Phát huy vai trò, trách nhiệm của Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển trong thời kì mới

(Pháp Lý). Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp rất cụ thể, trọng tâm, trọng điểm đối với từng Bộ ngành, tỉnh thành.

Trong đó, Chính phủ giao nhiệm vụ Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan:  Rà soát, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động đúng quy định, phản ánh đúng tình hình của doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội nhà báo Việt Nam xây dựng môi trường truyền thông, báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nhân, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của doanh nhân, doanh nghiệp về ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh;...

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin điểm lại một số dấu ấn về vai trò, trách nhiệm của Báo chí trong truyền thông chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp thời gian qua. Đồng thời nêu một số nhiệm vụ  đặc biệt của báo chí trong thúc đẩy truyền thông chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong thời kì mới.

1-1718356980.png

Nhiều cơ quan Báo chí đã tạo những dấu ấn quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống

Vai trò quan trọng của Báo chí trong truyền thông chính sách

Nghiên cứu từ thực tế cho thấy, làm tốt công tác truyền thông chính sách (TTCS) sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, đưa chính sách vào cuộc sống. TTCS tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.

Có thể nói trong chuỗi hoạt động TTCS vai trò báo chí đã trở thành cầu nối, cánh tay nối dài quan trọng bên cạnh các loại hình truyền thông khác và các chủ thể khác. Tại Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 (gọi tắt là Đề án 407), Thủ tướng xác định vai trò của báo chí trong truyền thông dự thảo chính sách là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách; căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn và đối tượng, địa bàn cụ thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương và địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách phù hợp…

2-1718356996.jpg

Các nhà báo đang tác nghiệp tại một sự kiện

Gần đây nhất vào ngày 21/3/2023, vai trò của báo chí trong TTCS được Thủ tướng tái khẳng định tại Chỉ thị số 7/CT-TTg về tăng cường TTCS: “Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”. Đáng chú ý là tại văn bản này, lần đầu tiên Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác TTCS. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ TTCS phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

Vì vậy có thể nói Đề án 407 và Chỉ thị 07- CT/TTg là cơ sở chính sách pháp lý cần thiết để báo chí cùng tham gia gánh vác trách nhiệm xã hội và sứ mệnh của mình cùng với Đảng và Nhà nước trong việc TTCS. Nhất là trong lĩnh vực xây dựng các VBQPPL, đó là “cú hích” thúc đẩy vai trò báo chí nhập cuộc có hiệu quả hoạt động TTCS ngay từ giai đoạn dự thảo chính sách đến việc hoàn thiện và đưa chính sách đi vào cuộc sống. Từ đó tạo ra sự đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu về đổi mới công tác PBGDPL theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII.

Báo chí thúc đẩy hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh

Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 407, nhất là trong khoảng thời gian từ giữa năm 2023 đến nay, hoạt động TTCS của báo chí có nhiều dấu ấn, kết quả hết sức tích cực. Đặc biệt là trong lĩnh vực TTCS hoàn thiện thể chế môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, báo chí đã chứng tỏ được vai trò là “cánh tay nối dài” không thể thiếu đối với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Có thể nhận thấy điều đó qua những dấu ấn đáng chú ý sau:

+ Tích cực phản ánh kịp thời những bất cập của thể chế, môi trường kinh doanh vào hoạt động lập pháp

Hoạt động lập pháp của Quốc hội thời gian gần đây đã thông qua nhiều Luật và Nghị quyết rất quan trọng liên quan tác động mạnh mẽ tới thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Trong những thành tựu lập pháp của Quốc hội luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí thông qua hoạt động TTCS.

Báo chí đã làm tốt vai trò TTCS như Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) đã từng đánh giá: “Trong vai trò là cầu nối quan trọng, gắn kết mật thiết các cơ quan dân cử với nhân dân và cử tri cả nước…. các cơ quan báo chí đã chủ động tuyên truyền, cổ động một cách toàn diện, kịp thời, góp phần tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội thể chế hóa thông qua các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.

