Phó Chánh án TAND Tối cao chiều 12-9 khẳng định quá trình tranh tụng trong các phiên tòa xét xử cựu hoa hậu Phương Nga vừa qua đã được chú trọng từ lâu, nhiều phiên xét xử đã tranh tụng rất quyết liệt, gay gắt.
Trong buổi họp báo chiều 12-9 thông tin về việc Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử, ông Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, nhận định phiên tòa tại TAND TP HCM xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, hoa hậu người Việt tại Nga) bị buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vừa qua nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đồng thời có nhiều phản hồi tốt về quá trình tranh tụng tại phiên tòa.
Theo Phó Chánh án TAND Tối cao, vụ án hoa hậu Phương Nga không quá phức tạp nhưng lại nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong thời gian vừa qua do bị cáo là người nổi tiếng. "Tuy nhiên, công lý là bình đẳng. Công lý không dành riêng cho người nổi tiếng hay phân biệt đẳng cấp cao thấp"- ông Lê Hồng Quang nói.
Ông Quang chia sẻ thêm quá trình tranh tụng trong các phiên tòa xét xử đã được chú trọng từ lâu, nhiều phiên xét xử đã tranh tụng rất quyết liệt, gay gắt để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.
"Không phải tới phiên tòa xét xử cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga chúng ta mới tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Mà tại phiên tòa này, các thẩm phán đã áp dụng một số nguyên tắc mới, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội"-Phó chánh tòa Tối cao cho hay.
Cũng theo vị Phó Chánh án TAND Tối cao, quyền giữ im lặng cũng đã được thực hiện tại phiên tòa xét xử Trương Hồ Phương Nga. Thực tế cho thấy bị cáo Nga đã nhiều lần thực hiện quyền im lặng khi chủ tọa cũng như đại diện Viện kiểm sát xét hỏi.
Ông Quang lý giải thêm trước đây trong các phiên xét xử nếu bị cáo im lặng, chúng ta coi đó là hành vi bất hợp tác, không thành khẩn, nhưng theo tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp, khi bị cáo giữ quyền im lặng trước tòa, thì Hội đồng xét xử phải chứng minh bị cáo có phạm tội hay không.
Tại buổi họp chiều 12-9, TAND Tối cao cũng đã báo cáo kết quả thực hiện nâng cao công tác xét xử trong 3 năm qua. Cụ thể, theo số liệu thống kê, từ năm 2014-2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án thụ lý. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng nên chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên.
Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên đã hạn chế được các trường hợp kết án oan người không có tội. Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Tòa án phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, các Tòa án đã quyết định khởi tố tại phiên tòa để yêu cầu điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hoặc bỏ lọt người phạm tội, được dư luận xã hội rất đồng tình, ủng hộ. Ngoài ra, hàng ngàn bản án, quyết định pháp luật có hiệu lực được đăng tải công khai trên mạng internet đã nhận được phản hồi tốt từ người dân.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2014, Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị Viện KSND TP HCM truy tố về hành vi chiếm đoạt của ông Cao Toàn Mỹ 16,5 tỉ đồng thông qua việc lừa mua nhà giá rẻ. Đầu năm 2015, Nga và Dung bị bắt tạm giam.
Ngày 29-6, TAND TP HCM sau nhiều ngày xét xử cho rằng vụ án có nhiều tình tiết mới, phản bác cáo trạng truy tố Phương Nga lừa ông Cao Toàn Mỹ 16,5 tỉ đồng, nên quyết định cho Phương Nga và Thùy Dung tại ngoại. HĐXX cũng trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ những tình tiết mâu thuẫn, căn cứ buộc tội hai cô gái.
Ngày 10-8, Công an TP HCM quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga 2007) và bạn thân Nguyễn Đức Thùy Dung.
Theo NLD