"Chúng tôi đã đề nghị xem xét về khía cạnh pháp lý việc cấp phép cho các dự án ở Sơn Trà trong buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng ngày 27-8 và đại diện lãnh đạo TP đã nói là sẽ đưa đầy đủ nhưng nay lại không thấy đề cập trong báo cáo. Ngoài ra, tôi cũng hỏi về 137 lô biệt thự ở bán đảo Sơn Trà đã được cấp quyền sở hữu cho các cá nhân và 1 số đã xây biệt thự kiên cố có khía cạnh pháp lý như thế nào, cấp cho ai, cấp khi nào, cấp có đúng không... nhưng báo cáo vẫn chưa đề cập" - ông Vinh bức xúc.
Ông Diệm cũng cho hay việc cấp đất ở bán đảo Sơn Trà đều vi phạm pháp luật nhưng trong báo cáo lại không trả lời rõ. 137 lô biệt thự đó lâu nay để ngoài sổ sách, thực chất là do các chủ đầu tư "lại quả" sau khi được cấp đất ở Sơn Trà.
Theo NLD