Những bài báo phân tích sắc sảo, phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc, đặc biệt vướng mắc về pháp lý của nhiều dự án BĐS, hay như doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng …là nguồn cứ liệu vô cùng sinh động để các ĐBQH tham khảo khi thảo luận các dự án luật tại Nghị trường và trước khi bấm nút thông qua. Hay nói cách khác, những bài báo mang hơi thở từ cuộc sống đã góp phần giúp các ĐBQH có thêm chất liệu từ cuộc sống khi cho ý kiến vào các dự án luật có chất lượng, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh như: Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2023, Luật HTX 2023, Luật Giá 2023, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Đất đai 2024,…

+ Giúp Chính phủ thấu hiểu và gỡ nút thắt tín dụng giúp doanh nghiệp

Đầu năm 2024, khi các doanh nghiệp than khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong khi các ngân hàng thừa vốn và nỗ lực giảm lãi suất. Báo chí đã nhập cuộc với loạt bài: “Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng?” (Báo CAND); “Tiền gửi tăng nhanh nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn” (Báo điện tử Đảng CSVN)… Qua đó đã “điểm huyệt” các nguyên nhân như thiếu tài sản bảo đảm, không chứng minh được phương án kinh doanh khả thi; nhiều dự án BĐS chậm được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý; các đơn hàng của DN vẫn chưa phục hồi. Cũng qua kênh báo chí, Chính phủ đã thấu hiểu được “tiếng lòng” của các DN là mong được nâng cao hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ tín chấp, có chính sách lãi suất cho vay cố định dài hạn; chấp nhận việc thế chấp bằng chính các máy móc thiết bị sẽ đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai… nhằm nâng cao sức cạnh tranh...

Không chỉ có phản ánh, “điểm huyệt” khó khăn, báo chí còn gợi mở khai thông nút thắt thông qua lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp lý, tài chính, đầu tư… hiến kế, đề xuất các giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Tác động truyền thông của báo chí đã góp một phần dẫn tới Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô (diễn ra ngày 14/3/2024) do Thủ tướng và Phó Thủ tướng trực tiếp chủ trì với nhiều chỉ đạo quyết liệt. Và sau đó là sự ra đời của Chỉ thị 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Với phương châm “5 tăng” (trong đó ưu tiên tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ); “5 giảm” (trong đó ưu tiên giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý); và “5 tăng tốc, bứt phá” (trong đó có tăng tốc bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh).

3-1718356996.jpg

Nguồn tin của báo chí là cơ sở để các ĐBQH tham khảo trước khi bấm nút thông qua các dự án Luật

+ Vai trò phản biện của báo chí giúp nâng cao chất lượng nhiều dự án luật

Có thể thấy rõ trong vai trò là cầu nối quan trọng, các cơ quan báo chí ngày càng thể hiện xứng đáng là một kênh phản biện đầy trí tuệ và trách nhiệm với đất nước. Những văn bản luật có nội dung điều chỉnh nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh được ban hành và ra đời trong nửa cuối năm 2203 và có hiệu lực thi hành từ nửa cuối năm 2024, như: Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi... có vai trò đóng góp của báo chí, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành.

Có thể dẫn ra đây hàng loạt các bài nghiên cứu phân tích, phản biện chuyên sâu đầy trách nhiệm của các tạp chí thông tin và chuyên ngành: “Một số vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng kinh doanh bất động sản” – TC Dân chủ & Pháp luật; “Luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” – TC Kiểm sát; “Những bất cập, vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai nhìn từ góc độ quản lý” – TC Pháp lý)… Để có được các bài viết phản biện chuyên sâu, các tạp chí đã có nhiều cách làm công phu, sáng tạo. Theo bà Lê Thị Mai Phương – Tổng Biên tập TC Pháp lý: “Hàng tuần, hàng tháng, Ban Biên tập chọn các vấn đề chính sách pháp luật nổi cộm mà cộng đồng doanh nghiệp và xã hội quan tâm, cử Biên tập viên tiến hành nghiên cứu thực tế, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, từ đó nhận diện chỉ rõ những bất cập khi thi hành chính sách pháp luật và đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung chính sách”.

Cũng theo bà Lê Thị Mai Phương, 5 năm qua, nhất là từ năm 2023 đến nay, Ban Biên tập TC Pháp lý đã tổ chức thực hiện hàng trăm chuyên đề nội dung, chuyên trang nội dung nghiên cứu chính sách pháp luật chuyên sâu và nhiều tuyến bài nghiên cứu nhằm góp ý sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng. Trong đó tập trung góp ý sửa đổi, bổ sung vào một số Luật như: Luật Đất đai; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Trọng tài thương mại; Luật BHXH; Luật Kinh doanh BĐS; Luật Thuế TNDN; Luật Thuế GTGT; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu… Cùng với đó, các BTV của TC Pháp lý đã dày công nghiên cứu thực tế gần 30 vụ đại án hình sự kinh tế được phát hiện, khởi tố và đưa ra xét xử. Từ đó các BTV đã viết loạt bài phân tích, nhận diện và chỉ ra loạt bất cập, kẽ hở pháp luật và kiến nghị sửa đổi loạt các Luật: Luật PCTN; Bộ luật Hình sự; Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu, Luật Giá; Luật Đầu tư công…

Từ công tác nghiên cứu thực tế, TC Pháp lý còn tổ chức thực hiện và đăng tải hàng trăm bài viết phân tích bình luận sâu về thực thi chính sách pháp luật kinh tế, đầu tư kinh doanh và nêu ra nhiều kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật đầu tư, kinh doanh.

4-1718356996.png

5 năm gần đây, Tạp chí Pháp lý đã tổ chức thực hiện hàng trăm chuyên đề, chuyên trang nội dung với những tuyến bài nghiên cứu góp ý, xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật

Thực hiện sứ mệnh thúc đẩy TTCS, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong thời kì mới

“Sứ mệnh mới” của báo chí cách mạng trong chuỗi nhiệm vụ TTCS mà chúng tôi đề cập ở đây, đó chính là tham gia có trách nhiệm và hiệu quả đối với các nhiệm vụ, giải pháp  mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW (gọi tắt là Chương trình hành động 66). Từ kết quả đồng hành rất tích cực của báo chí cùng doanh nghiệp những năm qua, nhất là hơn 2 năm trở lại đây và để tiếp tục phát huy hiệu quả, trách nhiệm, vai trò của báo chí trong thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW và Nghị quyết số 66-NQ/CP, theo chúng tôi các cơ quan báo chí cần quan tâm làm tốt các vấn đề sau đây:

+ Quán triệt sâu sắc tinh thần chủ đạo của Nghị quyết 41 đến đội ngũ làm báo

Trong bối cảnh mạng xã hội chưa thể kiểm soát triệt để, các cơ quan báo chí cần nhập cuộc với những bài viết có quan điểm, chính kiến rõ ràng, đặc biệt là có tính định hướng cao để giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư không hoang mang, do dự trước những thông tin sai lệch, thất thiệt về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Dưới góc độ tác phẩm báo chí là phản ánh, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thu hút đầu tư trong thời kỳ mới phải đảm bảo trung thực, chính xác, khách quan.

Muốn vậy các cơ quan báo chí cần quán triệt đến đội ngũ PV, BTV phải nghiên cứu và nắm bắt thật kỹ các quy định của pháp luật, đặc biệt là nội dung định hướng của Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là: “Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Có nghĩa việc TTCS phải hướng đến xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ lớn mạnh về số lượng mà còn phải có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

+ Đề cao doanh nhân tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh

Hàng loạt các đại án kinh tế xảy ra trong thời gian gần đây (từ AIC đến Vạn Thịnh Phát, Thuận An, Phúc Sơn…), với hàng loạt doanh nhân bị sa lưới pháp luật đã ít nhiều làm ảnh hưởng, giảm sút niềm tin đối với khách hàng và đối tác. Hơn lúc nào hết, muốn vươn ra “biển lớn” cần phải nói không với những doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh chụp giật, vi phạm pháp luật, tham ô, trốn thuế, thiếu trách nhiệm với xã hội, với Tổ quốc. Chính vì vậy mà trong Nghị quyết 41, Bộ Chính trị đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật” bên cạnh việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến.

Để truyền thông có hiệu quả tinh thần doanh nhân thượng tôn pháp luật, các cơ quan báo chí cần bám sát Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 66, đó là: (i) Truyền thông hoạt động đúng quy định, phản ánh đúng tình hình của doanh nhân, doanh nghiệp; (ii) Xây dựng môi trường truyền thông, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nhân, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của doanh nhân, doanh nghiệp về ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh; (iii) Phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, quảng bá thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật (đề cao, lan tỏa các thương hiệu có uy tín và cỗ vũ tôn vinh các doanh nghiệp kinh doanh có tâm và có tầm, có khát vọng  – PV)…

5-1718356996.jpg

Quang cảnh Diễn đàn: Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững

+ Tiếp tục phản biện và xây dựng để có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất

Từ 01/7/2024 hàng loạt dự án Luật sửa đổi có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh (được Quốc hội thông qua trong năm 2023) sẽ có hiệu lực. Điều đó có nghĩa môi trường đầu tư đã cải thiện thêm một bước mới về chất. Chúng ta kỳ vọng không chỉ giữ chân được các “đại bàng” mà còn thu hút được nhiều “đại bàng” khác đến từ các quốc gia tiềm năng. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 (mà Chính phủ đề ra trong Chương trình hành động 66), còn nhiều việc phải hành động, đặc biệt khi mà bối cảnh khách quan còn nhiều khó khăn.

Đối với báo chí, nếu chỉ dừng lại ở bước truyền thông có tính định hướng cao là chưa đủ mà cần phải nhập cuộc, kịp thời phản ánh những chính sách pháp lý bất cập khi thực thi; đặc biệt là đề xuất tháo gỡ kịp thời những cơ chế, quy định, chính sách làm cản trở sự đổi mới của doanh nghiệp và những doanh nhân làm ăn chân chính. Hay nói cách khác đối với báo chí, TTCS không chỉ là tuyên truyền chính sách mà còn là phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Đó là những dự án luật còn có nhiều quy định bất cập gây trở ngại thu hút đầu tư và phát triển kinh doanh (mà Chính phủ đã “điểm mặt” trong Chương trình hành động 66): Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013…

5-1718357011.png

Ngoài các dự án Luật nói trên, để có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; báo chí cần bám sát nhận diện và mổ xẻ các bất cập còn tồn tại trong chính sách pháp luật có liên quan (được Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, tập trung sửa đổi, bổ sung, đề xuất hoàn thiện trong Chương trình hành động 66), như: (i) Hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; (ii) Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; (iii) Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; (iiii) Nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; (iiiii) Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; (iiiiii) Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… 

+ Phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 66 của Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT đó là, thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Một vấn đề nữa chúng tôi cho rằng báo chí cũng cần tích cực vào cuộc đó là nhận diện, phản ánh các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh trái khoáy, vô lý đang làm khó doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bởi, sau nhiều nỗ lực đến nay các điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp đã cắt giảm đáng kể nhưng lại đang có xu hướng “trỗi dậy” từ hình thức biến tướng khác. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, điều kiện kinh doanh phải được quy định từ văn bản cấp Nghị định trở lên, nghĩa là nói không với quy định ở cấp Thông tư. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng lại đẩy điều kiện kinh doanh xuống quy định ở Thông tư. Tại Hội thảo “Công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023”, Chủ tịch VCCI cho biết, trong năm 2023, tổ chức này đã tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ quy định và thực thi do doanh nghiệp phản ánh tới các cơ quan hữu quan.

Vì vậy để môi trường kinh doanh thuận lợi, báo chí không chỉ hướng đến việc phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp hàng ngày, mà cần hướng đến việc phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã có và ban hành mới vẫn còn các điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp. Qua đó đề xuất, kiến nghị cắt giảm, loại bỏ để đơn giản hóa các quy định kinh doanh tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

Kết mở

Những đóng góp của báo chí trong thực hiện TTCS nói chung và trong lĩnh vực tham gia hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên với sự tiến bộ và phổ biến của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông, xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng. Mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Trong xu thế đó, vai trò của báo chí, truyền thông bị thách thức không ngừng và cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Phác họa như vậy để thấy rằng, muốn báo chí tiếp tục làm tốt và hiệu quả hơn nữa vai trò TTCS, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cả nguồn lực cả vật chất lẫn tinh thần, hay nói cách khác cần tạo dư địa để báo chí phát huy trách nhiệm và sáng tạo.

Nguồn lực đó phải được đặt trong tổng thể của quá trình TTCS và phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm... mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra những động lực, nguồn lực to lớn khác trong TTCS và thực thi chính sách. Chính vì vậy mà tại Chỉ thị 7/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không chỉ chủ động kết nối mà còn bố trí kinh phí để tăng cường công tác TTCS. Cụ thể là nghiên cứu tăng cường việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ TTCS phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin